Các yếu tố vĩ mô chính tác động tới thị trường Chứng khoán Việt Nam

Từ đầu năm 2011 đến nay, thị trường chứng khoán luôn nằm trong xu hướng giảm điểm, những sóng tăng điểm hiếm hoi mang tính điều chỉnh, thường xuất hiện sau những đợt sụt giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/9/2011, VN-Index đóng cửa ở mức 433,97 điểm, giảm 50,69 điểm so với đầu năm, tương đương giảm 10,46%. Trong khi đó, HNX-Index đạt 73,58 điểm, mất đến 40,66 điểm so với đầu năm, tương đương 35,59%. Diễn biến hai sàn tương tự như những tháng cuối năm 2010, HNX-Index giảm điểm mạnh hơn nhưng phản ánh trung thực hơn bức tranh của TTCK Việt Nam, VN-Index vẫn bị dẫn dắt bởi một số Blue-chips có mức vốn hóa lớn.
Những biến động của các yếu tố vĩ mô và chính sách của Chính phủ đã tác động trực tiếp tới thị trường chứng khoán năm 2011, cụ thể:

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng cao gây áp lực phá giá đồng nội tệ
Từ cuối năm 2010 và 2 tháng đầu năm 2011, tỷ giá USD/VND có những diễn biến phức tạp với mức chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do lên tới xấp xỉ 10%. Trong khi, tỷ giá trong hệ thống ngân hàng được niêm yết ở mức trần 19.500 VND/USD thì tỷ giá trên thị trường tự do đã có lúc lên tới 21.450 VND/USD. Việc chênh lệch giữa 2 mức tỷ giá này trong suốt một thời gian dài đã tạo áp lực và khiến NHNN chính thức điều chỉnh tỷ giá lên mức 20.693 VND/USD và biên độ giao dịch được thu hẹp từ mức +/-3% xuống mức +/-1% từ ngày 11/2/2011. Đây là lần tăng phá giá đồng nội tệ mạnh nhất từ 2008 tới nay, lên tới 9,3%.
Kể từ tháng 3 tới hết tháng 8, tỷ giá trong trạng thái ổn định tích cực sau một loạt các giải pháp được NHNN triển khai. Các biện pháp mạnh tay đối với thị trường ngoại tệ tự do cùng quy định kết hối đối với các tập đoàn, tổng công ty có trên 50% vốn nhà nước đã giúp tâm lý thị trường ổn định.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao ngay từ đầu năm
Ngay từ các tháng đầu năm 2011, lạm phát đã ở các mức rất cao trung bình trên 2%/tháng, đặc biệt tháng 4 đã lên tới 3,32% so với tháng trước đó. Đến hết tháng 9/2011, lạm phát cả nước đã tăng tới 16,63% so với cuối năm 2010. Giá xăng dầu tăng mạnh tới trên 17% cùng với việc tăng giá điện 15,2% đã đẩy chi phí vận chuyển cũng như yếu tố đầu vào của nhiều mặt hàng tăng cao, nhất là giá cước vận tải. Bên cạnh đó cũng phải nhắc đến yếu tố tác động của việc NHNN tăng tỷ giá USD/VND lên 9,3% vào ngày 11/2/2011 cũng như xu hướng tăng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu như nhóm hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống, vật liệu xây dựng.

