Lãi suất có là lời giải cho bài toán lạm phát?

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, các chính sách ổn định vĩ mô thường chạy theo sau diễn biến của nền kinh tế như một quy luật ngược kiểu “thuyền lên, nước lên”, một khi lạm phát tăng (giảm), lãi suất cũng sẽ tăng (giảm) theo bởi: một là, thực chất, lãi suất cũng chỉ là một loại giá: giá vốn vay, trong điều kiện lạm phát, mọi giá đều tăng, cho nên giá vốn vay (hay lãi suất) có tăng cũng là điều hợp lẽ, và hai là, chủ động hơn, dùng hệ quả tăng (giảm) lãi suất để điều chỉnh lại con thuyền lạm phát đi đúng hướng.

Trên lý thuyết, để giảm lạm phát các nhà hoạch định chính sách tiền tệ phải nâng lãi suất để hút bớt tiền trong lưu thông, tăng tiết kiệm giảm chi tiêu qua đó giảm cầu hàng hóa, hạ nhiệt giá tiêu dùng. Điều này đã được ứng dụng thành công trong những năm 1988 về trước, chính sách lãi suất “lướt sóng” 13%/tháng đã giúp NHNN giải quyết thành công nạn lạm phát phi mã 774%.

Tuy nhiên hiện nay, NHNN lại đang làm điều ngược lại, hạ lãi suất để kiềm chế lạm phát. Vậy, NHNN đã dựa vào nguyên lý nào để giải phương trình hai vế này mà không phải hi sinh lợi ích nào? Và liệu giải pháp này có đi đúng hướng?

Thứ nhất, công thức cổ điển “lãi suất cao chống lạm phát cao” được hình thành từ thực nghiệm tại các nước phương Tây, nhưng mặt bằng lãi suất và lạm phát tại các quốc gia đó thường ở mức rất thấp và do vậy mặt bằng lãi suất tăng thêm một chút không dẫn tới việc các doanh nghiệp phải rời bỏ sản xuất. Nhưng tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất đã ở mức quá cao, nếu áp dụng công thức sách giáo khoa nêu trên thì nguy cơ lạm phát do cầu kéo trở thành lạm phát chi phí đẩy là hiện hữu. Hơn nữa, việc cho vay cá nhân thường chiếm tỷ trọng cao so với cho vay doanh nghiệp tại các quốc gia phương Tây trong khi tại Việt Nam thì ngược lại.

Thứ hai, NHNN một mặt giảm lãi suất, mặt khác chỉ đạo hướng dòng vốn giá rẻ vào lĩnh vực sản xuất để cứu vớt, thúc đẩy và cải thiện cái sự sản xuất èo uột của các doanh nghiệp vốn là nạn nhân do lãi suất cao trước đây từ đó tăng cung hàng hóa, cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, NHNN cũng đang cố gắng tạo niềm tin cho người dân về sự phát triển, ổn định sản xuất để đạt mục tiêu giảm lạm phát kì vọng và thay đổi tâm lý lãi suất thực dương. Thông thường, lãi suất tiết kiệm phải cao hơn lạm phát thì mới thu hút được người gửi tiền vào ngân hàng, tuy nhiên, lãi suất thực dương chỉ đứng về người gửi tiền mà trong nhiều trường hợp không tạo ra sự chia sẻ gánh nặng chi phí tài chính giữa người đi vay và người cho vay. Do đó, việc xem xét lại tiêu chí lãi suất thực dương sẽ tạo tiền đề cho sự giảm lãi suất xuống mặt bằng thấp hơn sau này.

Và thực tế, NHNH đã thực hiện được quyết tâm đưa lãi suất dần về mức 17%-19%, gây dựng niềm tin trên cả lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, kết quả song song là, thị trường chứng khoán từ đầu tháng 9 được tiếp sức mạnh mẽ về thanh khoản, thị trường bất động sản le lói hi vọng được khơi thông nguồn vốn, thị trường giá cả hàng hóa cũng hạ nhiệt đem lại hỉ hê cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, bản thân tôi cho rằng, mục tiêu hạ cơn sốt CPI này chỉ đạt hiệu quả trong ngắn hạn bởi không dễ gì tìm ra điểm cung cầu gặp nhau. Với Thông tư 22 và sự quyết liệt từ Chỉ thị 02 của NHNN, các NHTM đã dồi dào vốn cho vay hơn trước để cam kết thực hiện trần huy động 14% và đạt đồng thuận cao trên con đường giảm lãi suất. Chưa được kiểm chứng, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đã được ưu tiên mức vốn vay khá thấp này. Thế nhưng, NHNN lại không áp tỷ lệ hạn mức, lãi suất vay cho các lĩnh vực phi sản xuất mà để cho các ngân hàng và doanh nghiệp tự thỏa thuận. Liệu có không, sẽ có lượng lớn vốn lớn hơn chảy vào lĩnh vực phi sản xuất khi mà chỉ cần cho vay ở mức lãi suất 20% các NHTM đã có lãi? Liệu rằng nhiều NHTM sẽ chịu lỗ để cho vay với lãi suất 17% trong khi vẫn còn tồn đọng vốn huy động trên 18% từ cuộc đua lãi suất trước đây? Lẽ tự nhiên, về lâu dài, khi cung tiền tăng, dòng vốn sẽ được đưa vào lưu thông một cách không chọn lọc, sản xuất hàng hóa sẽ diễn ra ồ ạt trong khi sức cầu không thay đổi nhiều. Hơn nữa, lạm phát tại Việt Nam không chỉ có lạm phát do cầu kéo, chi phí đẩy mà còn là sự kết hợp của lạm phát do cơ cấu, lạm phát do nhập khẩu…. Chưa biết chừng với việc giảm lãi suất, nền kinh tế vốn nhiều bất ổn lại cõng thêm lạm phát tiền tệ.

