Biến động giá vàng và hệ lụy đến kinh tế vĩ mô

Photobucket
(Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang được nới rộng – Nguồn: PG Bank Research)

Trong những ngày gần đây, giá vàng thế giới liên tục giảm, mức chênh lệch giữa giá thế giới và trong nước cũng như giá mua vào bán ra được liên tục được nới rộng. Vấn đề này được đại diện các doanh nghiệp lý giải do cầu tăng mạnh khi giá thế giới giảm khiến nguồn cung trong nước không đáp ứng kịp. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra, với đặc điểm thị trường chỉ có 1 vài doanh nghiệp chiếm phần lớn thị phần, việc bắt tay, thỏa thuận giá với nhau nhằm đẩy giá vàng lên cao là khá dễ dàng. Thị trường gần như là sân chơi của 1 vài người bán nên hiện tượng thao túng giá vàng không mới, dư luận bức xúc từ lâu song SBV vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể nào.

Đọc tiếp »

Những chuyển biến tích cực trên thị trường tiền tệ

Huy động vốn:

Chấp hành Chỉ thị 02 của NHNN, tính đến đầu tuần trước, 34/42 NHTM đã có văn bản chỉ đạo nội về việc thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động. Quyết tâm hạ lãi suất của NHNN cũng được thể hiện thông qua viêc xử lý nghiêm trường hợp của DongABank và Agribank. Theo đó, thị trường lãi suất tuần qua khá sôi động khi hàng loạt NH công bố đưa lãi suất về 14%, có NH đẩy lãi suất không kỳ hạn (1 ngày) lên tới 14%, ngoài ra, Techcombank, KienLongBank và SeABank có động thái tăng lãi suất nhưng chỉ tăng với 1 số kỳ hạn dưới 12 tháng và mức tăng cao nhất cũng chỉ lên đến trần 14%.

Theo đó, lãi suất huy động dường như đã về đúng mức mà NHNN mong muốn. Việc áp dụng lãi suất 14% đã khiến hàng loạt các NHTMCP nhỏ đã bị rút vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng do khách hàng tái cơ cấu tiền gửi, tập trung tiền vào những ngân hàng có uy tín lớn hơn. Như vậy, mặc dù đường cong lãi suất vẫn còn khá căng thẳng khi khách hàng gửi tiền dù là kỳ hạn 1 ngày hay 12 tháng đều được hưởng mức chung 14%/năm thì tín hiệu tích cực ở đây là khi lãi suất ở mọi ngân hàng đều bằng nhau, khách hàng đã bắt đầu quan tâm đến uy tín, rủi ro khi lựa chọn ngân hàng để gửi tiền.

Ngoài ra, trước đây khi lãi suất huy động được đẩy lên cao khiến phát sinh nhu cầu ủy thác đầu tư của NH, nhu cầu gửi tiền hưởng lãi suất thay vì tiêu dùng hoặc đầu tư khác của người dân, đồng thời, các DN có tiền mặt có thể lợi dụng cơ hội để gửi tiền hưởng lãi suất cao thay vì đầu tư sản xuất kinh doanh. Theo đó, khi lãi suất được đưa về mức thấp như hiện tại, việc rút tiền phục vụ các mục đích bị trì hoãn trước đây của người dân, DN, NH tất yếu xảy ra, con số huy động vốn sẽ trở nên thực chất hơn, đồng thời giúp giảm chi phí xã hội nói chung do cuộc đua lãi suất gây ra.

Cho vay:

Cùng với việc đồng loạt hạ lãi suất huy động, hàng loạt ngân hàng đã thông báo về việc cung những gói vốn lãi suất 17-19% phục vụ sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, 1 số trường hợp đặc biệt có thể hưởng lãi suất thấp hơn. Điển hình là VCB 3000 tỷ đồng, BIDV 10.000 tỷ đồng, SHB 3.800 tỷ đồng, Eximbank 4.000 tỷ đồng, Sacombank 2.000 tỷ đồng, NamABank 50 triệu USD và 500 – 1.000 tỷ đồng, ABBank 1.000 tỷ đồng,…

