Triển vọng hệ thống NHVN: Quan điểm của Moody’s & phòng FI-PG Bank

Ngày 1/9/2011, Tổ chức xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới Moody’s đã công bố giữ nguyên nhận định về triển vọng phát triển của hệ thống Ngân hàng Việt Nam (NHVN) ở mức tiêu cực. Điểm đáng chú ý trong báo cáo của Moody’s là tổ chức này chỉ dựa trên nhận xét về 6/42 NHTM Việt Nam (bao gồm: BIDV, ACB, Techcombank, MB, VIB và SHB), để đưa ra nhận định cho cả hệ thống NHVN. Lí do được Moody’s sử dụng là 6 ngân hàng này chiếm tới 30% tổng tài sản của cả hệ thống Ngân hàng. Trong xác suất thống kê, mẫu 30% không phải là một con số nhỏ, tuy nhiên, phòng FI – PG Bank muốn đặt câu hỏi về tính hiệu quả đại diện của 6 ngân hàng này cho toàn bộ hệ thống NHVN. Chính vì vậy, chúng tôi đã tiến hành phân tích trên quy mô toàn bộ ngành để kiểm chứng những nhận định của Moody’s.

Nhận định về triển vọng phát triển của hệ thống NHVN ở mức tiêu cực được Moody’s đưa ra dựa trên những lo ngại về tác động của môi trường kinh doanh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mức độ an toàn vốn, khả năng thanh khoản và chất lượng tài sản của hệ thống. Ngoài ra, Moody’s cũng lo ngại lợi nhuận của hệ thống có xu hướng giảm do chi phí huy động tăng cao đồng thời tăng trưởng tín dụng bị giới hạn (20%). Moody’s cũng đặc biệt nhấn mạnh, nếu phân loại các khoản vay theo tiêu chuẩn IFRS, chi phí dự phòng của toàn hệ thống sẽ bị tăng lên nhiều lần, kéo tổng lợi nhuận sụt giảm đáng kể.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với những lo ngại của Moody’s về mức độ an toàn vốn, chất lượng tài sản, cũng như tính thanh khoản của hệ thống NHVN. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng hiệu quả kinh doanh của các NHVN đang được cải thiện trong những tháng đầu năm 2011, bất chấp những khó khăn của môi trường vĩ mô.

Về mặt an toàn vốn, chúng tôi tán đồng với quan điểm của Moody’s cho rằng mức độ an toàn vốn của hệ thống NHVN còn thấp. Theo ước tính của chúng tôi, hệ số CAR tại thời điểm cuối năm của toàn hệ thống NHVN ở mức 9,4%, hệ số Vốn cấp 1 đạt 9%. Cuối Q1/2011, mặc dù hai hệ số an toàn vốn này đã được cải thiện, tuy nhiên, vẫn ở mức dưới 10%, thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực.

Những phân tích của chúng tôi cũng khẳng định thêm lo ngại của Moody’s về chất lượng các khoản vay của các NHVN. Tăng trưởng tín dụng quá nóng trong 2 năm 2009 và 2010 (2009: 37,73%; 2010: 27,65%) là nguyên nhân chính khiến nợ xấu của hệ thống NHVN tiếp tục tăng cao trong thời gian gần đây (tỉ lệ nợ xấu cuối năm 2010: 2,06%, cuối Q1/2011: 2,11%). Cần lưu ý rằng, phân loại nợ theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) lỏng hơn nhiều so với Chuẩn mực BCTC Quốc tế (IFRS). Thêm vào đó, những số liệu về nợ xấu được công bố trên các BCTC là những số liệu đã loại trừ đi khoản nợ của Tập đoàn Tàu thủy Vinashin. Do vậy, chất lượng tín dụng thực tế của hệ thống NHVN thấp hơn nhiều so với trên báo cáo.

