NHNN sửa TT13-19, lãi suất sẽ giảm?

Phát biểu mới đây của Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho thấy NHNN đã nhận thức rõ ràng những bất cập trong việc thiếu sự liên thông giữa thị trường 1 và thị trường 2:

 

“Có tổ chức tín dụng đang thừa vốn, nhưng đã sử dụng hết hạn mức. Có ngân hàng còn room cho vay, lại thiếu vốn. Có ngân hàng còn vốn, còn hạn mức nhưng không muốn cho vay thêm vì thấy rủi ro quá. Những ngân hàng còn hạn mức, thiếu vốn, muốn tăng trưởng tín dụng cũng không dễ vì huy động từ dân cư phải trả lãi suất cao để cạnh tranh, vay liên ngân hàng thì bị vướng các quy định của NHNN. Với những quy định hiện nay, vốn đang nơi thừa nơi thiếu và không điều hòa được. Tới đây nhiệm vụ của chúng tôi là đưa ra các biện pháp trung hòa lượng tiền này.” http://cafef.vn/2011081812050398CA34/thong-doc-nhnn-thong-tu-13-va-19-nhat-dinh-se-phai-sua-doi.chn

 

Nghịch lý hiện nay là thanh khoản trên thị trường LNH đối với VND đang rất dồi dào, lãi suất các kỳ hạn ở mức khá thấp (ON: 12,5%, 1w-1m: 13,7%-15%) trong khi lãi suất huy động từ dân cư và doanh nghiệp vẫn đang ở mức cao khoảng 17%-18%.

 

Nguyên nhân của việc thiếu sự liên thông vốn giữa 2 thị trường do quy định chỉ được phép sử dụng những khoản tiền có kỳ hạn còn lại từ 3 tháng trở lên trên thị trường 2 để cho vay thị trường 1. Trong khi khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng chỉ chủ yếu diễn ra đối với các kỳ hạn ngắn (ON, 1W), các kỳ hạn dài rất ít giao dịch. Theo đó, lượng vốn giá rẻ trên thị trường 2 chảy vào thị trường 1 không đủ để hạ nhiệt lãi suất.

 

Với việc khẳng định sẽ sửa đổi Thông tư 13, 19, nhiều khả năng quy định giới hạn về các khoản tiền trên thị trường 2 được phép cho vay trên thị trường 1 sẽ được nới lỏng (ie: giảm kỳ hạn từ 3 tháng xuống 1 tháng). Như vậy, với việc tăng cường dòng vốn giá rẻ từ thị trường 2 sang hỗ trợ thị trường 1, các ngân hàng thương mại sẽ có điều kiện giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh tín dụng VND. Thêm vào đó, khi mặt bằng lãi suất cho vay hạ do ngân hàng có được đầu vào lãi suất thấp, lãi suất huy động thị trường 1 sẽ giảm từ từ. Khi đó, theo như Thống đốc, với lãi suất huy động 14% thì lãi suất cho vay hợp lý phải ở mức 17-19%, thấp hơn nhiều mức 22-23% hiện nay.

 

Trong điều kiện lãi suất đã có cơ sở để giảm, NHNN có thể đẩy nhanh quá trình giảm mặt bằng lãi suất này thông qua 1 số quy định hành chính. Tuy nhiên, với quan điểm hạn chế sử dụng biện pháp mang tính hành chính được Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố ngay khi mới nhận chức, các biện pháp bắt buộc hạ mặt bằng lãi suất có thể chỉ mang tính thời điểm.

15 bình luận to “NHNN sửa TT13-19, lãi suất sẽ giảm?”

  1. Thiên thần bóng tối Says:

    chòi oi, cứ lấy hết tin nóng hổi để viết ngay và luôn thế này thì lấy đâu tin cho người khác viết đây ông Jonny Hải Nguyễn?

  2. Cuong Tran Says:

    “Có tổ chức tín dụng đang thừa vốn, nhưng đã sử dụng hết hạn mức”
    Cái này thì giải quyết thế nào đây anh ?

  3. Nguyen Duc Hai Says:

    Ớ, bài này của cô Vân mà, ném đá cô Vân chứ sao cứ tương sang a nhỉ. Cái này Vân trả lời tốt ^ ^

  4. Nguyen Manh Hai Says:

    Chuyên gia giúp giải thích thêm câu kết luận của bài viết: “Tuy nhiên, với quan điểm hạn chế sử dụng biện pháp mang tính hành chính được Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố ngay khi mới nhận chức, các biện pháp bắt buộc hạ mặt bằng lãi suất có thể chỉ mang tính thời điểm.”