Như vậy, với khối lượng tín dụng giá rẻ cung ra thị trường lên tới khoảng 40 nghìn tỷ đồng này sẽ giúp dòng vốn tích cực đổ vào kênh sản xuất kinh doanh vốn liên tục khát vốn từ đầu năm tới nay. Đồng thời, cùng với việc lãi suất huy động đầu vào thấp đang trung hòa dần chi phí vốn bình quân của ngân hàng, lãi suất cho vay tiêu dùng cũng được kỳ vọng sẽ giảm trong thời gian tới. Tín hiệu tích cực cũng đến từ lĩnh vực bất động sản khi NHNN quyết định phân loại đối tượng để mở cửa cho vay với lĩnh vực này. Song song với NHNN, Bộ Xây dựng cũng họp bàn đưa ra 3 giải pháp để giúp phát triển thị trường bất động sản gồm tăng cường quản lý liên ngành, kiểm soát nguồn vốn và tăng tỷ lệ xây dựng nhà chung cư. Theo đó, mặc dù chưa có nhiều cơ sở để cho rằng thị trường này sẽ khôi phục trở lại song những điều chỉnh thích hợp từ cơ quan quản lý hiện nay đang đóng góp tích cực giúp chặn đà suy thoái của thị trường bất động sản.

Liên ngân hàng:

Thông tin về việc thành lập nhóm G12+1 gồm 12 NHTM lớn nhất và NHNN nhằm nâng cao tính tương tác với thị trường, tăng cường tái cấp vốn cho Vietinbank và Agribank, đồng thời NHNN tuyên bố sẽ tái cấp vốn, hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn, mở rộng kênh OMO nếu cầu vốn làm lãi suất tăng được cho là sẽ có ảnh hưởng tích cực nhất định đến thị trường.

Biểu hiện đầu tiên thể hiện ở 2 phiên OMO cuối tuần khi khối lượng dự thầu thấp hơn khối lượng NHNN chào nguồn. Theo đó, có thể đánh giá tình hình thanh khoản của những NH nắm giữ nhiều giấy tờ có giá hiện đang ở mức khá tốt.

Thêm vào đó, mặc dù nhiều NH bị sụt giảm mạnh tiền gửi song lãi suất trên thị trường LNH thường xuyên giảm hoặc duy trì ổn định trong suốt tuần. Điều này có thể được giải thích do hiện tại toàn hệ thống đang dư thừa tiền gửi VND nên việc tiền gửi sụt giảm sẽ chưa ảnh hưởng đến lãi suất LNH ngay lập tức. Tuy nhiên, khi tình trạng này kéo dài, tất yếu sẽ xuất hiện những NH thiếu thanh khoản kéo theo nguy cơ tăng lãi suất LNH. Tuyên bố trên của NHNN được cho là sẽ giúp nhiều NH yên tâm phần nào về tình hình thanh khoản trong tương lai.

Tuy nhiên, đối với riêng thị trường LNH, những chuyển biến tích cực này có thể chỉ trong ngắn hạn. Việc các NH yên tâm về thanh khoản khi có NHNN đứng sau là có thật. Tuy nhiên, tái cấp vốn cho những NH nhỏ thường đi kèm điều kiện ràng buộc (kiểm soát hoạt động, bị sở hữu,…), theo đó, một mặt NHNN sẵn sàng tái cấp vốn, một mặt những NH nhỏ cũng sẽ cân nhắc có nhận nguồn tái cấp vốn đó của NHNN hay không. Theo đó, khi những NH nhỏ đối mặt với việc thiếu thanh khoản, nguy cơ lãi suất LNH tăng theo là khá cao.

Lãi suất có là lời giải cho bài toán lạm phát?

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, các chính sách ổn định vĩ mô thường chạy theo sau diễn biến của nền kinh tế như một quy luật ngược kiểu “thuyền lên, nước lên”, một khi lạm phát tăng (giảm), lãi suất cũng sẽ tăng (giảm) theo bởi: một là, thực chất, lãi suất cũng chỉ là một loại giá: giá vốn vay, trong điều kiện lạm phát, mọi giá đều tăng, cho nên giá vốn vay (hay lãi suất) có tăng cũng là điều hợp lẽ, và hai là, chủ động hơn, dùng hệ quả tăng (giảm) lãi suất để điều chỉnh lại con thuyền lạm phát đi đúng hướng.