Chính sách thắt chặt tiền tệ được thực hiện triệt để
Từ hai tháng đầu năm, trong bối cảnh lạm phát cao, lãi suất huy động tăng khá mạnh các kỳ hạn ngắn, NHNN đã ban hành một số biện pháp thắt chặt tiền tệ như tăng lãi suất tái cáp vốn từ 9% lên 11%, Thống đốc NHNN đề nghị tăng trưởng tín dụng dưới 20% thay cho 23%.
Ngày 24/2/11 Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Sau đó, NHNN tiếp tục ban hành hàng loạt các biện pháp thắt chặt khác như: giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010 và hạn chế tăng trưởng tín dụng tối đa cả năm không được vượt quá 20%; tăng lãi suất tái chiết khấu lên tới 13%, lãi suất tái cấp vốn lên tới 14%. Đến đầu tháng 5, NHNN công bố nâng lãi suất thị trường mở lên 14% và sau đó nâng tiếp lên 15% vào ngày 17/5.
Sau hơn 7 tháng thực hiện thắt chặt tiền tệ khá triệt để, ông Nguyễn Văn Bình – thống đốc NHNN mới – đã chuyển chính sách tiền tệ từ việc thắt chặt sang nới lỏng. NHNN có chủ trương giảm lãi suất cho vay về khoảng 17% – 19%/năm và một số ngân hàng lớn đồng thuận giữ trần lãi suất huy động bằng VND ở mức 14%/năm. Trước tình hình nhiều ngân hàng vẫn thỏa thuận lãi suất huy động thực cao hơn 14%, ngày 07/09 NHNN đã ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về việc chấn chỉnh thực hiện quy định về mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và bằng đôla Mỹ của các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài với những hình thức xử lý vi phạm rất “mạnh tay”.

==> Những diễn biến bất ổn của kinh tế vĩ mô đã được phản ánh hoàn toàn vào các chỉ số chứng khoán trên thị trường chứng khoán – luôn được giới đầu tư coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường còn phải đối mặt với những khó khăn nội tại. Nguồn cung cổ phiếu mới không ngừng gia tăng trong thời gian này chính là một trong những trở ngại cho nỗ lực thúc đẩy thị trường trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán phải đối mặt với áp lực nguồn cung lớn do các doanh nghiệp niêm yết phát hành thêm để tăng vốn với kế hoạch phát hành 27,4 ngàn tỷ đồng tương đương với 5,05 tỷ cổ phiếu mới. Tính đến hết ngày 31/5/2011 con số thực tế đã phát hành là 12,6 ngàn tỷ với các đợt phát hành thành công của các mã như CTG, HAG và VNM. Như vậy trong thời gian tới theo kế hoạch của các doanh nghiệp niêm yết vẫn còn cần khoảng 14,8 ngàn tỷ đồng. Thị trường chứng khoán năm 2011 vốn đã không có nhiều thông tin tốt hỗ trợ lại thêm khối lượng cổ phiếu tăng thêm mạnh khiến thị trường càng ảm đạm hơn. Trong khi cung cổ phiếu tăng cao thì sức mua lại không tăng tương ứng. Dòng vốn đầu tư cho thị trường cũng bị co hẹp do bị hút vào các kênh đầu tư có hiệu quả hơn như vàng, ngoại tệ. Tăng trưởng tín dụng của các NHTM bị hạn chế, tối đa không vượt quá 20% cộng thêm việc tín dụng cho vay lĩnh vực phi sản xuất phải giảm xuống dưới 22% vào tháng 6/2011 và không được vượt quá 16% vào cuối năm đã khiến lực cầu cổ phiếu giảm, dẫn tới mất cân đối cung cầu.
Thêm vào đó, thị trường chứng khoán luôn là thị trường chứa nhiều yếu tố tâm lý, trước những bất ổn của yếu tố vĩ mô và lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan rộng nhà đầu tư trở lên thận trọng và dè dặt hơn trong quyết định đầu tư của mình.

5 bình luận to “Các yếu tố vĩ mô chính tác động tới thị trường Chứng khoán Việt Nam”

  1. Nguyen Manh Hai Says:

    Rất đồng ý với các phân tích của tác giả về các yếu tố vĩ mô tác động đến TTCK Việt Nam. Là người trong ngành, thật không thể không day dứt là tại sao TTCK Việt Nam lại quá nhiều khó khăn vậy. Nhưng có lẽ, như câu nói của Chủ tịch EU Herman Van Rompuy, mình cũng nghĩ rằng: TTCK Việt Nam chưa bao giờ có được cơ sở hạ tầng mà nó cần! Một chiến lược phát triển có tầm nhìn xa tới cột điện đằng trước; một khung hình pháp lý rời rạc, lỏng lẻo; người mua thì có 2 nhóm NĐT: lớn thì ra sức lũng đoạn, chèo lái, nhỏ thì luôn bày đàn, đầu cơ; người cung cấp sản phẩm là các doanh nghiệp thì quá dư thừa, không minh bạch… Trong khi đó phải cạnh tranh với các sản phẩm đầu tư khác như ngoại tệ, vàng, bất động sản, tiết kiệm luôn đa hình đa dạng, đơn giản hơn, linh động hơn, luôn ra sức chiều lòng người mua…

