Tái cấu trúc ngân hàng

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung Ương Đảng khóa XI, tái cấu trúc nền kinh tế được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong 05 năm tới (2011-2015), tập trung vào 03 lĩnh vực quan trọng nhất: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), các tổ chức tài chính (TCTC) và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế và Tổng Công ty Nhà nước. Trong đó, chủ đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, các TCTC là chủ đề đang được thảo luận sôi nổi trong thời gian gần đây.

Tái cấu trúc là gì?

Tái cấu trúc (restructuring) được hiểu là quá trình tổ chức lại (re-organize) doanh nghiệp nhằm tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho doanh nghiệp để thực hiện những mục tiêu đề ra. Một chương trình tái cấu trúc toàn diện sẽ diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực như cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế quản lý, điều hành; các hoạt động và các quá trình; các nguồn lực khác của doanh nghiệp. Tái cấu trúc cũng có thể được triển khai một phần tại một hay nhiều mảng của doanh nghiệp (tài chính, nhân sự, bán hàng, sản xuất…) nhằm đạt mục tiêu là nâng cao “thể trạng” của bộ phận đó.

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại Việt Nam được xác định là cơ cấu lại quản trị, điều hành và cấu trúc lại tình hình tài chính của các ngân hàng.  Đây được coi là nhiệm vụ rất cấp bách không chỉ nhằm bảo vệ và lành mạnh hoá hệ thống tài chính mà còn để củng cố uy tín và niềm tin với người dân vào hệ thống ngân hàng nói riêng và sự điều hành của Nhà nước nói chung. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ diễn ra theo 2 hướng: cải tổ những ngân hàng còn yếu kém và sáp nhập, hợp nhất các NHTM, các TCTC nhỏ để có các NHTM và TCTC với quy mô lớn, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống.

Vậy tại sao tái cấu trúc hệ thống ngân hàng lại là nhiệm vụ cấp bách?

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề còn tồn tại của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó phải kể đến 3 vấn đề nổi bật: chất lượng tài sản kém, thanh khoản khó khăn và quy mô vốn tự có nhỏ.

Vấn đề đầu tiên của hệ thống ngân hàng là chất lượng tài sản kém, thể hiện ở tỷ lệ dư nợ phi sản xuất cao và tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Tính đến cuối tháng 5/2011, còn tới 20 NHTM có tỷ lệ dư nợ phi sản xuất trên 22%, thậm chí có ngân hàng  tỷ lệ này lên tới hơn 50%[1]. NHNN cũng công bố, hai trong ba lĩnh vực thuộc cho vay Phi sản xuất là cho vay BĐS và Chứng khoán toàn hệ thống cũng chiếm tới 12%[2] tổng dư nợ. Đây là hai lĩnh vực cho vay tiềm ẩn rủi ro rất lớn, đặc biệt đây là những ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ suy thoái kinh tế: Thị trường BĐS đóng băng, thị trường chứng khoán giảm điểm kéo dài. Nếu như một phần dư nợ phi sản xuất này không được thanh toán thì tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng lên rất cao.

Bên cạnh đó, với lãi suất cho vay cao như hiện nay, nhiều doanh nghiệp không làm ra đủ lợi nhuận để trả lãi ngân hàng khiến nợ xấu trong hệ thống có xu hướng tăng cao. Thêm vào đó, thời gian gần đây, rất nhiều vụ vỡ tín dụng đen đã diễn ra tại nhiều địa phương với quy mô lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng tỷ lệ nợ xấu. Cụ thể: đến cuối Q2/2011, nợ xấu của nhóm Ngân hàng Quốc doanh tăng 66,18%, nhóm các NHTM CP tăng 44,29%, nhóm ngân hàng liên doanh, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài tăng 59,23% so với cuối năm 2010. Tỷ lệ nợ xấu của toàn bộ hệ thống tăng từ 2,16% cuối năm 2010 lên mức 3,13%; vào cuối tháng 6/2011 và đứng ở mức 3,21%[3] tại 31/08/2011. Tổng nợ xấu 06 tháng đầu năm khoảng 75.000 tỷ đồng[4]. Tuy nhiên, nếu nợ xấu chỉ ở mức này thì liệu yêu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng lại cấp thiết đến như vậy không? Thực tế, hiện nay chúng ta chưa tiến hành  phân loại nợ xấu theo đúng chuẩn quốc tế. Nếu thực hiện đúng theo chuẩn quốc tế, con số này sẽ vào khoảng 13%, như Fitch Ratings đã công bố hồi tháng 6/2011.