Đáng quan tâm hơn, vào giai đoạn cuối năm, giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng khó tránh khỏi xu hướng nhích lên từng ngày. Thật khó khăn để với một chính sách tiền tệ chủ động mà công cụ chủ yếu là lãi suất có thể kéo được lạm phát đi xuống.

Vì vậy và có lẽ, lãi suất sẽ không là lời giải hoàn chỉnh cho bài toán giảm lạm phát kia.

Nhận định tác động nếu QE3 được đưa ra

Gần đây các nhà đầu tư đang xôn xao lo ngại về khả năng một gói nới lỏng định lượng QE3 sẽ xuất hiện sau sự kết thúc thất bại trong việc đưa nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát khỏi bờ vực suy thoái của gói QE2 vào tháng 6/2011. Reuter đã có cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ của Ngân hàng Merill Lynch và gần một nửa trong số họ khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì giảm lãi suất đã cận kề zero thông qua chương trình mua trái phiếu chính phủ của mình. Hơn nữa, từ chính bản thân nước Mỹ, sau tất cả những lỗ lực, liệu chính phủ sẽ để những lợi ích từ nguồn vốn giá rẻ mà các ngân hàng, doanh nghiệp đã từng được hưởng, thị trường chứng khoán khoe sắc nhờ được tiếp sức dòng tiền dồi dào trước đây sẽ tan thành bóng bóng? Sẽ không chỉ có QE3 xuất hiện mà còn tiếp QE4, QE5… vì nước Mỹ đã chôn chân trong vòng quay tăng trưởng mà chưa nhận ra nền kinh tế của mình đã quá già yếu. Khi những lợi ích nhận được nếu QE3 xảy ra còn chưa rõ ràng thì những lo lắng đã bao trùm khắp các nền kinh tế…
Trước hết, nhìn lại tác động trong thời gian gói QE2 diễn ra (11/2010 – 6/2011), trong khi chương trình mua trái phiếu đã khiến các nhà đầu tư tăng mua tài sản lợi tức cao hơn như cổ phiếu, thì mục tiêu thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn, giúp nền kinh tế phát triển và giảm tỷ lệ thất nghiệp đã không có hiệu quả. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 2 của Mỹ đã rơi xuống mức 8,9%, mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây tuy nhiên lại tăng dần lên 9,2% vào tháng 6, tất nhiên, với lượng cung tiền 600 tỷ USD, lạm phát tăng cao là điều không tránh khỏi. Ngoài ra, QE2 cũng bị buộc tội đã tạo sức ép lên lạm phát toàn cầu khi luồng vốn nóng QE2 chảy vào các quốc gia đang phát triển nhanh gây áp lực tỷ giá và giá cả trong nước do hầu hết các giao dịch thanh toán thương mại quốc tế đều neo vào giá USD. Giá các nhóm hàng hóa theo thống kê của IMF tính đến tháng 6-2011 đều tăng mạnh so với tháng 12-2010 và so với cùng kỳ năm trước: giá các hàng hóa cơ bản tăng 11,71% và 36,1%; giá lương thực tăng 16,18% và 32,91%; giá năng lượng tăng 37,93% và 39,72%. Hơn nữa, sự giảm giá sâu của đồng USD so với các dòng tiền khác (theo số liệu do Reuters thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2011, đồng đô la Mỹ giảm giá nhiều nhất so với đồng euro (-7,77%), đô la Úc (-4,8%), bảng Anh (-2,79%) và các đồng tiền khu vực châu Á như đô la Singapore (-4,27%), đồng won Hàn Quốc (-4,84%)…so với cuối năm 2010) cũng châm ngòi cho giá vàng leo thang, ngày 30-6-2011, giá vàng giao ngay đạt mức 1,499.6 USD/ounce, tăng 5,65% so với cuối năm 2010 và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Và sau khi gói QE2 kết thúc:
Lạm phát song hành cùng thất nghiệp: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,5% so với tháng 6, gấp 2,5 lần so với dự báo 0,2% của các nhà kinh tế và tăng 3,6% so với cùng kì năm 2010. Bộ Lao Động cũng cho biết, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục tăng 9.000 người, lên 408.000 người trong tuần kết thúc vào ngày 13/8, đây cũng là mức tăng cao nhất trong 1 tháng, hơn nữa, do tác động của lạm phát nên tiền lương theo giờ thực tế giảm 0,1% trong tháng 7 và giảm 1,3% so với tháng 7/2010. Kết quả, chi tiêu giảm 0,2% trong tháng 6, trong khi thu nhập tăng 0,1% – ngược lại hẳn với mục tiêu kích cầu cho nền kinh tế phục hồi. Chi phí đầu vào và hàng hóa đầu ra của các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, để bảo vệ lợi nhuận, việc cắt giảm lao động hoặc ngừng tuyển thêm sẽ là hệ quả tất yếu của tình trạng thất nghiệp không ngừng tăng cao hiện nay tại Mỹ.
