“Operation Twist” (Phần 1)

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam (22/09), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố chương trình “Operation Twist” trị giá 400 tỷ USD nhằm hạ thấp lãi suất dài hạn và giúp nền kinh tế hồi sinh. Theo đó, Fed sẽ bán 400 tỷ USD trái phiếu ngắn hạn (đáo hạn trong vòng 3 năm trở lại) để mua 400 tỷ USD trái phiếu dài hạn (đáo hạn trong vòng 6 – 30 năm) bắt đầu từ tháng 10/2011 và kết thúc vào tháng 6/2012. Tuy nhiên, theo đánh giá chủ quan của tác giả, gói kích thích kinh tế lần này không đủ để làm dịu cơn khát của nền kinh tế và chưa đủ để thỏa mãn sự chờ đợi của giới đầu tư suốt mấy tháng qua. Mặt khác, gói hỗ trợ lần này còn cho thấy sự thật là nền kinh tế bậc nhất thế giới đang cạn kiệt các công cụ hỗ trợ hiệu quả và các nhà cầm quyền cũng đang dần bế tắc.

“Operation Twist” – QE2,5!

Một số nhà phân tích khi đăng tin về gói kích thích lần này của Chính phủ Mỹ đã ví “Operation Twist” như gói QE2,5 (gói Nới lỏng định lượng – Quantitative Easing). Vậy Quantitative Easing, Operation Twist là gì và tại sao “Operation Twist” được gọi là QE 2,5?

Quantitative Easing (QE)

Quantitative Easing thực chất chưa có trong từ điển kinh tế học nào. Đây là biệt danh được một số phương tiện thông tin đại chúng, các ngân hàng trung ương và giới phân tích đặt cho việc hỗ trợ kinh tế thông qua việc bơm tiền vào nền kinh tế trong trường hợp lãi suất đã bằng hoặc gần bằng 0. Đầu tiên, Ngân hàng trung ương sẽ “in” tiền bằng việc ghi nợ vào tài khoản của mình (Làm tăng Liabilities); sau đó sẽ lấy các khoản nợ vừa tạo để mua trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp từ các ngân hàng và định chế tài chính (Làm tăng Asset). Theo đó, QE sẽ làm tăng kích cỡ của Bảng cân đối của Ngân hàng Trung ương.

Khái niệm QE lần đầu tiên được sử dụng tại Nhật Bản vào năm 2001 nhằm chống giảm phát và tăng cung tiền cho nền kinh tế trong bối cảnh lãi suất nước này đã được cắt giảm về mức tối đa 0%. Sau đó, Chủ tích Cục dự trữ Liên bang Mỹ đã khởi động chương trình này trong thời điểm khủng hoảng 2008 -2009 nhằm vực nền kinh tế ra khỏi suy thoái.

Biểu đồ: Các mốc thời gian của QE

Photobucket

“Operation Twist”

Trong khi đó, “Operation Twist” mà Fed vừa đưa ra là một loại công cụ hoán đổi thời hạn trái phiếu. Fed đã bán trái phiếu ngắn hạn để mua trái phiếu chính phủ dài hạn nhằm nỗ lực san bằng các đường cong lãi suất. Động thái sẽ góp phần hạ thấp lợi suất đối với trái phiếu dài hạn trong khi giữ nguyên lợi suất trái phiếu ngắn hạn. Theo đó, Fed không mở rộng cung tiền mà vẫn kích thích kinh tế. “Operation Twist” khác với QE vì “Operation Twist” không làm tăng kích cỡ của Bảng cân đối của Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, cách thức của 2 công cụ này cùng là mua trái phiếu chính phủ nên giới phân tích đã gọi “Operation Twist” như là QE2,5!

Fed đã từng áp dụng chính sách này vào thập kỷ 1960. Tổng giá trị của chương trình “Operation Twist” vào thời điểm đó là 8,8 tỷ USD, tương đương 1,7% tổng quy mô của nền kinh tế Mỹ còn giá trị của chương trình lần này tương đương gần 2,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Kỳ tới:
Tại sao là QE2,5 mà không phải là QE3?
QE3 có thể còn chưa tác dụng, “Operation Twist” lại càng không!