Thứ hai, những khó khăn về thanh khoản đang khiến nhiều ngân hàng điêu đứng. Những khó khăn này đã được thể hiện rất rõ ở những cuộc đua lãi suất trên cả thị trường 1 (từ tổ chức kinh tế và cá nhân)  và thị trường liên ngân hàng (LNH).

Huy động TT1 trở nên rất khó khăn, đến mức người gửi tiết kiệm có thể mặc cả lãi suất với ngân hàng trong suốt quý 3/2011. Trong giai đoạn này, có những lúc, lãi suất huy động từ dân cư lên tới 20%, áp dụng cho khoản tiết kiệm tối thiểu 100 triệu đồng trong thời hạn 1 tháng. Chỉ cho đến khi NHNN tuýt còi, việc huy động vượt trần lãi suất mới tạm dừng và lắng xuống.

Sự thiếu thanh khoản trầm trọng đã buộc một số ngân hàng phụ thuộc cao vào thị trường LNH, đến mức lãi suất LNH qua đêm đã bị đẩy lên tới hơn 20% trong khoảng thời gian đầu tháng 10/2011. Một số ngân hàng cá biệt gặp vấn đề nghiêm trọng về thanh khoản đã chấp nhận trả lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn nhằm huy động vốn bằng mọi giá!

Thứ ba, thiếu vốn tự có. Theo số liệu thống kê của chúng tôi, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR của các ngân hàng TM trong nước ở mức khá ổn, trên 9%. Tuy nhiên, mức độ cụ thể lại rất khác nhau giữa các ngân hàng. Một nghịch lý là các ngân hàng có quy mô vốn điều lệ càng lớn thì lại có CAR càng nhỏ. Theo số liệu ước tính, CAR của nhóm các NHTM Nhà nước chỉ ở mức 6,9% trong khi CAR của nhóm các ngân hàng TMCP quy mô nhỏ (3.000 tỷ đồng) lại ở mức 26,5%. Thêm vào đó, nếu phân loại nợ xấu theo đúng chuẩn quốc tế và thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ trên số nợ xấu này, tỷ lệ CAR sẽ còn thấp hơn. (Do dự phòng tăng làm giảm lợi nhuận luỹ kế, dẫn tới giảm vốn tự có (VTC) và giảm CAR. CAR được tính bằng VTC/Tổng tài sản có rủi ro). Trong đó, VĐL chiếm tới 84% vốn tự có, tuy nhiên tính đến thời điểm này, vẫn còn những ngân hàng có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng. Hiện tại, NHNN đang dự thảo nghị định buộc các ngân hàng có vốn tối thiểu 5.000 tỷ vào năm 2012 và 10.000 tỷ đồng vào năm 2015. Nếu quy định này được ban hành, chắc chắn nhiều ngân hàng khó có thể đáp ứng được.

Những ngân hàng nào cần tái cấu trúc?

Như đã đề cập trong phần đầu, tái cấu trúc hệ thống NHTM và các TCTC sẽ theo hai hướng: cải tổ những ngân hàng còn yếu kém; và sáp nhập, hợp nhất các NHTM, các TCTC nhỏ để có các NHTM và TCTC với quy mô lớn, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống.