Trên lý thuyết, để giảm lạm phát các nhà hoạch định chính sách tiền tệ phải nâng lãi suất để hút bớt tiền trong lưu thông, tăng tiết kiệm giảm chi tiêu qua đó giảm cầu hàng hóa, hạ nhiệt giá tiêu dùng. Điều này đã được ứng dụng thành công trong những năm 1988 về trước, chính sách lãi suất “lướt sóng” 13%/tháng đã giúp NHNN giải quyết thành công nạn lạm phát phi mã 774%.

Tuy nhiên hiện nay, NHNN lại đang làm điều ngược lại, hạ lãi suất để kiềm chế lạm phát. Vậy, NHNN đã dựa vào nguyên lý nào để giải phương trình hai vế này mà không phải hi sinh lợi ích nào? Và liệu giải pháp này có đi đúng hướng?

Thứ nhất, công thức cổ điển “lãi suất cao chống lạm phát cao” được hình thành từ thực nghiệm tại các nước phương Tây, nhưng mặt bằng lãi suất và lạm phát tại các quốc gia đó thường ở mức rất thấp và do vậy mặt bằng lãi suất tăng thêm một chút không dẫn tới việc các doanh nghiệp phải rời bỏ sản xuất. Nhưng tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất đã ở mức quá cao, nếu áp dụng công thức sách giáo khoa nêu trên thì nguy cơ lạm phát do cầu kéo trở thành lạm phát chi phí đẩy là hiện hữu. Hơn nữa, việc cho vay cá nhân thường chiếm tỷ trọng cao so với cho vay doanh nghiệp tại các quốc gia phương Tây trong khi tại Việt Nam thì ngược lại.

Thứ hai, NHNN một mặt giảm lãi suất, mặt khác chỉ đạo hướng dòng vốn giá rẻ vào lĩnh vực sản xuất để cứu vớt, thúc đẩy và cải thiện cái sự sản xuất èo uột của các doanh nghiệp vốn là nạn nhân do lãi suất cao trước đây từ đó tăng cung hàng hóa, cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, NHNN cũng đang cố gắng tạo niềm tin cho người dân về sự phát triển, ổn định sản xuất để đạt mục tiêu giảm lạm phát kì vọng và thay đổi tâm lý lãi suất thực dương. Thông thường, lãi suất tiết kiệm phải cao hơn lạm phát thì mới thu hút được người gửi tiền vào ngân hàng, tuy nhiên, lãi suất thực dương chỉ đứng về người gửi tiền mà trong nhiều trường hợp không tạo ra sự chia sẻ gánh nặng chi phí tài chính giữa người đi vay và người cho vay. Do đó, việc xem xét lại tiêu chí lãi suất thực dương sẽ tạo tiền đề cho sự giảm lãi suất xuống mặt bằng thấp hơn sau này.

