Xu hướng M&A tại Việt Nam, cơ hội cho các tổ chức tư vấn tài chính

Tổng quan thị trường

Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) từ lâu đã trở thành một hoạt động kinh tế sôi nổi nhất trên thế giới. Đây đươc coi là một trong các con đường ngắn nhất cũng như hiệu quả nhất của hoạt động đầu tư bởi nó tiết kiệm được nguồn lực, thời gian và tránh được các rào cản. Trong tiến trình hội nhập, M&A là một công cụ thu hút nguồn lực và mở rộng quy mô doanh nghiệp. Còn trong thời kỳ suy thoái kinh tế, M&A là một phương cách hữu hiệu để thoát ra khỏi suy thoái và hồi phục phát triển.

Ở Mỹ, hoạt động này xuất hiện ngay từ đầu thế kỷ 20 và đến những năm 1980-1990 thì bùng nổ mạnh mẽ. M&A doanh nghiệp đối với thế giới không còn là hoạt động mới, nhưng đây là một bước đi mới đối với Việt Nam. Hoạt động M&A trên thực tiễn ở Việt Nam bắt đầu diễn ra từ năm 2000 và có xu hướng phát triển khá nhanh. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 5 năm hoạt động, cả nước đã có trên 18 vụ M&A với tổng giá trị trên 61 triệu USD. Đặc biệt, từ năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập WTO ngày 7/11/2006, số vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đã gia tăng mạnh từ 38 vụ năm 2006 lên 108 thương vụ năm 2007 và 146 vụ năm 2008. Năm 2009, số vụ M&A đã lên tới con số 295 với tổng giá trị đạt trên 1,13 tỷ USD. Năm 2010, con số này là 345 và giá trị giao dịch đạt 1,75 tỷ USD.

Đặc điểm M&A tại Việt Nam là có sự tham gia mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài. Giao dịch quy mô thường nhỏ (35% số vụ dưới 5 triệu USD và 55% số vụ dưới 20 triệu USD). Số vụ doanh nghiệp Việt Nam đứng ra thâu tóm và bị mua là tương đương (tỉ lệ 40 – 40).

Những nguyên nhân cho xu hướng này

  • Một là, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp phải sắp xếp lại và sáp nhập để tồn tại và phát triển.
  • Hai là, môi trường pháp lý và môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng  trở nên thông thoáng và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
  • Ba là, những nỗ lực của chính phủ nhằm thu hút mạnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó hoạt động M&A sẽ đóng vai trò chủ đạo.
  • Bốn là sự nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn của các tổ chức trung gian hỗ trợ nghiệp vụ này như các ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán.
  • Năm là, khu vực Đông Nam Á đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ sự phát triển kinh tế ấn tượng và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhiều vốn nhìn thấy các cơ hội đầu tư ra nước ngoài thông qua hoạt động M&A. Sự gia tăng về số lượng và giá trị giao dịch M&A trong những năm gần đây cho thấy thị trường M&A ở Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
  • Việc thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là các doanh nghiệp đang nắm giữ những lợi thế và nguồn lực kinh doanh cũng là cơ sở để phát triển hoạt động M&A. Nguyên nhận là do khá nhiều hoạt động M&A thời gian qua liên quan đến việc mua lại cổ phần của DNNN cổ phần  hóa.  Ngoài ra, theo công bố của SCIC, năm 2011, SCIC sẽ tiếp tục thoái vốn tại 281 doanh nghiệp trong số 538 doanh nghiệp thuộc danh mục mà đơn vị này đại diện vốn nhà nước. Đây được xem là một trong những nguồn cổ phần lớn và tiềm năng cho hoạt động M&A trên thị trường chứng khoán năm 2011 trở nên sôi động.