Với một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam, số lượng ngân hàng đang hoạt động hiện nay được xem là quá nhiều. Số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến tháng 6/2011, Việt Nam có 5 NHTM Nhà nước; 1 ngân hàng chính sách xã hội; 1 ngân hàng phát triển; 37 NHTM cổ phần; 48 chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNNg); 5 ngân hàng liên doanh; 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 48 văn phòng đại diện NHNNg; 18 công ty tài chính và 12 công ty cho thuê tài chính. Trong đó, số lượng các ngân hàng quy mô nhỏ tăng nhanh đã dẫn đến sự yếu kém của hệ thống ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, liệu việc hợp nhất có dẫn tới kết quả “nhỏ + nhỏ = lớn” hay “yếu + yếu = mạnh”? Trong công cuộc tái cơ cấu này, vấn đề không nằm ở chỗ quy mô ngân hàng to hay nhỏ mà là tốt hay xấu. Trên thực tế, không phải chỉ các ngân hàng nhỏ mới đứng trước yêu cầu cải tổ, mà cả các ngân hàng lớn cũng không thể đứng ngoài xu hướng này, bởi nếu ngân hàng lớn mà yếu kém, thì yêu cầu phải cải tổ còn bức thiết hơn.

Bên cạnh đó, nhóm NHTM Nhà nước cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí đây lại là nhóm rất cần tái cấu trúc. 5 NHTM Nhà nước đang chiếm khoảng 50% thị phần tín dụng và 60% thị phần tiết kiệm tại Việt Nam[5], trong đó, có 4 ngân hàng có vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng, tuy nhiên các NHTM Nhà nước lại ẩn chứa nhiều rủi ro. Chỉ cần cải tổ một trong số này đã có tác dụng lành mạnh hóa thị trường ngang với nhiều ngân hàng nhỏ. Những NHTM Nhà nước này tuy thuộc nhóm có tổng tài sản lớn nhất nhưng lại luôn nằm trong nhóm có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trên thị trường. Đơn cử như trường hợp của Ngân hàng V. V là ngân hàng có tổng tài sản rất lớn nhưng lại có khối lượng nợ xấu cao nhất trong nhóm 8 ngân hàng niêm yết, tính đến 30/09/2011 là gần 7.380 tỷ đồng (3,9% tổng dư nợ), chiếm tới 49% tổng nợ xấu của nhóm các ngân hàng niêm yết. Cải tổ hệ thống ngân hàng, không có lý gì loại ra các NHTM Nhà nước, các NHTM lớn bởi vấn đề quan trọng nhất là phải tạo ra một hệ thống ngân hàng khỏe mạnh. Nếu tái cấu trúc xong, thị trường chỉ còn lại số ít các ngân hàng tuy lớn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bệnh tật thì coi như tái cấu trúc nửa vời.

Theo đó, quy mô một ngân hàng không phải là yếu tố tiên quyết khi xem xét tái cơ cấu Song cũng cần quan tâm đúng mức tới ngân hàng quy mô nhỏ, với định hướng “tăng hợp lý về quy mô” như Thủ tướng Chính phủ vừa nêu trước Quốc hội. Để xác định ngân hàng nào cần hợp nhất, sáp nhập, các ngân hàng cần được sàng lọc kỹ càng để giải quyết được triệt để các nguyên nhân như đã đề cập ở trên.

Thực trạng tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông điệp khuyến khích các tổ chức tín dụng tự nguyện tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập, hợp nhất. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có một số ngân hàng tiến hành sáp nhập thành công.

Đầu tiên là trường hợp Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) sáp nhập vào Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank), chính thức ra mắt Ngân hàng Liên Việt Bưu điện (LienvietPost Bank) vào cuối tháng 7/2011. Sự kiện này được giới chuyên môn đánh giá là sự kiện đặc biệt nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Khi VPSC được sáp nhập vào LienVietBank, vốn điều lệ của LienvietPost Bank đã tăng từ 3.650 tỷ đồng lên tới hơn 5.600 tỷ đồng, đồng thời ngân hàng này còn cùng với Agribank trở thành NHTM cổ phần có hệ thống mạng lưới lớn nhất trong cả nước: 13.000 điểm giao dịch gắn trong hệ thống bưu cục. Đây là những kết quả bước đầu đạt được của ngân hàng sau khi sáp nhập.