30 bình luận to ““Operation Twist” (Phần 1)”

  1. Nguyen Manh Hai Says:

    Chủ đề hay và nóng hổi! Cảm ơn tác giả! Mình cũng đồng ý là sự khác nhau của QE và OT chính là một bên thì tăng cung tiền, tăng bảng cân đối – và một bên thì không tăng cung tiền, không tăng bảng cân đối!

    Mình chỉ hơi băn khoăn về ý là: “Đầu tiên, Ngân hàng trung ương sẽ in tiền và ghi nợ vào tài khoản của mình (Làm tăng Liabilities)”. Mình muốn làm rõ là theo các bài viết về QE thì NHTW “không in thêm tiền giấy” print banknotes mà chính xác là “tạo ra tiền” – creating money – hoặc cũng có thể gọi cách khác là quyền đòi thanh toán – claims.

    Theo bài http://www.bankofengland.co.uk/monetarypolicy/pdf/qe-pamphlet.pdf thì có đoạn: “The MPC’s decision to inject money directly into the
    economy does not involve printing more banknotes.
    Instead, the Bank buys assets from private sector
    institutions – that could be insurance companies, pension
    funds, banks or non-financial firms – and credits the seller’s
    bank account. So the seller has more money in their bank
    account, while their bank holds a corresponding claim
    against the Bank of England (known as reserves). The end
    result is more money out in the wider economy”

    Đây là điều rất quan trọng, vì khác với chính sách in tiền giấy của Chính phủ để trả nợ. Không biết là mình hiểu như vậy có đúng không?

  2. Đào Thị Thu Hường Says:

    Cảm ơn anh đã làm rõ điểm quan trọng này để người đọc có thể hiểu hơn. Anh hiểu như vậy là đúng ạ. Em đã vừa sửa lại một chút trong bài viết để người đọc không hiểu nhầm. Lúc đầu em viết là “Ngân hàng trung ương sẽ in tiền và ghi nợ vào tài khoản của mình”, đúng là người đọc sẽ dễ hiểu nhầm là in thêm tiền giấy. Ý em ở đây là NHTƯ sẽ in ra các khoản tiền ảo bằng việc ghi nợ vào tài khoản của mình. Vì vậy, em đã sửa lại như trên.

  3. Cuong Tran Says:

    cảm ơn tác giả, bài viết rất thú vị 🙂 like this

  4. Bui Thi Hong Thu Says:

    Bài viết hay quá và rất cập nhật! Cảm ơn tác giả nhiều! Mong được đọc tiếp phần 2 sớm! 🙂

  5. Nguyen Thu Ha Says:

    Cảm ơn tác giả. Bài viết rất hay và súc tích. Mình chỉ có một chút thắc mắc về ý “Fed đã bán trái phiếu ngắn hạn để mua trái phiếu chính phủ dài hạn nhằm nỗ lực san bằng các đường cong lãi suất”. Do chưa nghiên cứu nhiều về trái phiếu, nên mình ko hiểu tại sao việc bán trái phiếu ngắn hạn để mua trái phiếu dài hạn lại giúp làm giảm lợi suất trái phiếu dài hạn. Tác giả giải thích rõ hơn ý này giúp mình được ko? Thanks 😡

  6. Selfer Says:

    Theo mình hiểu thì lợi suất trái phiếu và giá trái phiếu tỷ lệ nghịch với nhau.

    Do đó, khi mua trái phiếu dài hạn ==> cầu TP dài hạn tăng==> giá TP tăng ==> lợi suất TP dài hạn giảm ^ ^
    Ngc lại, khi bán trái phiếu ngắn hạn ==> cung TP ngắn hạn tăng ==>giá TP giảm ==> lợi suất TP ngắn hạn tăng.
    Lợi suất TP dài hạn được xem là lãi suất tham chiếu, ls phi rủi ro trong tính toán các khoản lãi suất vay mượn mua bán nhà đất, tài sản lớn, định giá DN…, lợi suất tham chiếu giảm kéo lãi suất dành cho các khoản vay dài hạn giảm ==> kích thích nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng (khác QE nhé, khác thía nào thì mong tác giả giải thích giùm ^ ^)

