Phân tích kỹ thuật và nhận định xu hướng VN-Index

VN-Index những phiên gần đây đã có những phiên tăng điểm khá mạnh cùng với thanh khoản thị trường được cải thiện tuy không nhiều. Đợt tăng này mang tính kỹ thuật hơn là các yếu tố cơ bản, VN-Index điều chỉnh sau khi bị giảm khá sâu về sát ngưỡng 380 điểm và chạm kênh xu thể giảm (đường màu xanh thẫm, nét đứt). Đáng chú ý, ngày 12/08/11, VN-Index đạt mức 383,92 điểm – đây mới mức điểm thấp nhất của VN-Index kể từ quý 2 năm 2009, khi đó TTCK hồi phục lại sau khủng hoảng kinh tế năm 2008.

vni

Các chỉ số kỹ thuật ngắn hạn và các tín hiệu đã cho thấy xu hướng tăng điểm bắt đầu, cụ thể:

–       MACDF vượt trên đường số 0 cách đây 2 phiên, báo hiệu tăng điểm trở lại sau 2 tháng liên tiếp nằm dưới mốc này.

–       RSI có xu hướng tăng sau khi về dưới mốc 30 và kết hợp với giá tạo phân kỳ âm, báo hiệu đảo chiều chính xác sau khi chạm đáy.

–       Đường giá cắt lên trung bình 20 phiên và phá vỡ kênh xu thế giảm tạo được trong 3 tháng qua (đường màu xanh thẫm, nét đứt) cũng đưa ra tín hiệu tăng điểm.

Mặc dù vậy, mức tăng này có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn, tiếp theo VN-Index gặp liên tiếp các kháng cự kỹ thuật mạnh. Trong đó, phải kể đến mức kháng cự Fibo 38,2% sát ngưỡng 410 – đây cũng là mức điểm cận trên của B-Band nếu tiếp tục tăng điểm. VN-Index phải test qua kháng cự này hoặc vùng điểm 410-420 mới khẳng định được xu thế tăng thực sự của mình, trường hợp này VN-Index sẽ tạo thành mô hình hai đáy, đích đến là 430 và 460 điểm tương ứng Fibo 68% và 100%. Kịch bản này sẽ gặp khó khăn bởi ngay phiên sau, thị trường phải hấp thụ số lượng cổ phiếu chốt lời trong các phiên trước khi lợi nhuận đạt mức gần 15%, tỷ suất này khá lý tưởng trong thời điểm khó khăn như hiện nay nhất là đối với nhà đầu tư ngắn hạn. Trường hợp ngược lại, dễ xảy ra hơn, VN-Index không qua được hỗ trợ này sẽ quay lại tích lũy trong vùng 385-400 điểm.

Về tính thanh khoản, nếu loại trừ phiên giao dịch ngày 04/08/11 (có sự tham gia mua bán thỏa thuận mã STB khoảng 70 triệu đơn vị) thì thanh khoản thị trường trung bình trong 2 tháng gần nhất đang ở mức thấp nhất trong một năm rưỡi trở lại đây. Nếu so với mức vốn hóa thị trường, thanh khoản hiện nay được coi là thấp nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Mặc dù thông tư 74 có hiệu lực từ ngày 01/08/11, với một số điều hỗ trợ thanh khoản cho thị trường như: mua và bán trong phiên cùng một mã chứng khoán, được mở thêm tài khoản… nhưng rõ ràng tâm lý thị trường hiện tại rất kém và khá dè dặt trong việc giải ngân. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi tín hiệu về thanh khoản đều xấu, xen kẽ đó vẫn có điểm để lạc quan. Khi VN-Index giảm sâu một vài phiên liên tiếp, quan sát thị trường có thể thấy một nhóm nhà đầu tư vẫn vào lệnh mua lớn đẩy thanh khoản lên cao. Đây là nhóm nhà đầu tư tổ chức (có cả nước ngoài) vẫn chờ đợi thị trường giảm điểm gom giá rẻ, khi thị trường tăng trở lại ít khi thấy nhóm này xuất hiện. Nhóm này giải ngân với mục tiêu dài hạn và họ coi vùng điểm hiện tại đang ở mức hấp dẫn, nên họ vẫn âm thầm mua vào mặc dù không vội vàng. Một tín hiệu lạc quan nữa không thể bỏ qua đó là thanh khoản thấp kèm theo biên độ giá rất nhỏ, đây là đặc điểm của thị trường khi đi vào vùng đáy.

Thời gian tới diễn biến của VN-Index sẽ quyết định đến mô hình xu hướng phục hồi của thị trường. Nếu thị trường vẫn duy trì vùng đáy như hiện nay hoặc thấp hơn (có thể trong khoảng 360-390 điểm) và giữ đến giữa quý VI năm nay thì rất có thể VN-Index phục hồi theo mô hình chữ V. Ngược lại, VN-Index vượt các kháng cự, sau đó điều chỉnh về mức ngang bằng hoặc cao hơn so với hiện tại, khi phục hồi lại tạo thành mô hình chữ U.

Trong cả hai trường hợp trên, VN-Index trong trung hạn (đến hết năm 2011) và dài hạn (quý II năm 2012) đều được xác định sẽ tăng điểm so với hiện tại.