Thương vụ thứ hai là Ngân hàng Shinhan Vina sáp nhập vào Shinhan Việt Nam. Thống đốc NHNN đã có văn bản chấp thuận việc sáp nhập này hồi tháng 9/2011. Đây là 2 ngân hàng liên doanh nước ngoài có vốn điều lệ khá khiêm tốn. Sáp nhập thành công bước đầu sẽ giúp ngân hàng tăng quy mô vốn điều lệ và tiềm lực tài chính, tạo đà cho việc phát triển hoạt động sau này.

Ngoài ra, có một số ngân hàng cũng đang lên kế hoạch tìm hiểu và mua lại các ngân hàng khác. Ngân hàng Quân đội (MB) là một ngân hàng điển hình. Phó chủ tịch HĐQT của MB đã chia sẻ rằng “Nếu có điều kiện tốt và có ngân hàng nào muốn bán lại hoặc sáp nhập MB sẵn sàng tìm hiểu, hợp lý thì sẽ xin ý kiến cổ đông để M&A”. Đây là một trong những phương án của MB nhằm hiện thực hóa mục tiêu chiến lược lọt vào Top 3 NHTM cổ phần lớn nhất tại Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2015.

Tuy nhiên, để thực hiện được các thương vụ M&A, các bên tham gia phải có thời gian chuẩn bị khá lâu, ví dụ như Ngân hàng Liên Việt cùng VNPT, VnPost đã mất tới 2 năm chuẩn bị kỹ lưỡng, lên kế hoạch chi tiết cho các hoạt động liên quan. Riêng về việc định giá VPSC, trong gần một năm qua, VNPT đã thuê tư vấn nước ngoài đảm bảo đánh giá VPSC theo đúng chuẩn mực quốc tế[6].

Bên cạnh những thương vụ mua bán sáp nhập được công khai, cũng có những hoạt động tái cấu trúc đang diễn ra nhưng không được công bố rộng rãi. Ví dụ như ngân hàng V, một NHTM NN đang hỗ trợ một số ngân hàng nhỏ về thanh khoản hay ngân hàng B cũng vừa ký thỏa thuận hỗ trợ 03 ngân hàng nhỏ khác với tổng nguồn cam kết hỗ trợ lên đến 13.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động tái cơ cấu khác đang âm thầm diễn ra trong hệ thống ngân hàng.

Kết luận

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là hoạt động nhạy cảm, phải làm sao để các ngân hàng hoạt động ổn định, góp phần ổn định, hỗ trợ việc phát triển kinh tế trong thời gian tới. Do đó, NHNN cần có kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, đồng thời cần có biện pháp giám sát thực hiện các mục tiêu một cách chặt chẽ bởi tái cấu trúc ngân hàng là một bài toán khó khi vừa phải đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh nhưng vẫn phải đảm bảo đủ dịch vụ đáp ứng cho người dân, giống như Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã ví: “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng phải làm sao như phun thuốc cho cây lúa, diệt được sâu nhưng vẫn phải đảm bảo cho cây lúa xanh tốt”.


[1]“Rủi ro trong ngân hàng: Lo sớm thì hơn”, [Online]: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=275254

[2] Harry H. T., Thuân, N., Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam theo hướng nào?, trang 2

[3] “Nợ xấu ngân hàng: Nguy cơ mất trắng 37 nghìn tỷ đồng”, VnEconomy [Online]:http://vneconomy.vn/2011102708242842P0C6/no-xau-ngan-hang-nguy-co-mat-trang-37-nghin-ty-dong.htm

[4] “Nợ xấu ngân hàng gia tăng”, [Online]: http://www.baomoi.com/No-xau-ngan-hang-gia-tang/126/6798573.epi

[5] “Cải tổ hệ thống ngân hàng: Ngân hàng quốc doanh không thể ngoài cuộc”, CafeF [Online]:

http://cafef.vn/20111031085915556CA34/cai-to-he-thong-ngan-hang-ngan-hang-quoc-doanh-khong-the-ngoai-cuoc.chn

[6] Theo LienvietPost Bank

10 bình luận to “Tái cấu trúc ngân hàng”

  1. qknguyen Says:

    Cảm ơn bạn nhiều. Bài viết hay nhưng nếu như có thể đưa ra được một số giải pháp nhằm tái cấu trúc hệ thống NH thì chắc sẽ sâu hơn?