    Mình nói thì hơi bi quan quá, nhưng đấy là thực tế. Dù sao TTCK Việt Nam còn chưa học xong cấp 1, nên cũng không thể quá đòi hỏi được, không lại thành bóc lột sức lao động của trẻ em mất 😀 Mình tin rằng vào cấp 2, rồi cấp 3, và đặc biệt là sau khi tốt nghiệp Đại học, TTCK Việt Nam sẽ trưởng thành hơn, khởi sắc hơn rất nhiều! Nên đầu tư trung và dài hạn vẫn là rất là tốt! 😀

  2. Cuong Tran Says:

    Cảm ơn những chia sẻ của anh Mạnh Hải, còn nhớ đầu năm mọi người đưa ra dự đoán rằng VNindex sẽ về dưới 430 điểm, lúc đó chỉ có anh Việt Anh và anh Đức Hải vote. Còn việc dự đoán Vnindex sẽ vượt lên trên 550 điểm thì đa số đều vote. Em cũng hi vọng từ nửa cuối năm 2012 trở đi thị trường sẽ tăng điểm mạnh mẽ.

  3. Selfer Says:

    Hiện thị trường theo mình có 1 số điểm không lạc quan lắm đâu:
    Thứ nhất, nguy cơ khủng hoảng TG khiến nhiều quỹ khó huy động thêm, thậm chí khó gia hạn hoạt động, một số phải bán ra để tăng cash do nhu cầu rút tiền của nhà đầu tư (góp vốn)
    Cụ thể, trong tháng 10 này sẽ có 1 fund của Hàn Quốc xin cổ động cho gia hạn, nếu xin đc thì không sao, nhưng nếu không được thì với quy mô 70 tr USD cũng tương đương cỡ 1400 tỷ hàng Blue chips tung ra thị trường đó. Nước ngoài tháng 9 bán ròng gần 900 tỷ, các CTCK bán ròng cỡ 2000 tỷ (thông tin cá nhân – k chịu trách nhiệm), như vậy NDT nhỏ lẻ nào đỡ được thị trường: Khi không có sự đồng thuận, thị trường khó tăng điểm !

    Thứ 2: Thị trường vừa rồi lên điểm nhờ kỳ vọng giảm LS, hay nói cách khác là do niềm tin mà thống đốc mới đem lại là sẽ giảm LS cho vay, qua đó nền KT mới có cửa phục hồi. Kỳ thực, LS CV chưa giảm mấy như tuyên bố ! Thị trường thất vọng và giảm điểm trở lại cho đến khi thực tế nó giống với kỳ vọng hơn !

    Thứ 3: Đang thiếu sự đồng thuận ở những cấp lãnh đạo cao nhất (yếu tố chính trị); BCT và BTC tranh luận gay gắt về giá xăng dầu cũng phần nào cho thấy điều đó. Thị trường VN do Bigboys quyết định, mà Bigboy không dám ra tay do những rủi ro chính sách tiềm ẩn (từ bất đồng ở các cấp lãnh đạo) thì chưa có sóng lớn đc

    Thứ 4: Bất ổn giá vàng tăng cao, dòng tiền bị hút sang vàng, dự trữ ngoại hối giảm đây lo ngại về các chỉ số vĩ mô cuối năm (tỷ giá, lạm phát)

    Kỳ vọng ngắn hạn là NHNN kiểm soát đc thị trường vàng bằng biện pháp hành chính ở thông tư sắp ban hành thị trường sẽ có sóng ngắn hồi phục, tuy nhiên muốn bền vững phải dựa vào những chuyển biến vĩ mô thực sự, cái mà nhà đầu tư hiện chư tin tưởng lắm ở CP có thể đem lại.

  4. lâm ái liên Says:

    anh chị cho e hỏi tại sao lãi suất là nhân tố quan trọng nhất trong các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến quyết định đầu tư trên thị trường chứng khoán vậy ạ?


Bình luận về bài viết này