Biến động giá vàng và hệ lụy đến kinh tế vĩ mô

Photobucket
(Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang được nới rộng – Nguồn: PG Bank Research)

Trong những ngày gần đây, giá vàng thế giới liên tục giảm, mức chênh lệch giữa giá thế giới và trong nước cũng như giá mua vào bán ra được liên tục được nới rộng. Vấn đề này được đại diện các doanh nghiệp lý giải do cầu tăng mạnh khi giá thế giới giảm khiến nguồn cung trong nước không đáp ứng kịp. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra, với đặc điểm thị trường chỉ có 1 vài doanh nghiệp chiếm phần lớn thị phần, việc bắt tay, thỏa thuận giá với nhau nhằm đẩy giá vàng lên cao là khá dễ dàng. Thị trường gần như là sân chơi của 1 vài người bán nên hiện tượng thao túng giá vàng không mới, dư luận bức xúc từ lâu song SBV vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể nào.

Ở bài viết này tôi chỉ có ý định đánh giá và làm rõ 1 số ảnh hưởng của cơn sốt vàng vừa qua đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ từ nay đến cuối năm.

Lộ trình giảm lãi suất sẽ chậm lại

Bên cạnh nhu cầu thực tế về cất trữ, đầu cơ vàng mang lại lợi nhuận lớn và nhanh chóng khiến nó trở thành một trong những kênh đầu tư lấn át việc gửi tiền ngân hàng hưởng lãi suất. Trong thời điểm hiện nay, lãi suất tiền gửi ở hầu hết các ngân hàng đều ở mức quanh 14%, kể cả với kỳ hạn qua đêm, số tiền lãi mà 1 người gửi 100 triệu được hưởng chỉ là 38.900 đồng/ngày, so với biến động của giá vàng đang diễn ra hàng giờ, số tiền này là quá nhỏ bé!

Trong những ngày gần đây, việc tiền gửi sụt giảm mạnh tại một số ngân hàng do lãi suất huy động được điều chỉnh về mức trần 14% không còn là thông tin mới. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng vẫn có thể tin tưởng vào mức chênh lệch 141 nghìn tỷ đồng giữa huy động và tín dụng nên tiền gửi giảm tạm thời chưa ảnh hưởng nhiều tới lãi suất. Song những tháng cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp, người dân tăng cường rút tiền phục vụ sản xuất, chi tiêu, mua sắm, thưởng,… nên số dư trên có thể sẽ không duy trì được lâu. Khi đó, nếu tiền tiếp tục chảy khỏi hệ thống ngân hàng, thanh khoản hệ thông gặp căng thẳng, ảnh hưởng từ giá vàng biến động đến lãi suất thị trường 1 và thị trường 2 sẽ không hề nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc lộ trình giảm lãi suất hiện tại đang gặp 1 lực cản lớn từ việc rút tiền đầu cơ vàng của người dân.

Dữ trữ ngoại hối bị bào mòn

Từ đầu năm tới nay, SBV đã mua vào khoảng 4 tỷ USD, số liệu gần đây nhất của IMF cho thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối tháng 6 ước khoảng 13,5 tỷ USD, Reuters cũng cho biết SBV mới đây vừa bán ra khoảng 1,5 tỷ USD phục vụ bình ổn thị trường ngoại tệ.

Theo đó, với lượng tiêu thụ vàng trong nước tăng mạnh khi giá thế giới xuống thấp (riêng ngày 27/09, SJC bán ra khoảng 10.000 lượng, PNJ khoảng 4.000 lượng), giả định giá vàng được nhập ở mức tối thiểu khoảng 1.600 USD/oz thì lượng ngoại tệ tiêu tốn dùng nhập khẩu vàng có thể lên tới 1,2 tỷ USD/tháng. Khi đó, dù là doanh nghiệp mua ngoại tệ từ thị trường tự do hay từ ngân hàng thương mại cũng đều khiến căng thẳng cung cầu USD gia tăng, SBV buộc phải bán ngoại tệ ổn định thị trường, quỹ dự trữ ngoại hối vốn khá mỏng sẽ tiếp tục bị bào mòn.