    • Bui Thi Hong Thu Says:

      Cảm ơn bạn Qknguyen! :). Theo mình, tái cấu trúc ngân hàng phải giải quyết được những vấn đề còn tồn tại của các ngân hàng quy mô nhỏ và cả quy mô lớn, đồng thời tất cả các ngân hàng đều phải thực hiện là giảm chi phí và tăng hiệu qủa hoạt động.
      Mình cũng rất mong muốn các bạn chia sẻ những quan điểm và ý kiến của mình về các giải pháp cụ thể để tái cấu trúc ngân hàng. 🙂

  2. wMinh Says:

    ‘..Khi VPSC được sáp nhập vào LienVietBank, vốn điều lệ của LienvietPost Bank đã tăng từ 3.650 tỷ đồng lên tới hơn 5.600 tỷ đồng..” Cái này bạn nhầm chút. VPSC được định giá chỉ 780 tỷ thôi. VĐL của LVB tăng lên do trái phiếu chuyển đổi đến hạn

    • Nguyen Manh Hai Says:

      Theo mình xem công bố thông tin thì thế này:

      Trái phiếu chuyển đổi Liên Việt tổng cộng là 2.000 tỷ đồng đáo hạn 1/4/2011. Như vậy vốn điều lệ của Liên Việt đã tăng lên 5.650 tỷ đồng từ tháng 4.

      Ngày 1/7, Liên Việt phát hành 810 tỷ đồng mệnh giá CP mới để mua VPSC với giá trị là 360 tỷ đồng (sở hữu toàn bộ VPSC) và bán 450 tỷ đồng mệnh giá CP cho Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (trả bằng tiền mặt góp nhiều lần). Vốn điều lệ theo đó tăng lên là 6.460 tỷ đồng. Và cùng với đó thì đổi tên là NH Bưu điện Liên Việt.

    • Bui Thi Hong Thu Says:

      Dear bạn WMinh, đúng là mình có nhầm về ý này :). Em cũng rất cảm ơn anh Hải đã tìm hiểu và đính chính thông tin giúp em! 🙂

  3. Nguyen Manh Hai Says:

    Hôm nay đã có tin hợp nhất 3 ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn 🙂 Vai trò của BIDV là đại diện phần vốn Nhà nước và tham gia toàn diện vào ngân hàng mới sau hợp nhất. Như vậy đúng là NHNN đang thực hiện quốc hữu hóa một số vốn cổ phần của những ngân hàng quá khó để tự tái cấu trúc. Thời điểm này mình cho rằng như vậy cũng là phù hợp thôi, vì mục tiêu an toàn hệ thống tài chính ngân hàng, đảm bảo lợi ích người dân là số một, nhất là trong bối cảnh khó khăn của kinh tế trong nước và quốc tế như thế này. Mỹ làm được rồi thì Việt Nam cũng làm được!

    • qknguyen Says:

      Nhà nước lại lấy tiền thuế của dân để đi cứu các NH này rồi! Sao VN mình không nghĩ đến việc cho phá sản NH nhỉ? Hay nếu phá sản NH thì dân sẽ thiệt hơn so với việc NN dùng tiền thuế để cứu?

      Tổng số vốn của 3 NH hợp nhất lại rất lớn nhưng nếu vẫn quản trị theo kiểu NH nông thôn đi lên thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra?