Đồng thời, khả năng chống đỡ trước các rủi ro có thể gặp phải trong hoạt động tín dụng của hệ thống NHVN, mặc dù đã được cải thiện tuy nhiên vẫn chưa cao (tỉ lệ (Dự phòng+VCSH)/Nợ xấu tăng từ 7,7 lần (cuối năm 2010) lên 7,9 lần (cuối Q1/2011)). Điều này càng đặc biệt nguy hiểm khi hoạt động sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu trong các NHVN là khá cao. Cụ thể, tỉ lệ Sử dụng dự phòng/Nợ xấu năm 2010 tại MB: 37%, Bắc Á: 31%, Techcombank: 24%.

Dựa trên số liệu toàn ngành, chúng tôi chia sẻ với những lo ngại của Moody’s về tình hình thanh khoản của hệ thống NHVN. Những tháng đầu năm 2011, hệ thống NHVN gặp nhiều khó khăn trong vấn đề huy động vốn, khiến tỉ lệ cấp tín dụng/Vốn huy động (LDR) của toàn ngành tăng từ 88% (năm 2010) lên 92% (cuối Q1/2011). Huy động vốn gặp khó khăn buộc các NHTM phải tìm đến nguồn thanh khoản từ NHNN. Cuối Q1/2011, tổng vay NHNN của 35/42 NHTM đạt 143 nghìn tỉ đồng, tăng so với số liệu cuối năm 2010 của toàn ngành (trên 110 nghìn tỉ đồng). Tương ứng, tỉ lệ (Cho vay – Vốn vay LNH &NHNN)/TTS đã giảm từ mức âm 3% cuối năm 2010 xuống âm 5% cuối Q1/2011, cho thấy mức độ phụ thuộc vào NHNN của các TCTD ngày càng tăng.

Riêng về mặt lợi nhuận, theo ý kiến của chúng tôi, Moody’s đã quá thận trọng khi đánh giá về triển vọng hiệu quả kinh doanh của các NHVN.

Thu nhập từ hoạt động tín dụng là nguồn thu chính, chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng lợi nhuận toàn ngành. Moody’s lo ngại trong vòng 12-18 tháng tới, hoạt động tín dụng tăng trưởng chậm, và chi phí huy động cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả của hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, số liệu của chúng tôi chỉ ra rằng KQKD của hệ thống NHVN trong những tháng đầu năm 2011 là khá khả quan. Tại thời điểm 31/3/2011, NIM toàn ngành đang ở mức 3,7%, tăng so với thời điểm cuối năm 2010 (3,2%); chênh lệch lãi suất ở mức 3,5% (2010: 3,1%). Như vậy, số liệu NIM của Moody’s đưa ra (giữ ổn định mở mức 3,2% trong 6 tháng đầu năm) là thấp hơn so với số liệu chúng tôi tổng hợp được. NIM được cải thiện trong khi chi phí huy động vốn tăng cao là do lãi suất cho vay có mức tăng bình quân cao hơn so với mức tăng tương ứng của lãi suất huy động.

Cùng với sự cải thiện trong nguồn thu từ hoạt động tín dụng, khả năng kiểm soát chi phí hoạt động của toàn bộ hệ thống NHVN cũng được nâng cao. Cụ thể, tỉ lệ Chi phí hoạt động/Thu nhập hoạt động của hệ thống đã giảm từ mức 41,7% cuối năm 2010 xuống còn 38,5% cuối Q1/2011. Đây là hai nguyên nhân chính giúp khả năng sinh lợi của toàn bộ hệ thống được tăng cường. ROA, ROE Q1/2011 lần lượt đạt 1,36% và 16,1%, tăng so với số liệu cuối năm 2010 (ROA = 1,2%, ROE = 15,24%).

Như vậy, mặc dù chỉ sử dụng số liệu của 6/42 ngân hàng, các chuyên gia của Moody’s đã có những nhận định khá xác đáng về mức độ an toàn vốn, chất lượng tài sản, cũng như tính thanh khoản của toàn bộ hệ thống NHVN. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng triển vọng lợi nhuận của NHVN là khả quan hơn so với đánh giá thận trọng của Moody’s. Mặc dù phát triển trong môi trường vĩ mô còn nhiều khó khăn, nhưng lợi nhuận các NHVN đạt được trong những tháng đầu năm 2011 vẫn rất khả quan. Chính vì vậy, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.