Thông tư 30 về việc áp trần lãi suất 6% với tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng

Chiều ngày 28/9/2011, NHNN ban hành thông tư 30 thay thế thông tư 02 trước đó:

Thông cáo về thông tư 30

Theo tôi, mục đích của việc áp trần lãi suất 6% với các khoản tiền gửi KKH và dưới 1 tháng  là rất tốt. Nó dựa trên thực tế gần đây lãi suất  huy động của các NH tại các kỳ hạn 1 ngày, 2 ngày, 1 tuần đến dưới 1 tháng đều cào bằng  14%.  Điều đó vô tình khuyến khích người  dân chỉ gửi kỳ hạn ngắn, dẫn đến huy động của các NH chủ yếu là kỳ hạn ngắn, trong khi cho vay thì tập trung vào các kỳ hạn dài hơn ( từ 3 tháng trở lên). Mất cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay khiến rủi ro thanh khoản có thể bùng phát khi có bất kỳ biến cố bất ngờ nào xẩy ra (như khi 1 khoản cho vay không đòi đc, một công ty vỡ nợ hay khi bị dân rút tiền …)

Đọc tiếp »

Xu hướng dịch chuyển dòng tiền trong nền kinh tế.

Dòng tiền trong nền kinh tế vốn không nằm yên một chỗ mà có xu hướng chảy vào những kênh đem lại lợi nhuận cao hơn. Loại trừ một số trường hợp không có lựa chọn nào khác ngoài kênh tiết kiệm, về cơ bản các nhà đầu tư luôn tìm kiếm các cơ hội để tận dụng dòng vốn của mình nhằm sinh lợi nhuận cao nhất, đúng như dân gian có câu “tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra cửa tiền đẻ”.

Về cơ bản, dòng tiền nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp, tùy quy mô lớn nhỏ, có các hướng chảy chính sau:

A: Với người dân:

– Gửi tiết kiệm: phụ thuộc vào lãi suất, tăng khi lãi suất cao và có xu hướng giảm khi lãi suất giảm.

+ Dòng tiền đang có xu hướng chảy ra khỏi ngân hàng: Sau khi NHNN ban hành CT02 áp trần lãi suất 14% và thể hiện kiên quyết của mình qua việc phạt một số trường hợp vi phạm, nhiều khả năng dòng tiền sẽ chảy ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư, sản xuất kinh doanh khác đem lại kỳ vọng lợi nhuận cao hơn. Báo chí gần đây cho thấy lo ngại này cần được lưu ý:

“Theo VnExpress ngày 15.9.2011, VIBank bị rút gần 1.000 tỉ đồng, Phương Nam (SouthernBank) bị rút gần 200 tỉ đồng; một đại diện ngân hàng khác cũng thừa nhận bị rút mất gần 150 tỉ đồng trong tuần qua. Không chỉ có những ngân hàng nhỏ mà ngay cả những ngân hàng lớn như Agribank, hàng trăm tỉ đồng tiền gửi cũng bị rút ra. Theo đánh giá của đại diện Agribank “đây gần như là điều chưa có tiền lệ với Agribank””

+ Chảy từ NH nhỏ sang NH lớn có uy tín hơn: Thông thường, khi mặt bằng lãi suất như nhau, nếu người dân chưa tìm thấy cơ hội đầu tư nào khác, họ có thể rút vốn từ NH nhỏ, kém uy tín sang các NH lớn (Top 12 NH TMCP lớn).

“Một công ty tài chính quy mô lớn ở Hà Nội cũng chia sẻ, đơn vị này đã sụt 600 tỷ đồng vốn huy động, chủ yếu từ những khách hàng không truyền thống. Tuy nhiên, có vẻ với các ngân hàng lớn như BIDV, Vietinbank thì diễn biến ngược lại vốn vẫn đổ vào ngân hàng”

“Đối với CTG đến hết 8 tháng/2011, tổng nguồn vốn huy động vẫn đạt mức tăng trưởng 13%, đầu tư tín dụng tăng trưởng 16%.”

– Chứng khoán: xu hướng chứng khoán chủ yếu phụ thuộc vào triển vọng kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tỷ giá và đặc biệt là các chính sách nắn dòng tiền của NHNN. Dòng tiền vào chứng khoán thường tăng lên khi triển vọng kinh tế tốt lên, thể hiện rõ nét qua khối lượng và giá trị giao dịch.