Nguy cơ gây bất ổn tỷ giá cuối năm

Đánh giá gần đây của Văn phòng Chính phủ cho biết nếu tỷ giá thay đổi 1% sẽ gây tác động khoảng 2% đến lạm phát. Theo đó, tỷ giá sẽ là 1 chỉ tiêu hết sức quan trọng mà SBV kiên quyết giữ ổn định từ nay đến cuối năm.

Trong hoàn cảnh mất cân đối huy động – tín dụng ngoại tệ trầm trọng, nhu cầu USD về cuối năm phục vụ nhập khẩu sản xuất hàng hóa tăng cao, việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do hoạt động mạnh trở lại khiến tỷ giá luôn duy trì mức trên 21.000 VND/USD. Việc nhập khẩu vàng đã tạo thêm 1 sức ép nữa khiến SBV phải bán ngoại tệ nhằm ổn định thị trường, dự trữ ngoại hối suy giảm sẽ kéo theo việc suy giảm khả năng bình ổn thị trường ngoại tệ của SBV. Theo đó, nguy cơ bất ổn tỷ giá cuối năm cùng tác động gián tiếp tới lạm phát là khó tránh khỏi.

Niềm tin của người dân với Chính phủ suy giảm

Đã thành thông lệ, khi giá vàng biến động, SBV luôn có thông cáo báo chí trấn an và khuyến nghị người dân cẩn trọng khi mua bán vàng để tránh bị thiệt thòi bởi giới đầu cơ. Ngoài ra, cơ quan này cũng có thể bổ sung thêm 1 quyết định tốn kém là cho phép nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, việc phản ứng sau thị trường cùng các quyết định phần nào mang tính tình thế, ngắn hạn đã không thể củng cố niềm tin của người dân vào khả năng điều hành của Chính phủ. Đồng thời, khi người dân ưa chuộng ngoại tệ và vàng như một kênh cất trữ, đầu cơ mang lại lợi nhuận lớn, niềm tin vào VND cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Lựa chọn nào cho SBV?

Giải quyết gốc rễ của vấn đề đầu cơ vàng và độc quyền trong kinh doanh vàng là việc cần làm nhưng không phải là việc SBV có thể làm ngay.

Cho phép nhập khẩu vàng và khuyến cáo người dân thận trọng chỉ là giải pháp tình thế, không xử lý dứt điểm căn nguyên vấn đề, nhưng khá hiệu quả đối với những cơn sốt ngắn hạn của giá vàng. Cá nhân tôi cho rằng, nếu SBV có thể sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông, đưa thông điệp khuyến cáo sớm hơn, rõ ràng, cụ thể hơn tới người dân, có so sánh với giá thế giới và chỉ rõ nguyên nhân gây thao túng giá trên thị trường qua đó định hướng dư luận thì việc người dân đổ xô đi mua vàng chắc chắn sẽ giảm hẳn.

Mặt khác, với những tác động xấu có thể xảy đến theo những phân tích ở trên, SBV có lẽ vẫn cần tiếp tục xúc tiến việc xây dựng khung pháp lý, tạo thị trường tập trung cho hoạt động kinh doanh vàng miếng với kỳ vọng sẽ ổn định thị trường này trong tương lai gần. Trước mắt, việc kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại tệ tự do cũng là 1 giải pháp nhằm hạn chế những biến động tỷ giá nằm ngoài tầm kiểm soát của SBV.

9 bình luận to “Biến động giá vàng và hệ lụy đến kinh tế vĩ mô”

  1. Nguyen Duc Hai Says:

    Ngày 23/8/2011: Ngân hàng Nhà nước đã mua vào trên 6 tỷ USD
    http://gafin.vn/20110823024030829p0c34/ngan-hang-nha-nuoc-da-mua-vao-tren-6-ty-usd.htm

    Ngày 6/9/2011: Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 1,5 tỷ USD trong 3 tuần
    http://stocknews.vn/default.aspx?tabid=300&ID=31372&CateID=172

    Từ 6/9 đến nay giá vàng biến động mạnh, lượng USD cần thiết để NK vàng cũng tăng:
    Ngày 26/9: “Trong 1 tháng qua, các công ty bán ra 20 tấn vàng, tương ứng phải chi khoảng 1,5 tỷ USD ”
    http://gafin.vn/2011092607041596p0c34/cac-cong-ty-khong-con-vang-de-ban.htm

    Tỷ giá tự do từ 6/9 luôn duy trì trên 21K, dưới 21,3K; để kiểm soát tỷ giá tự do không tăng mạnh thì NHNN thường phải cung USD cho các NH để đảm bảo nhu cầu của DN.