      • Nguyen Manh Hai Says:

        Câu hỏi của bạn qknguyen rất trúng! Và bạn cũng tự đã trả lời rồi. Khi để NH phá sản thì có rất nhiều các hệ lụy – và người chịu thiệt nhất vẫn là người dân, người lao động. Ngay cả ở Mỹ và các nước phát triển, phá sản là chuyện tất yếu của thị trường tự do – nhưng đối với các doanh nghiệp quan trọng và lớn (gồm cả ngân hàng) thì tồn tại một nghịch cảnh là: quá lớn để đổ vỡ (too big to fail). Ở Việt Nam, việc phá sản cũng là một thất bại mà không ai muốn chấp nhận 🙂 Lý thuyết “bàn tay vô hình – invisible hand” của Adam Smith rất khó được chứng minh ở đây.

        Và khi đã đồng ý với mệnh đề đó, thì sự điều tiết, can thiệp của NN là rất quan trọng. Ở đây chúng ta cũng nên hiểu rõ quan điểm của NN qua các phát biểu gần đây về NH hợp nhất của 3 NH này đó là tái cấu trúc toàn diện: xử lý và cơ cấu lại tài sản, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị và hoạt động (không phải nông thôn đi lên nữa); và quan trọng nhất đó là định giá và cơ cấu lại vốn góp của các cổ đông, sẵn sàng thay thế bằng cổ đông tốt hơn. Như vậy ít ra về quan điểm là hợp lý và chuẩn 🙂 chứ hoàn toàn không phải là dùng tiền thuế của dân để cứu một nhóm lợi ích nào cả! Mình không bình luận về việc sẽ thực hiện thế nào, vì mình cũng chỉ mong điều tốt nhất cho mọi người 😀

  4. Nguyen Manh Hai Says:

    Mình rất tò mò với 7 nhóm biện pháp tái cấu trúc đưa ra tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) nhưng chưa có thông tin cụ thể. Cá nhân mình cho rằng tái cấu trúc NH ở Việt Nam cần được hiểu rộng và sâu hơn, và gồm các mảng sau:

    – Tái cấu trúc về vốn và cổ đông: Ở đây vốn không chỉ được hiểu là việc quy mô lớn hay nhỏ, mà cần được hiểu là cơ cấu, tỷ lệ góp vốn, tính tương đồng và lực phối sinh (synergy) của các nhóm cổ đông (Nhà nước, nước ngoài, doanh nghiệp, cá nhân và theo các loại hình như TCKT, TCTC). Đã có rất nhiều những thay đổi ngầm về cơ cấu vốn và cổ đông rồi, chứ không phải chỉ là các thương vụ được nêu tên.

    – Tái cấu trúc về định hướng kinh doanh: Những NH đi đầu trong tự chủ hoặc việc thuê tư vấn để định hướng lại hoạt động, kinh doanh đã làm từ 2-3, thậm chí 5 năm nay rồi như ACB, Techcombank, Maritime, VIB và một số khác. Các ngân hàng nhỏ hơn cũng đã và đang có những thay đổi theo hướng tập trung vào các lợi thế cạnh tranh để tạo lập vị thế trong thị trường ngách.

    – Tái cấu trúc về quản trị rủi ro, nâng cao tính an toàn và chất lượng tài sản: Việc này có thể làm độc lập nhưng thường là gắn liền với tái cấu trúc kinh doanh, tổ chức và quản trị nếu trên. Cái này báo chí và các chuyên gia nói nhiều rồi 🙂

    – Tái cấu trúc về quản trị chung: Giảm chi phí, nâng cao hiệu quả! Một thời gian dài bong bóng mở ngân hàng tuy về quy mô chưa đáp ứng hết nhu cầu thực sự của hơn 80 triệu dân khắp cả nước nhưng lại tạo ra một bộ máy cồng kềnh với nhiều người vừa thừa (yếu) vừa thiếu (giỏi). Thực tế về biến động nhân sự chứng khoán vừa qua cũng là bài học cho các NH sắp tới rút kinh nghiệm.

    Rõ ràng là không phải NH nào cũng cần tái cấu trúc về vốn và cổ đông, mà quan trọng hơn lại là các mục tiêu tái cấu trúc khác. Viết hơi dài, mọi người thông cảm nhé 🙂


Bình luận về bài viết này