Gần đây, khi những số liệu về CPI cho thấy khả năng lạm phát đã đạt đỉnh, cùng với chính sách của NHNN đưa mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm xuống, thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. VN-Index tăng mạnh từ 380 điểm lên mức cao 475 điểm (khoảng 32%), HNX-Index tăng từ 66 điểm lên gần 80 điểm (21%). Về dòng tiền, nếu tổng giá trị giao dịch cả 2 sàn bình quân 5 phiên liên tiếp giai đoạn đầu tháng 8 chỉ dao động quanh 650 đến 750 tỷ/ phiên thì những phiên giao dịch đầu tháng 9, tổng giá trị giao dịch cả 2 sàn quanh mức 1.200 – 1.400 tỷ/phiên. Hiện nay (đến 16/9), tổng giá trị giao dịch bình quân 5 phiên đã ở mức 1.850 đến 1.950 tỷ/phiên. Điều này xảy ra đồng thời với quá trình tiền bị rút khỏi ngân hàng sau khi NHNN áp trần huy động 14%.

Trong thị trường chứng khoán, khi dòng tiền chưa đủ mạnh để cả thị trường bùng nổ,  dòng tiền thường có xu hướng chảy vào các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản tốt (hoạt động kinh doanh ổn định, tiền mặt nhiều,  vay nợ, tồn kho ít…) và tạo sóng tăng giá tại các cổ phiếu Blue chips này. Sau sóng các cổ phiếu Blue chips thường là các cổ phiếu có lịch sử làm giá (dễ thu hút dòng tiền). Tiếp đến nếu chu kỳ sóng đủ dài (phụ thuộc vào nền tảng kinh tế vĩ mô), dòng tiền có thể xoay vòng quanh các ngành, rồi đến các cổ phiếu nhỏ giá thấp…Việc nắm bắt xu hướng dịch chuyển của dòng tiền qua KL và GT giao dịch là kỹ năng rất quan trọng quyết định thắng/ thua với các nhà đầu tư.

– Vàng: giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới và tỷ giá. Ngoài ra, quyết định có đầu tư vàng hay không còn phụ thuộc mức chênh giá trong nước và thế giới, mức chênh giữa giá mua vào và bán ra của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới do các DN kinh doanh vàng cố tình neo giá ở mức cao (như hiện nay là gần 2 tr VND/lượng, tương đương 100USD) thì rủi ro cho người mua vàng là rất lớn. Dòng tiền đổ vào vàng được cho là tăng mạnh vào giai đoạn đầu tháng 8 khi giá vàng thế giới vượt mốc 1900 và giá vàng trong nước liên tục được đẩy lên cao do mất cân đối cung cầu, từ mức quanh 40 triệu lên mức cao là 48,7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, gần đây, sau khi NHNN tuyên bố cho phép nhập khẩu vàng không hạn chế số lượng, cùng với giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá thế giới gần 2 tr/lượng thì hoạt động mua bán vàng của người dân đã trầm lắng trở lại.[h1]

– BĐS: Do đặc thù yêu cầu vốn lớn nên thị trường BĐS chỉ khởi sắc khi có dấu hiệu dòng vốn lớn đổ vào, thường phụ thuộc chủ yếu vào chính sách nắn dòng tiền của NHNN. Cụ thể, ngay khi NHNN xem xét loại bỏ một số loại hình đầu tư BĐS ra khỏi lại khái niệm dư nợ phi sản xuất, nhà đầu tư đã kỳ vọng thị trường BĐS có thể khởi sắc ở một số phân khúc. Tuy nhiên, giá BĐS trước đó đã được đẩy lên cao do hoạt động đầu cơ, làm giá, nếu các chính sách mới của NHNN vẫn kiểm soát chặt dòng tiền đổ vào các hoạt động đầu cơ thì khả năng giá BĐS tăng mạnh trở lại vẫn tương đối mờ mịt đặc biệt là các phân khúc đã bắt đầu xẩy ra hiện tượng dư cung (văn phòng, căn hộ cao và trung cấp).

– Ngoại tệ: chủ yếu là USD. Tỷ giá USD/VND phụ thuộc vào độ hấp dẫn của VND (lãi suất cao), lạm phát và cán cân thanh toán tổng thể. Lãi suất VND thấp cùng với lạm phát vẫn cao sẽ tiếp tục gây áp lực mất giá lên VND. Ngoài ra, do sự mất cân đối giữa huy động và cho vay ngoại tệ, các khoản vay ngoại tệ dự kiến đáo hạn vào cuối năm sẽ khiến nhu cầu ngoại tệ tăng cao. Thêm vào đó, việc áp trần lãi suất huy động VND về 14% trong thời gian gần đây có thể là 1 trong những nguyên nhân làm giảm độ hấp dẫn của VND, khiến tỷ giá chợ đen tăng và duy trì trên mốc 21K trong 1 tuần đổ lại đây.