    • Bui Thi Hong Thu Says:

      Bạn Selfer cho mình hỏi 1 chút nhé. Theo như bạn giải thích thì:
      “Ngc lại, khi bán trái phiếu ngắn hạn ==> cung TP ngắn hạn tăng ==>giá TP giảm ==> lợi suất TP ngắn hạn tăng.” Tuy nhiên theo như bài viết của tác giả thì việc bán trái phiếu ngắn hạn mua trái phiếu dài hạn sẽ hạ thấp lợi suất đối với trái phiếu dài hạn trong khi “giữ nguyên lợi suất trái phiếu ngắn hạn”. Vậy là như thế nào? Tác giả và bạn Selfer có thể giải thích cụ thể và nhất quán được không ạ? Cảm ơn tác giả và bạn Selfer!

    • Nguyen Thu Ha Says:

      Bạn Selfer hình như có chút nhầm lẫn thì phải. Theo giải thích của bạn, và theo mình hiểu, thì lợi suất trái phiếu và giá trái phiếu phải tỉ lệ nghịch với nhau, chứ đâu phải tỷ lệ thuận như câu mở đầu của bạn nhỉ?

  7. Bui Thi Hong Thu Says:

    Hình như là bạn Selfer đã đính chính lại rồi đấybạn Nguyen Thu Ha ạ.

  8. Selfer Says:

    Thanks bạn Hà đã góp ý ^ ^, đúng là tỷ lệ nghịch thật ^ ^

  9. Đào Thị Thu Hường Says:

    Cảm ơn các bạn. Nhân câu hỏi của bạn Thu, mình cũng xin được giải thích luôn lý do tại sao chương trình lại có tên khá hay “Operation Twist”.
    Bình thường, đường cong lợi suất trái phiếu (Bond Yield Curve) đi theo chiều từ dưới hướng lên trên (lợi suất kỳ hạn ngắn hạn thấp, lợi suất kỳ hạn dài cao). Đúng như Selfer nói, thông thường thì việc bán trái phiếu ngắn hạn mua trái phiếu dài hạn sẽ giúp hạ thấp lợi suất TP dài hạn và làm tăng lợi suất TP ngắn hạn. Theo đó, lẽ ra đường cong sẽ bị bẻ ngược lại theo chiều từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, hiện tại Fed còn đang sử dụng một công cụ nữa đó là duy trì lãi suất thấp ở mức gần bằng 0. Vì vậy, trên thực tế, bị tác động bởi hai công cụ, lợi suất trái phiếu ngắn hạn sẽ gần như không đổi. Và đường cong lợi suất sẽ có xu hướng đi ngang (Flat). Việc bẻ, xoắn các đường cong lợi suất (Twist) chính là lý do tại sao chương trình lại có cái tên như vậy. Hy vọng giải thích của mình giúp các bạn hiểu được phần nào.

  10. Selfer Says:

    Mình góp nhặt ý của nhiều tác giả bổ sung thêm chút cho rõ ý nhé cả nhà:

    “về khả năng của the FED trên phương diện tác động đến lợi suất. The FED chỉ có thể ảnh hưởng the short-term rate qua việc tăng/giảm the FED FUND RATE. The FED không thể ảnh hưởng DIRECTLY the long term yield. Đó là market rate.

    Tuy nhiên, thông qua OT the FED GIÁN TIẾP ảnh hưởng the long yield bằng cách mua long-term bonds để hạ the long yield xuống. Việc này kỳ vọng sẽ ảnh hưởng vào kinh tế về dài hạn. Nó không ngắn hạn như các QE’s vừa qua. The FED không pump $$ vào kinh tế ở giai đoạn short-term (QE’s) để rồi nó bị kẹt đâu đó trên đoạn đường từ the FED đến the consumers, và chạy thẳng vào commodities để speculate, tạo ra bong bóng hàng loạt hàng hóa vừa rồi.