Nhận định xu hướng M&A trong thời gian tới

Một nghiên cứu mới đây của Grant Thornton (thành viên của EuroCham), có 17% doanh nghiệp Việt Nam được hỏi cho biết, họ sẽ định hướng các kế hoạch tăng trưởng trong 3 năm tiếp theo vào thị trường M&A. Có tới 20% các doanh nghiệp cho rằng, sẽ có sự thay đổi trong mối quan hệ sở hữu ở doanh nghiệp của họ, gần gấp 2 lần tỷ lệ trung bình của thế giới là 11%. Theo dự báo của các chuyên gia nhận định thị trường, hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng mạnh.

M&A sẽ diễn ra ở nhiều ngành, nhưng ngành sản xuất sẽ sôi động nhất. Thứ hai là lĩnh vực ngân hàng, tài chính và bảo hiểm. Thứ ba là lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh. Thực tế trong các năm qua, các ngành công nghiệp, năng lượng, tài chính, nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng này chiếm tới 2/3 số vụ M&A.

  • Lĩnh vực tài chính- ngân hàng Việt Nam được xem là tiềm năng và thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vì thực tế cơ hội để thâm nhập vào lĩnh vực này nhằm cung cấp dịch vụ bán lẻ cho khách hàng cá nhân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam còn rất lớn. Cũng theo dự báo của một số chuyên gia, việc mua lại một phần vốn giữa các ngân hàng trong năm 2011 và vài năm tới vẫn sẽ phát triển nhanh chóng, đặc biệt áp lực tăng vốn điều lệ theo lộ trình quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ–CP đang ngày một gia tăng. Có thể đó chưa hẳn là thách thức với các ngân hàng đã có cổ đông lớn hoặc nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, song lại là khó khăn không nhỏ cho các ngân hàng quy mô còn khiêm tốn. Thêm vào đó, theo lộ trình dự kiến đến từ năm 2011 – 2015, vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ phải nâng lên từ 5.000 – 10.000 tỷ đồng, trong khi đó, dự thảo luật các tổ chức tín dụng vừa được trình Quốc hội xem xét lại có những hạn chế nhất định đối với tỷ lệ góp vốn của các cá nhân, tổ chức trong một ngân hàng thương mại cổ phần. Đây là khó khăn không nhỏ cho các ngân hàng trong việc gọi vốn tăng thêm vốn điều lệ.
  • M&A trong khu vực kết cấu hạ tầng được kỳ vọng sẽ có bước tiến trong giai đoạn 2011 – 2015, bởi yêu cầu cấp thiết của Việt Nam về vốn đầu tư cho sản xuất năng lượng, cầu, đường, sân bay và các dự án cảng, với tổng mức đầu tư yêu cầu vào khoảng 160 tỷ USD cho 5 – 10 năm tới.
  • Trong lĩnh vực chứng khoán, M&A mở ra nhiều cơ hội cho các công ty chứng khoán trong giai đoạn khó khăn của thị trường chứng khoán hiện nay.
  • Xu hướng M&A các dự án bất động sản cũng sẽ rất sôi động trong năm 2011. Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài muốn vào Việt Nam đầu tư mà không muốn mất nhiều thời gian để thiết lập bộ máy, cũng như đi xin dự án đã chủ động tiến hành M&A với các doanh nghiệp bất động sản trong nước.Tuy nhiên, các giao dịch này thường diễn ra âm thầm mang tính nội bộ. Số thương vụ thực hiện thành công vẫn chưa nhiều, vì trên thực tế còn nhiều khoảng cách trong thủ tục pháp lý, đặc biệt là đối với các thương vụ mà đối tác là doanh nghiệp nước ngoài.

Cơ hội cho các tổ chức tư vấn tài chính

Hoạt động M&A mở ra nhiều cơ hội cho các đơn vị, tổ chức tư vấn tài chính trong thời gian tới để tập trung phát triển các mảng nghiệp vụ cung cấp các gói sản phẩm dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp. Dù tiến hành theo hình thái nào thì M&A cũng là một nghiệp vụ phức tạp, đòi hỏi các tổ chức tư vấn không chỉ phải thấu hiểu về pháp lý, thực trạng tài chính doanh nghiệp, mà còn về cơ cấu nhân sự, cách thức quản trị,….Và cần hơn sự hỗ trợ của thị trường về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, việc định giá khi doanh nghiệp niêm yết, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động M&A.

