Lo ngại về sự lây lan “Hội chứng Hy Lạp” và khó khăn trong việc nâng quy mô EFSF

Ngày 27/10, Hội nghị thượng đỉnh EU đã thống nhất một loạt các giải pháp nhằm đối phó với tình trạng căng thẳng trên thị trường tài chính và phục hồi niềm tin của thị trường:

  • Thứ nhất, các nhà đầu tư tư nhân chấp nhận xóa 50% các khoản nợ cho Hy Lạp. Ngoài ra, EU cũng thống nhất chương trình hỗ trợ mới của EU-IMF tài trợ khoảng 100 tỷ EUR cho Hy Lạp sẽ được triển khai vào cuối 2011.
  • Thứ hai, Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) sẽ được nâng từ 440 tỷ EUR lên 1.000 tỷ EUR, tương đương tăng 4 lần so với khoản tiền còn lại là 290 tỷ EUR (do quỹ đã trích một phần cứu trợ Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha trước đó). Giới chức Châu Âu đưa ra 2 phương án cho việc nâng quỹ: Một là dựa vào đóng góp của các nước trong Eurozone. Hai là thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài.
  • Ngoài ra, các ngân hàng khu vực sẽ được tái cấp vốn nhằm bảo đảm khả năng thanh khoản theo các tiêu chuẩn chung được áp dụng cho tất cả các nước châu Âu. EU cũng đã nhất trí nâng hệ số vốn cấp 1 của các ngân hàng khu vực lên 9% vào cuối tháng 6/2012. Ngoài ra, lãnh đạo các nước  cũng đã  thông qua 10 biện  pháp  để  tăng cường sự  phối hợp và kiểm soát kinh tế và tài khoá trong khu vực.

Nhiều người cho rằng đây là những giải pháp toàn diện có thể giúp Châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, theo chúng tôi đây chỉ là giải pháp tình thế và vẫn tồn tại nhiều bất cập xung quanh nó.

 

  • Thứ nhất, việc các nhà đầu tư tư nhân chấp nhận xóa 50% các khoản nợ cho Hy Lạp, cao hơn gấp đôi mức 21% đã thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 7/2011, được coi là một thỏa thuận hy hữu. Điều này làm cho các chuyên gia kinh tế nghi ngờ có thể làm dấy lên “hội chứng Hy Lạp” tại Eurozone khi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland hay Italia có thể “học tập” “tấm gương Hy Lạp”. Nếu như Hy Lạp được cắt giảm nợ, vậy thì tại sao các nước trên lại không được như thế? Và có thể việc Hy Lạp vỡ nợ sẽ tạo tiền đề cho một loạt sự đổ vỡ tiếp sau đó.
  • Thứ hai, hiện chưa có tổ chức nào ước tính đầy đủ được số tiền cần thiết để cứu trợ Khu vực Đồng tiền chung Châu Âu. Con số 1 nghìn tỷ EUR dự kiến được nâng lên của EFSF có đủ để kéo khu vực ra khỏi khủng hoảng đến nay vẫn còn là một ẩn số. Cho đến nay, EU cũng chưa hề công bố chính thức một dự thảo về việc phân bổ nguồn tiền cứu trợ của quỹ EFSF như thế nào. Ngoài ra, 2 phương án nâng quy mô quỹ dựa vào nội lực của khu vực và/hoặc dựa vào nguồn vốn huy động từ các nước bên ngoài đều rất mơ hồ, thiếu những tính toán cụ thể nên chưa đảm bảo tính khả thi.
  • Thứ ba, việc nâng quy mô quỹ EFSF dựa vào năng lực tài chính của các nước trong khu vực vào thời điểm này là rất khó khăn. Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 tại Eurozone và theo như cam kết trước đó, nước này sẽ đóng góp khoảng 17,9% quy mô quỹ. Tuy nhiên, việc nợ công của Italy đã lên tới mức 120% GDP và chi phí đi vay đã tăng lên mức kỷ lục sẽ khiến nước này khó lòng tăng thêm các khoản chi mới. (Tính đến hết ngày 7/11, lãi suất trái phiếu chính phủ Italy đã tăng lên mức 7%). Như vậy, ở thời điểm hiện tại, Italy khó có khả năng đóng góp cho việc nâng quy mô quỹ nếu chưa muốn nói đến việc EFSF sẽ phải cứu trợ nước này. Trong khi đó, Pháp – nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực cũng đã bảy tỏ quan ngại về việc nâng quy mô quỹ giải cứu có thể khiến nợ công Pháp tăng thêm và đẩy nước này vào khủng hoảng.
  • Ngoài ra, việc nâng quy mô quỹ EFSF thông qua việc phát hành trái phiếu cho một số nước bên ngoài đặc biệt là nhóm BRICS cũng không dễ dàng. Mặc dù Trung Quốc có lý do để cứu Châu Âu – 1 trong 2 thị trường xuất khẩu chính của nước này, nhưng những phát biểu gần đây của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho thấy Trung Quốc sẽ chỉ cứu Châu Âu khi khu vực này có những nhượng bộ về kinh tế/chính trị nhất định và chỉ khi Chính phủ các nước EU đưa ra được những biện pháp giải quyết khủng hoảng khả thi hơn. Thêm vào đó, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bắt đầu suy giảm, việc mua nợ xấu của Châu Âu đã khiến người dân nước này lo ngại nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Ngay cả Mỹ cũng khó lòng tăng viện trợ cho Châu Âu vào thời điểm này do nợ công của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục. Trong cuộc họp của G20, Tổng thống Barack Obama cũng đã chính thức xác nhận và tuyên bố đứng ngoài việc giải cứu Khu vực Đồng tiền chung.