Nếu Mỹ tiến hành gói QE3 dự kiến 300 tỷ USD…
Nước Mỹ sẽ tiếp tục tự dìm mình trong lạm phát khi lượng cung tiền từ QE3 sẽ đẩy lạm phát ra ngoài vòng kiểm soát mà trước đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED đã đưa ra mục tiêu dài hạn là 1,7 – 2%. Tình trạng thất nghiệp sẽ còn diễn biến tồi tệ hơn khi QE3 không những không tạo thêm việc làm mà còn khiến các doanh nghiệp gặp khốn đốn để đối phó với những diễn biến tiêu cực hơn thời gian trước. Với hàng loạt dự báo trước như sức chi tiêu tiêu dùng giảm, hoạt động sản xuất khó khăn,… liệu QE3 sẽ thực sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? Để nền kinh tế Mỹ có thể tự mình tăng trưởng hay cứ phải cần vào các hỗ trợ để rồi chỉ riêng nước Mỹ tự hào nhận ra mình đang thoát khỏi suy thoái kinh tế.
Thế giới bị vạ lây:
Dù mới lờ mờ xuất hiện, nước Mỹ đã đạt được ngay hiệu ứng ngắn hạn của mình là củng cố niềm tin của nhà đầu tư đưa thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 23/08/2011 khởi sắc với mức tăng trên 3% – mạnh nhất trong vòng 4 tháng qua, giá vàng quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch đã có lúc xuống 1.822 USD/ounce. Thế nhưng, thế giới lại nóng như ngồi trên đống lửa chờ đợi một kết cục dài hạn hơn tương tự hoặc thậm chí thảm khốc hơn những gì gói QE2 mang lại. Các nền kinh tế nhỏ lại rơi vào vòng xoay không thể kiểm soát do xáo trộn tỷ giá, kinh tế thương mại bất ổn, dòng tiền đầu tư mất phương hướng…. Một ví dụ thôi, khi lạm phát tăng, chỉ tính riêng sức mua của người Mỹ đối với tivi của Hàn Quốc, ôtô của Đức, đồ chơi của Trung Quốc, rượu wishky của Scotland và các mặt hàng khác đều giảm xuống, vai trò “người tiêu dùng cuối cùng” của Mỹ sẽ dần chấm dứt, kéo theo đó là sự tăng trưởng chậm lại của các nước, đó là không kể đến việc kết hợp tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu đang diễn ra hiện nay.
Trung Quốc – quốc gia nước ngoài sở hữu Trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều nhất sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiệt hại kép mà đồng USD suy giảm gây ra. Theo thống kê của chính phủ Mỹ, tính đến giữa tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã mua thêm 7,300 tỷ USD công nợ Mỹ, nâng tổng mức nắm giữ trái phiếu Mỹ lên tới 11,598 tỷ USD. Nguy cơ khối tài sản khổng lồ này sẽ bị bốc hơi nếu đồng USD tiếp tục hạ giá và trái khoáy thay, để tỷ lệ đồng USD ổn định, chính phủ Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục mua nợ công của Mỹ. Hơn nữa, vẫn chưa có tài sản nào có thể thay thế nợ công của Mỹ, trái phiếu chính phủ của Nhật Bản và Hàn Quốc đều không thể thay thế, hiện nay, chỉ có mỗi trái phiếu chính phủ Mỹ là hiệu quả nhất và có tính thanh khoản cao nhất. Ngoài ra, việc giao thương trên thế giới vẫn chủ yếu được định giá và thanh toán dựa vào đồng USD, đối với một nước xuất khẩu chiếm đến ¼ giá trị hàng xuất khẩu toàn cầu như Trung Quốc thì thiệt hại do biến động tỷ giá là không hề nhỏ.
Kết luận: Mặc dù chưa chính thức được đưa ra và tác động của gói QE3 vẫn còn là một dấu hỏi lớn đối với nền kinh tế nhưng theo tôi thì các quốc gia, nhà đầu tư đã nên cân nhắc chiến lược đầu tư hợp lý cho mình, có nên tiếp tục đặt niềm tin và phụ thuộc vào sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ nhất thế giới này hay chủ động đưa ra giải pháp đón đầu tác động mà gói QE3 có thể gây ra? Đã đến lúc họ phải có những cải tổ cho riêng mình