    Như vậy, ước tính đến hết tháng 9 NHNN có thể đã bán ra tới 3 tỷ USD / tổng số 6 tỷ đã mua từ đầu năm !
    Nếu không kiểm soát được cơn sốt vàng, nhu cầu mua vàng của dân vẫn tăng sẽ tiếp tục gây áp lực lên dự trữ ngoại hối của NHNN những tháng còn lại. 1,5 tỷ USD/tháng thì chỉ can thiệp ổn định tỷ giá được 2 tháng nữa, khi dự trữ cạn, giá USD lại chịu áp lực tăng mạnh!
    Và điều quan trọng hơn là niềm tin của người dân vào VND cũng như chính sách của CP sẽ giảm mạnh trở lại !

  2. Nguyen Duc Hai Says:

    3 tỷ USD được NHNN bán ra để ổn định tỷ giá cũng đồng nghĩa khoảng 60.000 tỷ VND bị hút về kho của NHNN. Tạm thời hiện tượng hút VND này chưa ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản của hệ thống NH do hệ thống đang dư vốn (Huy đồng > cho vay khoảng 141K tỷ như bạn Vân cung cấp). Tuy nhiên, khi làn sóng rút tiền tiết kiểm chuyển sang các kênh đầu tư khác tiếp tục diễn ra, số tiền gửi dưới dạng ủy thác đáo hạn (khoảng 90K tỷ như số anh Mạnh Hải cung cấp), trong bối cảnh nhu cầu vốn cuối năm thường tăng mạnh thì thanh khoản của hệ thống có thể sẽ rất căng thẳng, đặc biệt là với các NH nhỏ.

    http://gafin.vn/20110928092754563p0c34/cac-ngan-hang-lon-cung-bi-rut-von.htm
    ACB, Eximbank cho biết huy động sụt giảm. Một số ngân hàng ngầm đẩy lãi suất huy động lên 15-16% thông qua chi thưởng, khuyến mãi.

  3. Selfer Says:

    http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/09/doanh-nghiep-khong-lam-gia-nhung-nhin-nhau-thi-co/
    Giao lưu trực tuyến về biến động giá vàng thời gian qua

  4. Bùi Quỳnh Vân Says:

    NHNN định cho khởi động lại kinh doanh vàng qua tài khoản, cái biện pháp này cũng khá hay vì sẽ giúp người dân có cái view về giá thế giới, qua đó định giá được giá trị thực sự của vàng trong nước, tránh đổ xô đi mua mà chịu thiệt. Dân không đổ xô đi mua nữa, vàng dưới dạng tài khoản nên chắc chắn hạn chế được việc phải nhập khẩu gây tốn kém ngoại tệ.
    http://vietstock.vn/ChannelID/759/Tin-tuc/202302-nhnn-thao-luan-du-thao-venbspgiao-dich-vang-tai-khoannbspvoinbspacb-va-eib.aspx
    Tuy nhiên, làm thế nào để tránh việc sàn vàng hoạt động sẽ lại hút vốn của nền kinh tế (lý do khiến trước đây hoạt động này bị cấm), theo HCM thì NHNN chỉ cho phép 5-10 đơn vị được thực hiện nghiệp vụ này. Việc cấm sàn vàng chui cũng không khác gì cấm thị trường ngoại tệ tự do, vấn đề là phải làm rắn, kiên quyết và liên tục thì mới quản lý đc.

  5. Bùi Quỳnh Vân Says:

    Thị trường ngoại tệ tự do đã hoạt động mạnh trở lại sau đợt càn quét đầu năm, không kiên trì cấm thì cái nhân tố này luôn là nguy cơ tiềm ẩn cho bất ổn tỷ giá cuối năm.