 

 

4 bình luận to “Xu hướng M&A tại Việt Nam, cơ hội cho các tổ chức tư vấn tài chính”

  1. Nguyen Manh Hai Says:

    Bài tổng quan rất hay. Hải Yến có số liệu thống kê các tổ chức đã thực hiện tư vấn thành công cho các deal M&A ở Việt Nam trong những năm gần đây không?

  2. Tran Hai Yen Says:

    Phòng Tư vấn tài chính – Khối Đầu tư đang làm bảng tổng hợp số liệu thống kê về các deal trong thời gian gần đây và sẽ gửi tới anh chị và các bạn nếu mọi người quan tâm tới vấn đề này. Có gì mọi người cứ liên lạc với mình theo địa chỉ tranhaiyen0103@gmail.com hoặc yenth.pgbank@petrolimex.com.vn. Xin cảm ơn vì đã ủng hộ topic này.

  3. minhbagia Says:

    Bà gia ham vui xông ra ném đá rồi chạy cái.
    Tiêu chí để ném là chọn bài hiện ít bị ném nhất để ném (thực tế là ít chữ nên bài nhiều người ném rồi thì chả biết đá ở đâu mà ném nữa).

    Đi vào việc chính: đọc bài viết này thì thấy tác giả có quá trình tìm hiểu và nghiên cứu hoạt động M&A tương đối lâu. Nhưng mục đích chính là ném đá nên xin phép không ném kẹo.

    Ném phát thứ 1: Đọc khổ 2 và 3 từ “ở Mỹ …” đến “tỷ lệ 40-40” thì thấy số liệu có vấn đề, ví như lúc thì dùng USD, lúc thì dùng VND nên muốn so sánh lại cần thêm cái máy tính hay dấu (.); (,) trong cách viết các con số cũng không thống nhất hay tỷ lệ 40-40 nghĩa là gì? … và 1 số vấn đề khác nữa 🙂
    Ném phát thứ 2: Ở phần Nhận định về xu hướng M&A, tôi kỳ vọng là nhận định của tác giả hơn là nhận định của người khác. Hoặc giả như nếu đưa nhận định của người khác thì cũng nên đưa ý kiến của cá nhân tác giả đố với nhận định đó.

    Cuối cùng, tôi thề tôi hứa tôi đảm bảo là tôi chỉ ném đá tất cả các bài viết của các tác giả trong giai đoạn thử nghiệm này thôi.

    BAGIA

  4. Tran Hai Yen Says:

    Hi, tôi xin hứng đá và trả lời những thắc mắc của chị Minh như sau:

    Phát thứ nhất: người viết đã đính chính lại tổng giá trị giao dịch của các thương vụ M&A là 1,13 tỷ đồng. Về tỷ lệ 40-40 ở đây có nghĩa là trong số 345 thương vụ M&A năm 2010, số vụ DN Việt Nam đứng ra thâu tóm và bị mua là gần tương đương nhau, gộp lại chiếm khoảng 80%, số còn lại là các thương vụ của doanh nghiệp nước ngoài.

    Phát thứ hai: bài viết là một bài tổng hợp và nêu lên nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực M&A. Cá nhân tôi cũng đồng tình với nhận định này bởi những dẫn chứng mà các chuyên gia đưa ra là hoàn toàn có cơ sở. Từ đó, tôi nhận ra cơ hội về tư vấn mua bán sáp nhập trong thời gian tới là rất lớn. Đây cũng là mục tiêu mà rất nhiều công ty chứng khoán và tổ chức tư vấn tài chính lựa chọn làm định hướng phát triển cho mình.


Gửi phản hồi cho Nguyen Manh Hai Hủy trả lời