Lượng hóa các áp lực đối với tỷ giá USD/VND cuối năm 2011

Gần đây, có nhiều nhận định của các chuyên gia về áp lực tỷ giá cuối năm, mỗi người đều có lập luận hợp lý cho thấy áp lực tỷ giá là đáng lo ngại. Dựa trên 1 số số liệu thu thập được, tôi xin đưa ra 1 vài quan điểm riêng (có thể lạc quan hơn nhiều bạn) về vấn đề tỷ giá cuối năm.

Thứ nhất, ta thử đánh giá một số nhân tố gây sức ép lên tỷ giá

Tín dụng và huy động ngoại tệ mất cân đối lớn

Tính đến ngày 29/09, mất cân đối tín dụng và huy động ngoại tệ ước khoảng 6 tỷ USD, đã thu hẹp so với con số 7 tỷ USD tại ngày 19/08. Nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và sử dụng nguồn ngoại tệ chủ yếu là do chênh lệch lãi suất cho vay giữa VND-USD lớn. Vào đầu năm, lãi suất cho vay ngoại tệ ở mức 6-8%/năm trong khi cho vay VND lên tới 21-22% hoặc cao hơn. Theo đó, nhiều doanh nghiệp mặc dù không có nguồn tái tạo ngoại tệ nhưng vẫn đi vay ngoại tệ để được hưởng lãi suất thấp, rồi bán ngoại tệ đó cho NH, đổi sang VND phục vụ sản xuất kinh doanh. Đa phần các doanh nghiệp này phải ký kết hợp động mua ngoại tệ kỳ hạn với ngân hàng để có nguồn trả nợ. Tại thời điểm đó, các NH cũng đẩy mạnh cho vay ngoại tệ do nguồn ngoại tệ huy động khá dồi dào trong khi nguồn VND rất khan hiếm.

Đọc tiếp »

Biến động giá vàng và hệ lụy đến kinh tế vĩ mô

Photobucket
(Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang được nới rộng – Nguồn: PG Bank Research)

Trong những ngày gần đây, giá vàng thế giới liên tục giảm, mức chênh lệch giữa giá thế giới và trong nước cũng như giá mua vào bán ra được liên tục được nới rộng. Vấn đề này được đại diện các doanh nghiệp lý giải do cầu tăng mạnh khi giá thế giới giảm khiến nguồn cung trong nước không đáp ứng kịp. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra, với đặc điểm thị trường chỉ có 1 vài doanh nghiệp chiếm phần lớn thị phần, việc bắt tay, thỏa thuận giá với nhau nhằm đẩy giá vàng lên cao là khá dễ dàng. Thị trường gần như là sân chơi của 1 vài người bán nên hiện tượng thao túng giá vàng không mới, dư luận bức xúc từ lâu song SBV vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể nào.

Đọc tiếp »

Đánh giá tác động của việc tăng DTBB ngoại tệ thêm 1%

Quyết định số 1925/QĐ-NHNN

Ngày 26/08/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1925/QĐ-NHNN về việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng thêm 1%. Theo đó, DTBB đối với tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn dưới 12 tháng tăng từ 7% lên 8%, với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng từ 5% lên mức 6%. Quy định này có hiệu lực kể từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 9/2011. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm, NHNN nâng dự trữ bắt buộc ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng.

Tính từ đầu năm đến 20/07/2011, chênh lệch giữa huy động và tín dụng ngoại tệ ước khoảng 5 tỷ USD và vẫn có xu hướng tăng dần. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, mục đích chính của việc ban hành quy định tăng DTBB bằng ngoại tệ là nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong bối cảnh huy động sụt giảm đáng kể trước các chính sách chống đô la hóa của NHNN, qua đó giúp giảm áp lực tỷ giá vào cuối năm.

mat can doi tin dung huy dong

Ngoài ra, tăng dự trữ bắt buộc cũng giúp tăng lượng vốn phòng ngừa rủi ro thanh khoản USD cho các NHTM, đồng thời là bước chuẩn bị để NHNN sử dụng các biện pháp làm tăng cung VND nhằm mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất sắp tới.

Đánh giá tác động:

Thu hẹp cung tín dụng ngoại tệ

Thông qua việc tăng DTBB thêm 1% với tiền gửi ngoại tệ, NHNN đã khiến lượng ngoại tệ các TCTD có thể cho vay giảm xuống. Theo tính toán của chúng tôi, tính đến thời điểm 20/07/2011, tổng huy động ngoại tệ trên toàn hệ thống ước khoảng 22,9 tỷ USD, do đó khi DTBB ngoại tệ tăng thêm 1%, lượng vốn ngoại tệ có thể cho vay sẽ giảm khoảng 229 triệu USD, cũng ứng với lượng vốn dự phòng cho rủi ro thanh khoản ngoại tệ tăng thêm 229 triệu USD.