    The FED kỳ này ra tay nhắm vào cái gốc của vấn đề. Đó là the mid-to-long duration (10-30 yrs). Khi the FED hạ lợi suất kiểu này thì sẽ kích thích mọi vấn đề financing trong kinh tế như mua nhà (usually là 30-yr), mua xe (5 yr) hay mượn tiền phát triển cho công ty (10-20yr). Họ cố giữ cái long-term rates cho thật thấp để dể dàng vay mượn, kích thích đầu tư, tiêu dùng.”

    Trích: http://www.vietcurrency.com/discussion/showthread.php?2247-US-Market-2011&p=227306#post227306 của tác giả Vietcurrency, thanks anh VC.

    Để giữ nguyên lãi suất ngắn hạn (không tăng lên), Fed sẽ điều tiết lãi suất Fed fund rate thông qua nghiệp vụ của mình để tác động đến vốn khả dụng của hệ thống NH (bằng OMO, window discount). Điều này có nghĩa là làm flattening yield curve.

    Trích: http://nghiatq.wordpress.com/2011/09/22/operation-twist/#comment-1283 của tác giả nghiatq, thanks anh Nghĩa ^ ^

  11. $ Hằng $ Says:

    Giới phân tích và đầu tư toàn cầu có vẻ nghiêng về nhận định rằng tác động của OT không lớn và tỏ ra thất vọng, riêng mình thì thấy ngay lập tức có tác động tích cực đấy chứ :D.
    Giá vàng giảm, theo mình là ổn hơn so với khi nó tăng vù vù; giá USD tăng –> quá ổn về mặt đánh bóng hình ảnh: rằng Mỹ có rơi vào tình trạng nào đi nữa thì USD vẫn là số 1 hehe
    Mong chờ phần tiếp theo để cùng tranh luận sâu hơn về tác động của OT ^^

  12. Selfer Says:

    Vàng theo mình tăng trước đó do thị trường kỳ vọng the Fed và các NHTW sẽ tiếp tục bơm tiền ==> lạm phát, USD giảm ==> vàng + hàng hóa tăng, cùng với rủi ro nợ công khiến dòng tiền chảy sang vàng để trú ẩn.

    Giờ với OT thì The Fed không bơm tiền như kỳ vọng, USD lên ==> vàng và nhiều hàng hóa yết bằng USD giảm, chưa tính khi chứng khoán giảm dẫn đến thua lỗ cũng kích thích các quỹ bán vàng để cân đối danh mục, nộp thêm ký quỹ…==> vàng giảm

  13. Nghiatq Says:

    Thị trường chuyển biến xấu theo nghĩa của nó (CK xấu, vàng xấu,…) vì hành động của Fed không như kỳ vọng và một số hoạt động đồng cơ. 🙂

  14. Nguyen Manh Hai Says:

    Góp vui thêm là trong kinh doanh trái phiếu, có những chiến lược mua bán lựa theo kỳ vọng về sự biến hình của đường cong lợi suất gọi là Curve Flattener Trade và Curve Steepener Trade 🙂

    Như vậy với OT, Fed đang áp dụng Curve Flattener Trade 🙂 – tất nhiên là không phải vì mục đích đầu cơ kiếm lời – mà chỉ đơn thuần để giảm lợi suất dài hạn nhằm kích thích các hoạt động đầu tư dài hạn, đúng như các phản hồi trên đã khẳng định.

  15. Selfer Says:

    Nhiều người đánh giá market (chứng khoán, vàng) vừa rồi tăng nhờ “HOPE for QE3”.

    Giờ The Fed tung OT và dự định kéo dài chương trình này đến T6/2012, điều đó khiến kỳ vọng về 1 QE3 vụt tắt, ít nhất là trong các cuộc họp đầu tháng 11 tới ==> market sẽ không có gì hỗ trợ trong 1,5 tháng tới ^ ^

  16. Nguyen Manh Hai Says:

    Bác Lê Xuân Nghĩa khá lạc quan về OT “Việc FED tung ra gói kích thích 400 tỉ USD này, theo tôi, chắc chắn sẽ có những tác động tốt đến nền kinh tế thế giới nói chung, đặc biệt tác động đến thị trường Châu Á, trong đó có các nước đang phát triển như Việt Nam”. (CafeF).