    Theo chuyên gia thì các biện pháp chỉ mang tính thời điểm là thế nào?

    Nếu việc sửa TT13, 19 được coi là các biện pháp hành chính, thì làm sao để có thể hạ mặt bằng lãi suất cho vay (trước là tín dụng đã, chưa dám nói đến huy động) một cách bền vững đây?

    Cảm ơn ý kiến chuyên gia 😀

    • Bùi Quỳnh Vân Says:

      Như em đã viết trong đoạn thứ 5, nếu TT13, 19 được sửa theo hướng nới lỏng quy định về việc dùng vốn TT2 cho vay TT1, khi đó NH sẽ có nguồn vốn giá rẻ dồi dào, giảm áp lực phải huy động TT1 với lãi suất cao, lãi suất TT sẽ giảm từ từ. Nghĩa là phải sau 1 thời gian đủ dài để biện pháp trung hòa lãi suất trên thể hiện hiệu quả rõ ràng trong việc giảm mặt bằng lãi suất.

      Tuy nhiên, trong điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa: NHTM đã có nguồn vốn giá rẻ, các NHTM không cần cạnh tranh nhau hút vốn từ dân cư, vị thế mặc cả lãi suất với NH của khách hàng giảm xuống. Khi đó, mặc dù nhiều NHTM muốn hạ lãi suất nhưng sẽ không dám đi tiên phong do lo ngại bị NH khác thu hút mất khách hàng. Điều cần thiết khi đó là cần 1 sự đồng thuận của tất cả các NH để nhanh chóng hạ lãi suất, hoặc cần 1 cú hích từ phía NHNN dưới dạng “biện pháp hành chính” để các NH có thể yên tâm rút ngắn thời gian của quá trình giảm lãi suất mà không sợ bị thiệt thòi. Khi lãi suất đã giảm về mức hợp lý, vai trò của “biện pháp hành chính” đó cũng chấm dứt nên em mới viết là “mang tính thời điểm” ạ.

      Một điều nữa là, khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì hạ mặt bằng lãi suất là quá trình tất yếu bền vững ạ.

      • Nguyen Manh Hai Says:

        Đã rõ 🙂 Như vậy có thể hiểu rằng, các biện pháp hành chính tuy và dù chỉ là thời điểm nhưng sẽ là những “cú hích” cần thiết và tiên quyết! Ở Việt Nam thì phải vậy cũng là hợp lý!

        “Like mạnh” câu “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của chuyên gia và hy vọng sẽ có bài viết riêng về chủ đề này ở ngành tài chính-ngân hàng Việt Nam 😀

  5. Bùi Quỳnh Vân Says:

    Hi bạn Cường, về việc các tổ chức tín dụng hiện nay đang thừa vốn nhưng sử dụng hết hạn mức tín dụng 20% theo quy định của NHNN, tớ trả lời như sau:

    Một mặt, tổ chức tín dụng vẫn phải tuân thủ đúng quy định về hạn mức tín dụng đã nêu, có nghĩa là đảm bảo việc tăng trưởng dư nợ trong suốt năm 2011 không quá 20%. Điều này không có nghĩa là TCTD không được phép cho vay thêm từ thời điểm hết hạn mức đến cuối năm mà TCTD chỉ cần đảm bảo cân đối số thu nợ và số cho vay ra trong thời gian này sao cho tổng tín dụng không vượt quá 20% so với năm 2010 là được.

    Về việc dư thừa vốn hiện nay, hầu hết các TCTD đều đã tự nhận thức được việc thu hút nguồn vốn huy động với lãi suất cao thời gian qua đang làm tăng chi phí huy động vốn trung bình của bản thân TCTD, trong khi đầu ra bị hạn chế bởi trần tín dụng hoặc lãi suất cho vay quá cao khiến người vay không chấp nhận vay. Theo đó, 1 trong số các biện pháp các TCTD cần quan tâm hiện nay là hạn chế việc tiếp tục huy động vốn với lãi suất cao, tăng cường giải ngân tín dụng (trong room được phép) trong thời điểm này để tranh thủ lúc lãi suất cho vay trên thị trường vẫn ở mức cao (lãi suất cho vay sắp tới dự báo sẽ giảm). Ngoài ra, NH có thể lựa chọn các kênh khác như ủy thác đầu tư, trái phiếu Chính phủ, liên ngân hàng,…Lựa chọn này phải tùy từng hoàn cảnh cụ thể của từng NH, chi phí vốn trung bình của NH đó cũng như NH đó có lợi thế gì về nguồn vốn, mức độ chấp nhận rủi ro thì lãnh đạo NH đó mới quyết định nên đầu tư vào đâu.