  6. Võ Văn Minh Says:

    Giải pháp cơ bản và lâu dài cho thị trường Vàng Việt nam theo mình nghĩ hiện nay là: KHÔNG CÓ. Khi mà nội tại nền kinh tế vẫn chưa ổn định, niềm tin vào nội tệ không lớn, vẫn loay hoay trong xác định hướng đi để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thì người ta vẫn coi vàng, ngoại tệ là phương tiện cất trữ cần thiết. Đến khi nào tình hình đô la hóa, vàng hóa, không còn, dự trữ ngoại hối đủ mạnh, VND là đồng tiền tự do chuyển đổi thì người ta mới không phải bận tâm theo dõi giá vàng giá ngoại tệ ra sao. Còn nhớ như trường hợp Mexico, Argentina những năm 1998, nền kinh tế bất ổn là người ta sắp hàng đi mua USD ngay. Nói như vậy có nghĩa là câu chuyện về vàng, và ngoại tệ là câu chuyện dài.

  7. selfer Says:

    Thực ra mình nghĩ tình thế của chúng ra giờ là không thể để lặp lại 1 cơn sốt vàng-$ như các năm trước nữa, coi như đường cùng rồi. Nếu từ giờ đến cuối năm 1 cơn sốt tương tự xẩy ra thì chúng ra bị hao tổn lớn lượng dự trữ ngoại hối, niềm tin của người dân sẽ giảm trầm trọng (vào CP, vào đồng VN, chẳng khác nào niềm tin đối với QE2 rồi QExxx của Fed);

    Các bác chú ý là vừa rồi NHNN áp dụng kết hối mạnh mới tăng đc Dự trữ ngoại hối thêm 6 tỷ, nhưng chỉ chưa đầy 1,5 tháng đã phải bơm ra cỡ 3 tỷ; NHNN lúc mua vào đc 6 tỷ USD đã mạnh bạo tuyên bố giữ VND không mất giá 1% trong năm nay. Nhưng giờ nếu 1 sóng vàng-USD nổ ra thì 3 tỷ USD mua thêm kia liệu có đủ bình ổn trong 3 tháng cuối năm (cuối năm, cầu ngoại tệ luôn tăng cao !)

    T.H này giống như con bệnh bị đổ bệnh trở lại thì sẽ nặng hơn trước nhiều do nhờn thuốc. Do đo, tôi chắc NHNN sẽ phải bằng mọi cách (hành chính, mệnh lệnh…) để kiểm soát thị trường vàng và bảo vệ kho dự trữ ngoại hối của mình, cũng là bảo vệ uy tín của Ban lãnh đạo mới trước người dân ^ ^

  8. Bùi Quỳnh Vân Says:

    Hải Lý vừa có bài hiến kế cho SBV sử dụng 3 triệu lượng vàng (112 tấn) mà các NHTM đang nắm giữ do mới bị cấm hoạt động cho vay/huy động vàng. http://vietstock.vn/ChannelID/759/Tin-tuc/202354-nhin-thang-vao-vang.aspx

    Mình thì cho rằng nếu SBV thực sự cho phép các NHTM có thể bán ra lượng vàng này thì sẽ phải có chế tài cho phép họ mở tk vàng tại nước ngoài để mua đối ứng, trong khi vừa mới cấm xong lại cho phép, mà cho phép lại chỉ chọn lọc 1 số NH sẽ tạo ra những phản ứng tiêu cực.Thế nên dù vàng trong nước còn nhiều nhưng cơ quan quản lý vẫn phải cấp phép cho nhập thêm vàng!

    “Chỉ trong tuần qua, nguồn tin của chúng tôi cho biết, NHNN đã bán ra 150 triệu đô la Mỹ để ổn định tỷ giá. Con số thậm hụt thương mại tháng 9-2011 có khả năng giảm hàng trăm triệu đô la Mỹ nếu không tính nhập vàng.” Tình hình tỷ giá lúc này sẽ chưa căng thẳng bằng giai đoạn vài tháng tới mà SBV đã phải bán 150tr USD/tuần. Nên 1 số biện pháp hành chính, mệnh lệnh nhằm dẹp loạn thị trường vàng có thể sẽ được đưa ra rất nhanh chóng trong vài ngày tới.


Gửi phản hồi cho Nguyen Duc Hai Hủy trả lời