Tuy nhiên, phát biểu của NHNN tuyên bố sẽ giữ VND không mất giá quá 1% so với mức hiện tại (tương đương 21.040 so với trần 20.834 hiện nay) cùng thái độ kiên quyết trong việc xử lý vi phạm lãi suất cho thấy chúng ta có thể kỳ vọng NHNN hoàn toàn có thể kiềm chế bất ổn tỷ giá về cuối năm. Cùng với việc hạn chế hoạt động giao dịch chợ đen, dòng tiền đầu cơ vào ngoại tệ theo chu kỳ cuối năm có thể không tăng mạnh như các năm trước.

– SXKD + nhu cầu đầu tư, tiêu dùng khác: Khi lãi suất cao, thay vì SXKD người dân có thể ưu tiên gửi tiết kiệm. Nhưng khi LS tiết kiệm giảm, thực âm so với lạm phát thì người dân có thể cân nhắc sử dụng vốn cho các mục đích SXKD khác như xây nhà cho thuê, SXKD phục vụ dịp lễ tết…Dự kiến khi các khoản tiết kiệm lãi suất cao đáo hạn dần trong thơi gian tới, dòng tiền rút ra phục vụ các nhu cầu SXKD hay đầu tư tiêu dùng của người dân sẽ tăng lên.

B: Với Doanh nghiệp

– Gửi tiết kiệm: cũng tương tự với người dân, DN sẽ gửi tiết kiệm khi điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn, chi phí cơ hội thấp hơn việc gửi tiết kiệm ở lãi suất cao.

– Nhu cầu vốn lưu động: Trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm thấp, lãi suất đi vay vẫn cao, tình hình kinh doanh khó khăn (thể hiện ở tiền mặt giảm, tồn kho và các khoản phải thu tăng cao) thì DN có xu hướng rút tiền tiết kiệm để phục vụ nhu cầu vốn lưu động thay vì đi vay với lãi suất cao. Ngay khi có thể gửi tiết kiệm với lãi suất cao (17-19%) nhưng để đảm bảo đủ vốn để duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất đi vay quá cao (23-27% như giai đoạn tháng 5-7), DN vẫn có xu hướng rút tiền tiết kiệm để tăng cường vốn lưu động.

– Đầu tư, mở rộng SXKD: Phụ thuộc và triển vọng nền kinh tế, lợi nhuận kỳ vọng của việc mở rộng SXKD so với lãi suất đi vay. Thống kê của Vietstock với hơn 600 doanh nghiệp trên sàn vào QI/2011 cho biết ROE trung bình chỉ quanh 15,5%, từ đó cho thấy lãi suất đi vay bình quân để mở rộng SXKD phù hợp với khả năng chịu đựng của DN phải thấp hơn 15,5%. Lãi suất cao hơn mức này sẽ không khuyến khích DN mở rộng SXKD.

Tuy nhiên, khi nhu cầu về vốn phục vụ hoạt động kinh doanh theo mùa vụ tăng lên (dịp lễ tết), ROE kỳ vọng cao hơn thì DN có thể cân nhắc đi vay (lãi suất cho các đối tượng không thuộc nhóm ưu tiên vẫn khoảng 20 – 23%) hoặc rút tiền tiết kiệm về kinh doanh. Khả năng doanh nghiệp rút tiền tiết kiệm (14%) về sản xuất kinh doanh trong trường hợp này cao hơn là đi vay.

 Nhìn chung: Cũng như dòng nước có xu hướng chảy vào chỗ trũng, khi lãi suất tiết kiệm giảm từ 17-18% về 14%, dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển ra khỏi hệ thống ngân hàng để tìm kiếm các cơ hội đầu tư tốt hơn. Dòng tiền đổ vào chứng khoán, BĐS hay vàng thường tạo ra các đợt tăng giá mạnh và tạo cơ hội gặt hái lợi nhuận cho các nhà đầu tư . Ngược lại, dòng tiền rút khỏi các kênh đầu tư có thể gây ra tình trạng thị trường đóng băng, giao dịch ảm đảm trong thời gian dài. Do đó, việc dự đoán đúng hướng đi của dòng tiền sẽ phần nào giúp nhà đầu tư  tận dụng tốt cơ hội đồng thời hạn chế rủi ro với hoạt động đầu tư/đầu cơ của mình.