Như vậy, người ta lo lắng về sự lây lan của “hội chứng Hy Lạp” còn 2 phương án nâng quy mô quỹ EFSF lại rất mơ hồ trong khi lãnh đạo Liên minh Châu Âu chưa đưa ra một giải pháp khả thi để kéo khu vực ra khỏi khủng hoảng, đồng nghĩa với việc nguy cơ khủng hoảng nợ công tiếp tục lan rộng tại Eurozone trong thời gian tới.

3 bình luận to “Lo ngại về sự lây lan “Hội chứng Hy Lạp” và khó khăn trong việc nâng quy mô EFSF”

  1. Nguyen Manh Hai Says:

    Cảm ơn tác giả đã cung cấp những thông tin và phân tích rất thú vị. 🙂

    Ngay cả khi khó khăn lắm mới thống nhất được một số giải pháp, nhưng theo tác giả thì tình hình thật là căng cho Eurozone quá. Tuy nhiên, nếu các giải pháp đó là mơ hồ, không khả thi và thậm chí còn tạo nên nhiều rủi ro nữa, thì theo tác giả giải pháp tốt nhất bây giờ là gì? Nếu đây chỉ là các giải pháp tình thế nhưng nếu không có các giải pháp này thì liệu tình hình có tự khả quan hơn được không?

  2. Nguyễn Vũ Lan Phương Says:

    Cám ơn comment của anh Mạnh Hải. Em xin trả lời 2 câu hỏi của anh ạ:
    Câu 1: Theo em, giải pháp tốt nhất bây giờ là: chưa có giải pháp gì 😀 Đây là câu hỏi hóc búa mà các chuyên gia kinh tế thế giới, các lãnh đạo cao cấp của cả Eurozone “lao tâm khổ tứ” gần 3 năm nay mà vẫn chưa giải nổi, vẫn chưa thể nào đưa khu vực vượt qua khủng hoảng, nếu k muốn nói là tình hình càng ngày càng trở nên tệ hơn. Nếu các chính phủ “thắt lưng buộc bụng” – cắt giảm chi tiêu tối đa và tăng thuế để bù đắp cho khoản nợ công đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế chậm lại và suy thoái. Còn nếu chọn giải pháp bơm tiền thì k biết bao nhiêu tiền là đủ và cũng cần phải có sự đồng thuận rất cao trong khi vẫn còn tồn tại những bất đồng sâu sắc trong khu vực.
    Câu 2: Những giải pháp này chỉ đủ làm thị trường chứng khoán thế giới cải thiện đúng 1 ngày sau đó. Sự thật là tình hình khu vực vẫn xấu đi từng ngày. Mấy ngày nay, ngoài Hy Lạp, thế giới còn đổ dồn sự chú ý về Italia – khi người ta lo ngại nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực này đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Khối nợ công của nước này hiện là 1.900 tỷ EUR – lớn gần gấp đôi quy mô quỹ EFSF sau khi đã được nâng.
    http://gafin.vn/2011110910263237p0c32/loi-suat-trai-phieu-chinh-phu-italy-lap-ky-luc.htm
    http://vietstock.vn/ChannelID/773/Tin-tuc/206480-chung-khoan-chau-a-giam-du-doi-do-lo-so-y-co-the-can-giai-cuu.aspx

  3. Nguyen Manh Hai Says:

    Cảm ơn tác giả đã phản hồi. Đúng là việc đo lường tác động, hiệu quả của gói giải pháp này là rất khó, và trong tình hình này thì có quá nhiều diễn biến tiêu cực. Câu chuyện khủng hoảng ở đây không chỉ là vấn đề kinh tế nữa, mà đã ăn sâu vào chính trị rồi. Rất nhiều đảng phái đối lập của các nước đang nhân cơ hội này để tăng sức mạnh tiếng nói và ảnh hưởng của họ. Vì chính trị nhậy cảm nên không nói sâu thêm nữa.

    Tuy nhiên, điều mình muốn nói ở đây là: thực sự khủng hoảng hiện nay đã thành khủng hoảng niềm tin trầm trọng rồi. Vấn đề này cũng đã được nhiều tác giả và độc giả của blog nhắc tới trong các bài trước. Vậy, mọi nỗ lực để cứu vãn tình hình cũng chính là để gia tăng niềm tin, hy vọng cho dù hiệu quả thực sự chưa như mong muốn. Nếu vậy thì các gói giải pháp cũng là rất cần thiết chứ? Phải làm gì đó, thay vì không làm gì cả 🙂


Bình luận về bài viết này