Và thực tế, NHNH đã thực hiện được quyết tâm đưa lãi suất dần về mức 17%-19%, gây dựng niềm tin trên cả lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, kết quả song song là, thị trường chứng khoán từ đầu tháng 9 được tiếp sức mạnh mẽ về thanh khoản, thị trường bất động sản le lói hi vọng được khơi thông nguồn vốn, thị trường giá cả hàng hóa cũng hạ nhiệt đem lại hỉ hê cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, bản thân tôi cho rằng, mục tiêu hạ cơn sốt CPI này chỉ đạt hiệu quả trong ngắn hạn bởi không dễ gì tìm ra điểm cung cầu gặp nhau. Với Thông tư 22 và sự quyết liệt từ Chỉ thị 02 của NHNN, các NHTM đã dồi dào vốn cho vay hơn trước để cam kết thực hiện trần huy động 14% và đạt đồng thuận cao trên con đường giảm lãi suất. Chưa được kiểm chứng, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đã được ưu tiên mức vốn vay khá thấp này. Thế nhưng, NHNN lại không áp tỷ lệ hạn mức, lãi suất vay cho các lĩnh vực phi sản xuất mà để cho các ngân hàng và doanh nghiệp tự thỏa thuận. Liệu có không, sẽ có lượng lớn vốn lớn hơn chảy vào lĩnh vực phi sản xuất khi mà chỉ cần cho vay ở mức lãi suất 20% các NHTM đã có lãi? Liệu rằng nhiều NHTM sẽ chịu lỗ để cho vay với lãi suất 17% trong khi vẫn còn tồn đọng vốn huy động trên 18% từ cuộc đua lãi suất trước đây? Lẽ tự nhiên, về lâu dài, khi cung tiền tăng, dòng vốn sẽ được đưa vào lưu thông một cách không chọn lọc, sản xuất hàng hóa sẽ diễn ra ồ ạt trong khi sức cầu không thay đổi nhiều. Hơn nữa, lạm phát tại Việt Nam không chỉ có lạm phát do cầu kéo, chi phí đẩy mà còn là sự kết hợp của lạm phát do cơ cấu, lạm phát do nhập khẩu…. Chưa biết chừng với việc giảm lãi suất, nền kinh tế vốn nhiều bất ổn lại cõng thêm lạm phát tiền tệ.

Đáng quan tâm hơn, vào giai đoạn cuối năm, giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng khó tránh khỏi xu hướng nhích lên từng ngày. Thật khó khăn để với một chính sách tiền tệ chủ động mà công cụ chủ yếu là lãi suất có thể kéo được lạm phát đi xuống.

Vì vậy và có lẽ, lãi suất sẽ không là lời giải hoàn chỉnh cho bài toán giảm lạm phát kia.

(THẢO LUẬN) Diễn biến thị trường tiền tệ sau khi áp dụng Chỉ thị 02

Ngày 07/09, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về việc yêu cầu các TCTD chấp hành đúng quy định về trần lãi suất đối với VND (14%) và USD (2%), tự phát hiện, phát hiện các đơn vị vi phạm báo cáo về NHNN, đồng thời đưa ra 3 biện pháp xử lý khá mạnh tay với TCTD vi phạm.

Ngày 08/09, NHNN cho biết đã có 34/42 NHTM ban hành văn bản chỉ đạo nội bộ về việc chấp hành Chỉ thị trên của NHNN, tuy nhiên cơ quan này không nêu tên 8 ngân hàng còn lại mà theo chúng tôi, những ngân hàng này có thể gặp khó khăn về cạnh tranh huy động vốn và thanh khoản.

Theo nguồn tin của chúng tôi, thông qua đường dây nóng, NHNN đã phát hiện một số ngân hàng vẫn tiếp tục huy động với lãi suất ở mức 17,5-19% và sẽ sớm có biện pháp xử lý đối với những ngân hàng này.

Như vậy, việc NHNN đưa ra văn bản nên rõ các hình thức xử lý đối với việc vi phạm trần lãi suất huy động đã giúp loại bỏ mạnh mẽ những hoạt động thỏa thuận ngầm lãi suất với khách hàng vốn diễn ra khá phổ biến trên thị trường huy động dân cư và doanh nghiệp thời gian qua. Đồng thời, việc này cũng giúp lộ rõ những TCTD yếu kém về thanh khoản vốn là nguyên nhân đẩy lãi suất huy động lên cao.

Mọi người cho ý kiến thảo luận về diễn biến thị trường tiền tệ (lãi suất huy động, lãi suất cho vay, tín dụng, huy động) trong thời gian tới nhé!

Đánh giá khả năng giảm lãi suất cho vay về mức 17%-19% của NHNN

Đây là trích đoạn trong báo cáo nội bộ nhằm đưa ra các khuyến nghị phục vụ hoạt động kinh doanh của riêng ngân hàng PG Bank. Một số thông tin nhạy cảm đã được chúng tôi lược bớt.