  6. hangdt1610 Says:

    Achso, chiều qua nghe Vân nói lại tưởng anh Jonny viết ^^

    • Bùi Quỳnh Vân Says:

      hihi, tại hôm qua là T5, hem phải lịch của em nhưng mà anh Johnny thấy cái link chị Minh gửi hay quá, nên bảo em viết nhận định luôn. Thế là em cũng mạn phép bon chen với cả nhà, nhưng mà chỉ bon chen trên blog thôi, ko thông báo qua mail. Ai dè, topic hot quá, bị ném đá lia lịa, hị hị 😀

  7. Bùi Quỳnh Vân Says:

    Update:
    Trong tuần tới Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với 12 ngân hàng thương mại lớn nhất để cùng thảo luận về các giải pháp hạ lãi suất. Những văn bản được rà soát trước hết là những quy định liên quan đến huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng. Đây là một trong những điểm gút để điều hòa vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, đồng thời tạo sự liên thông giữa thị trường liên ngân hàng và thị trường huy động vốn từ dân cư, doanh nghiệp.
    Đọc thêm tại: http://cafef.vn/20110819105648570CA34/nhnn-thang-9-trien-khai-goi-giai-phap-giam-lai-suat.chn

    Khi TT1 và TT2 liên thông, lãi suất sẽ giảm mạnh, các NH đều nắm được vấn đề này nên đã nhanh chân mua TPCP trong lúc lãi suất còn ở mức cao (phiên đấu thầu 18/08 trúng 100%, lãi suất trúng thầu giảm, trái ngược hẳn với mấy phiên gần đây)

  8. minhbagia Says:

    Cả nhà vote cho Minhbagia cái nhỉ?

    • Nguyen Manh Hai Says:

      Vote! Like! +! cho Minhbagia!

      Đề nghị tác giả (văn hóa forum gọi là “chủ thớt” vì viết bài là sẽ bị chém, chặt, băm – tương tự như văn hóa ném đá, ném gạch, quăng búa) lần sau nêu rõ nếu có phỏng vấn Chuyên gia Minhbagia thì nêu trích dẫn đầy đủ nhé!

  9. Cong Nong Says:

    Ban danh gia the nao ve kha nang NHNN tuyen bo giam lai suat cho vay ve 17 – 19% vao thang 9 nay?

    Cho vay 17-19% nghia la huy dong 14-16% so voi mat bang hien tai la 18% (1-3M), lieu chi de lien thong TT1 va TT2 co giup giam LS nhieu den the?

    NHNN con co the co nhung bien phap gi de giam LS ma khong lam tang lam phat von hay tang vao chu ky cuoi nam?

    • Bùi Quỳnh Vân Says:

      Về khả năng giảm lãi suất xuống mức 17-19%, mình trả lời ở topic này nhé: https://pgbankresearch.wordpress.com/2011/08/22/danh-gia-kh%E1%BA%A3-nang-gi%E1%BA%A3m-lai-su%E1%BA%A5t-cho-vay-v%E1%BB%81-m%E1%BB%A9c-17-19-c%E1%BB%A7a-nhnn/

      Về những biện pháp NHNN có thể dùng để giảm lãi suất, ngoài việc liên thông thị trường 1 và thị trường 2, nhiều chuyên gia đã đề cập đến việc có thể tăng tỷ lệ cấp vốn từ nguồn huy động từ 80% lên khoảng 85%, tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay dài hạn (hiện là 30%). Theo đó, với cùng 1 lượng vốn huy động về, ngân hàng được phép sử dụng nhiều vốn để cho vay hơn sẽ giúp chi phí vốn thực tế của ngân hàng giảm, qua đó tạo điều kiện làm giảm lãi suất cho vay.

      Tuy nhiên, nghịch lý của những giải pháp trên là làm tăng tổng tín dụng, qua đó tăng tổng phương tiện thanh toán, tác động tiêu cực đến lạm phát. Về vấn đề giảm lãi suất mà không ảnh hưởng đến lạm phát, mình sẽ nghiên cứu và trả lời bạn ở 1 topic khác nhé.

      Cảm ơn câu hỏi rất hay của bạn.


Gửi phản hồi cho Bùi Quỳnh Vân Hủy trả lời