Thu hẹp lãi suất cho vay giữa VND và ngoại tệ

Ngoài ra, việc DTBB ngoại tệ tăng thêm 1% lên các mức 8% và 6% sẽ làm tăng chi phí huy động vốn thực tế của ngân hàng thương mại thêm khoảng 0,04%, theo đó khiến lãi suất cho vay ngoại tệ tăng, cùng với chủ trương giảm lãi suất cho vay VND về mức 17-19%, sẽ thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay giữa VND và ngoại tệ. Mức chênh lệch trước đây khoảng 13% (cho vay USD khoảng 8%, cho vay VNĐ khoảng 21%) sẽ giảm xuống còn 8-10% (cho vay ngoại tệ có thể tăng lên 8,5 – 9%, cho vay VNĐ chủ trương giảm về 17-19%), qua đó các NHTM có thể dễ dàng hơn trong việc thuyết phục khách hàng chuyển từ vay USD sang vay VNĐ.

Tuy nhiên, tăng DTBB trong bối cảnh huy động ngoại tệ đang gặp nhiều khó khăn có thể gây sức ép đến thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có sự mất cân đối lớn giữa huy động và cho vay ngoại tệ trong thời gian qua. Theo đó, lãi suất huy động ngoại tệ trên cả thị trường 1 và thị trường 2 đều chịu sức ép tăng trong ngắn hạn.

Nhận định sơ bộ về tác động của việc tăng giá vàng đến tỷ giá

Giá vàng trong nước bắt đầu cao hơn giá vàng thế giới từ 04/08 với mức chênh lệch tại thời điểm 10h sáng ngày 08/08 khoảng 1.745 nghìn đồng/lượng. Sau đây là một số nhận định sơ bộ của RA:

Chenh lech gia vang trong nuoc - quoc te

Giá vàng thế giới tăng mạnh từ tối 05/08 do động thái hạ bậc tín nhiệm dài hạn của Mỹ từ AAA xuống AA+ của S&P vừa qua khiến giới đầu tư đổ xô mua vàng. Giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh bắt đầu từ chiều tối ngày 05/08 từ mức 1651 USD/ounce lên 1692,57 USD/ounce vào lúc 3h sáng nay (10h sáng Việt Nam).

Trước ảnh hưởng từ việc tăng lên của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng được các công ty vàng bạc điều chỉnh tăng mạnh. Thêm vào đó, tâm lý người dân trước diễn biến tăng của giá thế giới cũng góp phần đẩy cầu vàng trong nước tăng, khiến giá vàng trong nước liên tục điều chỉnh tăng từ cuối tuần trước và tăng khá mạnh trong khoảng 2 tiếng buổi sáng ngày 8/8, có lúc giá vàng SJC bán ra đã lên tới mức trên 44 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, cầu vàng tăng mạnh chỉ do ảnh hưởng tâm lý và đầu cơ nên giá vàng đã bắt đầu giảm xuống ngay trong buổi sáng.

Hiện tượng giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới thúc đẩy nhu cầu nhập lậu vàng để hưởng chênh lệch giá, khi mức chênh lệch càng lớn, nhu cầu nhập lậu vàng càng mạnh, qua đó đẩy nhu cầu ngoại tệ trên thị trường tự do tăng. Trong tương quan ảnh hưởng qua lại giữa tỷ giá, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, tỷ giá tự do tăng mạnh sẽ tiếp tục đẩy giá vàng thế giới quy đổi tăng, kéo theo giá vàng niêm yết trong nước tăng, quay lại thúc đẩy nhu cầu nhập lậu vàng và tỷ giá tăng.

Năm 2010, khi giá vàng thế giới tăng đã tác động làm tăng giá vàng trong nước và tỷ giá. Tuy nhiên, hiện tượng tỷ giá tăng đi sau biến động tăng của giá vàng do sau khi xuất hiện nhu cầu nhập lậu vàng, nhu cầu gom USD trên thị trường tự do mới tăng mạnh. Để giải quyết tình hình trên, cuối năm 2010, NHNN đã 2 lần cho phép nhập khẩu vàng, BTC cũng đưa ra quy định hạn chế xuất khẩu vàng bằng cách đánh thuế xuất khẩu cao hơn.