    Tuy nhiên, mình cho rằng chìa khóa giải mã cho một sự phục hồi toàn diện lại nằm ở đây http://cafef.vn/2011092507163314CA32/cuoc-chien-cuoi-cung-cua-tong-thong-obama.chn Mọi chính sách tiền tệ đều có giới hạn của nó, và không thể không cần đến các chính sách tài khóa tương thích được.

  17. Ngan Ha Says:

    Theo mình thì mục đích lần này là làm cho phân lời ( yield ) của trái phiếu dài hạn và trung hạn tăng lên, chứ không phải giảm xuống như mọi người bàn luật ở trên.

    Sau khi ra thông báo operation twist thì phân lời của 10-year Note là 1.7%, của 30-year bond là 2.75% và trung hạn 5-year note là 0.77%. Khả năng phân lời này tăng lên gấp đôi trong thời gian tới rất cao.

    • Nguyen Manh Hai Says:

      Chào bạn Ngan Ha! Theo như mình tìm hiểu thì mục đích của Fed khi đưa ra OT đợt này là để giảm lợi suất (yield) TPCP Mỹ dài hạn xuống và làm đường cong lợi suất phẳng hơn.

      Diễn biến TPCP 10 năm (gọi tắt là 10s) thì hơn 1 năm qua, 10s đạt đỉnh tại 3.73% vào khoảng tháng 2/2011 và liên tục giảm xuống. Gần đây thì đạt đỉnh ngắn hạn là khoảng 2.02% vào ngày 15/09 – khi đó thị trường kỳ vọng Fed đưa ra QE3 rất hoành tráng để giảm lợi suất dài hạn xuống. Ngay lập tức 10s giảm mạnh xuống 1.70% cho đến ngày 22/09 khi Fed tung ra OT – cũng là QE nhưng không hoành tráng như thị trường kỳ vọng. Chính vì thế, 10s đã tăng ngươc trở lại và hôm nay là vào khoảng 1.83% – bản chất là sự điều chỉnh. Chính vì thế từ ngày 22/09 đến nay, 10s tăng.

      Ngoài ra, OT được thực hiện trong 1 thời gian quá dài (!) nên tác động đến 10s, 20s, 30s chắc chắn không nhanh và mạnh được. Mình nghĩ rằng một vài hôm nữa, 10s sẽ bình ổn ở mức 1.7 – 1.8% này và sẽ còn xuống nữa nếu Fed thực sự áp dụng OT một cách triệt để.

      • Đào Thị Thu Hường Says:

        Cảm ơn anh Mạnh Hải và bạn Ngân Hà. Về mục đích làm giảm lợi suất trái phiếu trung và dài hạn, Fed có nói rõ trong thông cáo báo chí của mình:

        “….This program should put downward pressure on longer-term interest rates and help make broader financial conditions more accommodative. ….”

        http://www.federalreserve.gov/newsevents/press/monetary/20110921a.htm

        Việc “làm giảm lợi suất trái phiếu chính phủ” là “kỳ vọng” và “mục đích” của Fed khi tiến hành OT thôi, còn LS thực tế tăng hay giảm sẽ là theo diễn biến thị trường sau đó.

  18. Long DT Says:

    Em chưa hiểu về nguyên tắc thì tại sao OT lại có tác dụng kích thích nền kinh tế, mọi người có thể giải thích hộ em được không ạ. OT không hề làm tăng cung tiền cho nền kinh tế mà đơn thuần chỉ nắn lại đường cong lợi suất. Tức là sẽ làm cho lãi suất ngắn hạn tăng, còn lãi suất dài hạn giảm.
    Liệu có phải là khi ấy thì việc đầu tư vào tài sản dài hạn (fixed assets chẳng hạn) sẽ tăng lên để tạo điều kiện cho long-term development k nhỉ. Đây có phải lại mục tiêu của FED k nhỉ.

