Operation Twist (Phần cuối)

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, thị trường nhà đất yếu kém và chi tiêu tiêu dùng không cải thiện, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tung ra một gói kích thích kinh tế khác là điều cần thiết và không cần bàn cãi. Tuy nhiên, như đã đề cập ở phần 1, với quy mô chỉ 400 tỷ USD và chỉ thay đổi cấu trúc kỳ hạn trái phiếu, gói kích thích kinh tế lần này không đủ để làm dịu cơn khát của nền kinh tế và chưa đủ để thoả mãn sự chờ đợi của giới đầu tư suốt mấy tháng qua. Thực tế, kinh tế Mỹ cần hơn 1 gói OT!

Đọc tiếp »

“Operation Twist” (Phần 1)

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam (22/09), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố chương trình “Operation Twist” trị giá 400 tỷ USD nhằm hạ thấp lãi suất dài hạn và giúp nền kinh tế hồi sinh. Theo đó, Fed sẽ bán 400 tỷ USD trái phiếu ngắn hạn (đáo hạn trong vòng 3 năm trở lại) để mua 400 tỷ USD trái phiếu dài hạn (đáo hạn trong vòng 6 – 30 năm) bắt đầu từ tháng 10/2011 và kết thúc vào tháng 6/2012. Tuy nhiên, theo đánh giá chủ quan của tác giả, gói kích thích kinh tế lần này không đủ để làm dịu cơn khát của nền kinh tế và chưa đủ để thỏa mãn sự chờ đợi của giới đầu tư suốt mấy tháng qua. Mặt khác, gói hỗ trợ lần này còn cho thấy sự thật là nền kinh tế bậc nhất thế giới đang cạn kiệt các công cụ hỗ trợ hiệu quả và các nhà cầm quyền cũng đang dần bế tắc.

“Operation Twist” – QE2,5!

Một số nhà phân tích khi đăng tin về gói kích thích lần này của Chính phủ Mỹ đã ví “Operation Twist” như gói QE2,5 (gói Nới lỏng định lượng – Quantitative Easing). Vậy Quantitative Easing, Operation Twist là gì và tại sao “Operation Twist” được gọi là QE 2,5?

Quantitative Easing (QE)

Quantitative Easing thực chất chưa có trong từ điển kinh tế học nào. Đây là biệt danh được một số phương tiện thông tin đại chúng, các ngân hàng trung ương và giới phân tích đặt cho việc hỗ trợ kinh tế thông qua việc bơm tiền vào nền kinh tế trong trường hợp lãi suất đã bằng hoặc gần bằng 0. Đầu tiên, Ngân hàng trung ương sẽ “in” tiền bằng việc ghi nợ vào tài khoản của mình (Làm tăng Liabilities); sau đó sẽ lấy các khoản nợ vừa tạo để mua trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp từ các ngân hàng và định chế tài chính (Làm tăng Asset). Theo đó, QE sẽ làm tăng kích cỡ của Bảng cân đối của Ngân hàng Trung ương.

Khái niệm QE lần đầu tiên được sử dụng tại Nhật Bản vào năm 2001 nhằm chống giảm phát và tăng cung tiền cho nền kinh tế trong bối cảnh lãi suất nước này đã được cắt giảm về mức tối đa 0%. Sau đó, Chủ tích Cục dự trữ Liên bang Mỹ đã khởi động chương trình này trong thời điểm khủng hoảng 2008 -2009 nhằm vực nền kinh tế ra khỏi suy thoái.

Biểu đồ: Các mốc thời gian của QE

Photobucket

“Operation Twist”

Trong khi đó, “Operation Twist” mà Fed vừa đưa ra là một loại công cụ hoán đổi thời hạn trái phiếu. Fed đã bán trái phiếu ngắn hạn để mua trái phiếu chính phủ dài hạn nhằm nỗ lực san bằng các đường cong lãi suất. Động thái sẽ góp phần hạ thấp lợi suất đối với trái phiếu dài hạn trong khi giữ nguyên lợi suất trái phiếu ngắn hạn. Theo đó, Fed không mở rộng cung tiền mà vẫn kích thích kinh tế. “Operation Twist” khác với QE vì “Operation Twist” không làm tăng kích cỡ của Bảng cân đối của Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, cách thức của 2 công cụ này cùng là mua trái phiếu chính phủ nên giới phân tích đã gọi “Operation Twist” như là QE2,5!

Fed đã từng áp dụng chính sách này vào thập kỷ 1960. Tổng giá trị của chương trình “Operation Twist” vào thời điểm đó là 8,8 tỷ USD, tương đương 1,7% tổng quy mô của nền kinh tế Mỹ còn giá trị của chương trình lần này tương đương gần 2,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Kỳ tới:
Tại sao là QE2,5 mà không phải là QE3?
QE3 có thể còn chưa tác dụng, “Operation Twist” lại càng không!