Năm 2011 cũng có những diễn biến khá tương đồng với thời điểm cuối năm 2010 như việc mất cân đối trong huy động – tín dụng ngoại tệ khiến nhu cầu ngoại tệ trả nợ đổ dồn vào cuối năm, đồng thời việc nhập lậu vàng hưởng chênh lệch có thể sẽ diễn ra trong thời gian tới. Tuy nhiên, năm 2011, thị trường ngoại tệ tự do đã bị hạn chế khá nhiều do các biện pháp siết chặt kiểm tra của NHNN ngay từ đầu năm sẽ khiến việc gom ngoại tệ nhập lậu vàng trở nên khó khăn hơn. Trong năm nay, NHNN có thuận lợi khi dự trữ ngoại hối ước tính ở mức 17-17,5 tỷ USD, cao hơn mức 10,2 tỷ USD cuối năm 2010, theo đó, NHNN hoàn toàn có khả năng cung ngoại tệ để ổn định tỷ giá trong trường hợp cần thiết. Thêm vào đó, BTC vừa thông qua việc áp dụng mức thuế xuất khẩu 10% đối với vàng hàm lượng 80%, áp dụng từ 06/08/2011, qua đó mở rộng đối tượng vàng phải chịu thuế xuất khẩu, góp phần hạn chế tình trạng xuất khẩu vàng có thể gây mất cân đối cung cầu đối với kim loại này.

Như vậy, trong năm nay, NHNN và BTC đã chủ động đưa ra các biện pháp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động đầu cơ trên thị trường vàng đến tỷ giá. Chúng tôi nhận định hoạt động đầu cơ, nhập lậu vàng năm nay sẽ bị hạn chế do khó khăn trong việc thu gom ngoại tệ trên thị trường tự do. Đồng thời, việc tăng thuế xuất khẩu vàng cũng sẽ làm giảm chênh lệch lợi nhuận từ hoạt động xuất vàng, qua đó, hạn chế mất cân đối cung cầu vàng đối với thị trường trong nước, đặc biệt vào những thời điểm khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới. Chúng tôi cũng cho rằng tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm sẽ có thể biến động trong 1 số thời điểm nhất định do mất cân đối cung cầu trong ngắn hạn, tuy nhiên tỷ giá sẽ ít chịu tác động từ các nhân tố đầu cơ như năm trước mà sẽ nằm trong tầm kiểm soát của NHNN và các chính sách tiền tệ.

NHNN đã can thiệp ổn định tỷ giá

Hôm qua, theo nguồn tin không chính thức, NHNN đã can thiệp, bán ra và giúp tỷ giá giảm khá mạnh, từ mức 20935-20955 hôm 9/8 xuống còn 20820-20830 hôm qua. Sáng nay giá vàng thế giới tăng mạnh, tạo đỉnh mới cao hơn đỉnh hôm 9/8 khoảng 30$, nhưng giá vàng trong nước vẫn thấp hơn đỉnh 46,2 (hiện tại bán ra tầm 45); Tỷ giá LNH có tăng theo tâm lý lên quanh 20880 – 20890, nhưng giao dịch trầm lắng, khả năng sẽ giảm do phát biểu sáng nay của thống đốc:

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Đến cuối năm tỷ giá biến động tối đa 1%

Như vậy NHNN sẽ làm mạnh vụ tỷ giá, qua đó tác động từ tỷ giá sang thị trường vàng, mục tiêu lạm phát, tâm lý người dân sẽ bị hạn chế theo mục tiêu ổn định. Khác năm ngoái, NHNN chỉ can thiệp được thị trường LNH và bất lực trước diễn biến thị trường chợ đen, năm nay khi chợ đen bị kiểm soát, việc NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát thị trường LNH. (chắc không NHTM nào dám vuốt mặt thống đốc mới!).

Ngoài ra, 2 hôm nay báo chí đăng khá nhiều bài lên án hiện tượng đầu cơ vàng : Vạch mặt ‘đại gia’ thao túng giá vàng, có thể đó là lý do khiến các tổ chức đầu cơ chột dạ, phải thận trọng hơn, giá vàng trong nước đã giảm so với đỉnh thứ 3 dù giá vàng thế giới đang tạo đỉnh mới. Giờ chỉ cần NHNN có thông báo điều tra hiện tượng thao túng giá vàng (thực ra cũng chỉ quanh mấy ông xuất khẩu vàng lớn đợt rồi) thì giá vàng trong nước sẽ ổn định ngay.