    • Đào Thị Thu Hường Says:

      Chào Long. Em hiểu một cách đơn giản thì như thế này: Kỳ vọng của Fed là khi lãi suất trái phiếu dài hạn giảm sẽ làm cho:

      1) lãi suất thê chấp vay mua nhà, mua ô tô,…(các loại lãi suất này là lãi suất dài hạn), sẽ giảm theo. Như vậy người dân thấy lãi suất thấp sẽ có motivation để vay tiền mua nhà, mua ô tô, kích thích tiêu dùng.
      2) lãi suất đối với các khoản vay dài hạn khác cũng giảm theo. Kích thích nhà đầu tư, doanh nghiệp vay tiền để đầu tư.

  19. vohoangchuong Says:

    Các bạn cho mình hỏi 1 câu về trái phiếu nhé, mình cũng mới tìm hiểu về Trái phiếu nên còn rối rắm lắm. Vấn đề này liên quan đến giá TP và lãi suất sẽ tỷ lệ nghịch với nhau.
    VD: Cty A phát hành trái phiếu mệnh giá $1000, lãi suất coupon 10%, trả lãi hằng 6 tháng –> cứ 6 tháng mình sẽ nhận $50, vậy thì khi đáo hạn, số tiền tổng cộng mình nhận lại sẽ là $1000 gốc và $200 lãi.
    Tới đây, mình bị gặp vấn đề như thế này:
    Nếu nđt sau khi mua TP A, cần tiền mặt để kinh doanh, họ sẽ bán TP A cho nhà đầu tư khác. Vậy thì:
    Trên cương vị là nhà đầu tư khác, họ sẽ có 2 kỳ vọng:
    1. Kỳ vọng lợi suất là 15%  giá TP giảm
    2. Kỳ vọng lợi suất là 5%  giá TP tăng

    Đến đây thì e bí. Cho e hỏi:
    1. Làm sao người ta tính ra đc 15% và 5%,
    2. TP đã ghi rõ là lãi suất 10% thì ai sẽ trả 15% hay 5%?!!!! Các anh chị giải thích giúp e vấn đề mua bán TP này đc ko!

    Cám ơn a chị nhiều

    • Nguyen Manh Hai Says:

      Không thấy bạn nào vào trả lời nên mình thử vậy 🙂

      Câu hỏi 1: “Lợi suất” mà mọi người nói ở đây có tên gọi đầy đủ là Lợi suất đáo hạn dich từ cụm từ Yield To Maturiy (viết tắt là YTM) và viết gọn Yield. Khái niệm này tương tự IRR – tỷ suất hoàn vốn nội bộ.

      Công thức của nó là:

      P = C/(1+i) + C/((1+i)^2) +… + C/((1+i)^n) + M/((1+i)^n), trong đó

      C: số tiền lãi hàng năm (coupon payment)
      M: Giá trị hoàn trả tại ngày đáo hạn, thường bằng 100% mệnh giá trái phiếu (face value)
      N: số năm tính đến ngày đáo hạn
      P: giá giao dịch của trái phiếu
      i: lợi suất đáo hạn (YTM – yield to maturity)

      Thường thì thế này:

      – Trái phiếu bán chiết khấu (traded at a discount): là khi giá giao dịch của trái phiếu thấp hơn mệnh giá, và khi đó lợi suất đáo hạn YTM cao hơn lãi suất (tên đầy đủ là lãi suất cuống phiếu/hoặc gọi là lãi suất danh nghĩa – coupon rate). Đây là trường hợp lợi suất là 15% như bạn nói, như vậy: YTM 15% > Coupon 10% và giá trái phiếu đã giảm thấp hơn mệnh giá.
      – Trái phiếu bán phụ trội (traded at a premium): là khi giá giao dịch của trái phiếu cao hơn mệnh giá, và khi đó lợi suất đáo hạn YTM thấp hơn lãi suất. Đây là trường hợp lợi suất là 5%, như vậy YTM 5% < Coupon 10% và giá trái phiếu đã tăng cao hơn mệnh giá.
      – Trái phiếu bán bằng mệnh giá (traded at par): thường đây là lúc phát hành lần đầu (primary issue): YTM = Coupon = 10% và giá giao dịch của trái phiếu = mệnh giá = $1000 (trong ví dụ của bạn)

      Câu hỏi 2: Trên chứng chỉ trái phiếu luôn chỉ ghi lãi suất danh nghĩa mà thôi. Còn giá giao dịch là do thỏa thuận mua bán trên thị trường thứ cấp, và từ giá đó, lợi suất đáo hạn sẽ được tính và niêm yết để tham chiếu. Lý do niêm yết lợi suất vì so sánh các TP khác nhau bằng lợi suất sẽ dễ hơn là so sánh giá, vì lợi suất đã bao gồm tất cả các yếu tố của trái phiếu như lãi suất, dòng tiền lãi suất được nhận định kỳ, giá trị hoàn trả khi đáo hạn…. và thời gian đến đáo hạn.

      Ví dụ, bạn mua 1 TP đó bằng đúng mệnh giá, thanh toán cho tổ chức phát hành $1000 và bạn sẽ được hưởng 10% lãi suất. 3 ngày sau, bạn bán lại cho tôi với YTM thỏa thuận là 5% thì như vậy tôi phải trả cho bạn cao hơn $1000 rất nhiều 🙂 (Cụ thể thế nào bạn dùng excel tính ra nhé!)

      Tại sao tôi lại mua lại TP đó từ bạn với YTM chỉ là 5% thôi? Có nhiều lý do, ví dụ tại ngày phát hành tôi không mua được như bạn để hưởng 10% trong khi lãi suất tiết kiệm là 7%. Sau đó lãi suất thị trường giảm rất nhanh, và gửi tiết kiệm cũng chỉ còn được 3% thôi, tôi không thích gửi tiết kiệm, nên tôi đến hỏi mua bạn TP đó để được hưởng lợi suất đáo hạn là 5% 🙂 cao hơn mức 3% nếu gửi tiết kiệm. Còn bạn sau khi bán TP + lợi nhuận do chênh lệch giá rồi thì dùng tiền đó mua chứng khoán hoặc đầu tư kênh khác.

      Ngược lại, thì nếu lãi suất thị trường tăng cao, 3 ngày sau tăng lên 15%, dự kiến 1 tuần sau sẽ tăng lên 20% và sẽ giữ mức cao đó rất lâu và thậm chí còn tăng nữa . Lúc đó, bạn mà giữ TP thì chỉ được 10% mà thôi. Nên bạn bán cho tôi với YTM là 15% – tức là chấp nhận thu hồi thấp hơn $1000. Nhưng ngay sau đó bạn gửi tiết kiệm để được 20%. Tính ra vẫn có thể có lợi với bạn hơn là giữ TP đó để hưởng 10% 🙂

      Sơ bộ là như thế.

      Bạn có thể đọc thêm ở đây về định giá trái phiếu nhé http://www.kinhtehoc.com/index.php?name=News&file=article&sid=250

    • Nguyen Manh Hai Says:

      À, quên mất còn 1 ý nhỏ nhưng thú vị là: Tại sao Giá trái phiếu tỷ lệ nghịch với Lợi suất đáo hạn:

      – Nhìn ngay trong công thức tính: Giá trái phiếu ở trên Tử số, còn Lợi suất đáo hạn ở dưới Mẫu số. Khi trái phiếu phát hành thì phần còn lại của tử số là dòng tiền lãi suất nhận hàng năm C, và giá trị hoàn trả khi đáo hạn M là không đổi. Chỉ có Giá và Lợi suất là thay đổi theo kỳ vọng mà thôi.

      – Về lý thuyết thì:Khi phải trả nhiều tiền hơn để mua một dòng thu nhập cố định không đổi thì tỷ suất hoàn vốn nội bộ là thấp hơn. Khi phải trả ít tiền hơn thì tỷ suất hoàn vốn nội bộ sẽ cao hơn. Khái niệm IRR cũng tương tự vậy mà

      Trong giao dịch trái phiếu còn các khái niệm giá trơn (clean price) mà mọi người cũng hay gọi là giá sạch; giá gộp (dirty price) mà còn được gọi là giá đủ hoặc giá… bẩn 😀

      Lâu lắm rồi tớ không được giao dịch trái phiếu nữa 😀 nhớ ngày xưa quá :p

  20. duyen Says:

    Bài viết rất sát với tình hình hiện nay. Rất hay!


Gửi phản hồi cho Nguyen Manh Hai Hủy trả lời