Thống đốc NHNN vừa có bài phát biểu thể hiện quyết tâm đưa mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay xuống mức 17%-19% vào tháng 9 thông qua việc sửa đổi một số quy định bất cập hiện hành. Phòng Phân tích – PG Bank có một số nhận định ban đầu như sau:

Việc đưa lãi suất cho vay về mức 17-19% vào tháng 9 là khá khó khăn do sẽ gặp một số rào cản:

–      Trong thời gian từ cuối quý 2 đến nay, nhiều ngân hàng đã chạy đua huy động với lãi suất cao, có thời điểm lên tới 18,5%-19%. Tuy nhiên, trong khi huy động vẫn tăng thì dư nợ tín dụng có xu hướng giảm khiến ngân hàng đang tồn đọng một lượng vốn giá cao khá lớn mà vẫn chưa tìm được đầu ra. Số liệu tính đến 20/07 cho thấy trong khi huy động VND tăng 0,51% so với tháng trước thì tín dụng VND giảm 0,88%, trong khi đó, khó khăn trong khâu huy động cũng khiến dư nợ tín dụng ngoại tệ cũng tăng chậm lại. Theo đó, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ kéo dài thời gian giảm lãi suất cho vay để hạn chế thua lỗ (huy động vào 18,5 – 19% với các kỳ hạn 1-3 tháng khiến trung bình lãi suất huy động ở mức cao, cho vay ra 17-19% sẽ khó thực hiện được).

–      Trong bài phát biểu của mình, Thống đốc NHNN có nhắc tới khả năng sửa đổi các quy định cho phép liên thông vốn giữa thị trường 1 và thị trường 2 để giúp lượng vốn giá rẻ từ thị trường 2 trung hòa lãi suất trên thị trường 1. Tuy nhiên, theo quan sát thực tế giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, khối lượng giao dịch LNH chủ yếu diễn ra tại các kỳ hạn ngắn qua đêm và 1 tuần, các giao dịch diễn ra với kỳ hạn dài rất ít.

Do đó, ngay cả khi Thông tư 13/19 được sửa đổi theo hướng cho phép sử dụng vốn vay thị trường 2 kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng để tài trợ cho hoạt động cho vay trên thị trường 1 thì khối lượng vốn có thể chảy sang thị trường 1 cũng khá hạn chế, lại bị rằng buộc bởi quy định chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn (Thông Tư 15/2009) nên mức giảm lãi suất sẽ không nhiều. Theo ước tính của chúng tôi, nếu mặt bằng vốn huy động LNH với các kỳ hạn từ 1-3 tháng hiện tại khoảng 14,8% đến 16% và giả sử tỷ lệ huy động từ TT2 của các ngân hàng hiện đang chiếm khoảng 30% tổng nguồn vốn ngắn hạn, thì khi tỷ lệ vốn huy động từ LNH trong tổng nguồn vốn ngắn hạn tăng lên tới 70% (một mức rất rủi ro), mặt bằng lãi suất huy động cũng chỉ giảm khoảng 1%.

–      Để lãi suất cho vay trên thị trường 1 có thể giảm về mức 17-19% thì lãi suất huy động phải giảm về mức 14-16% để đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng. Với mức lạm phát kỳ vọng cho cả năm 2011 ở 17,5%, khả năng lãi suất huy động có thể giảm về mức 14% là tương đối khó. Tuy nhiên, việc tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền quyết tâm hạ mặt bằng lãi suất vừa qua, NHNN đang tạo niềm tin cho người dân về khả năng có thể giảm lãi suất thực sự. Theo quan điểm của chúng tôi, khi lạm phát những tháng đầu năm 2012 được kỳ vọng giảm về mức 14-15%, lãi suất huy động cuối năm có thể sẽ giảm về mức 15-16% (không quá thấp so với lạm phát khoảng 17,5%), mức lãi suất có thể thu hút được người gửi tiền, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức lãi suất huy động thực tế 17-18% hiện nay.

–      Tóm lại, theo đánh giá của phòng Phân tích – PG Bank, khả năng giảm lãi suất cho vay về 17-19% ngay trong tháng 9 gặp khá nhiều khó khăn. Chúng tôi cho rằng lãi suất huy động sẽ chỉ giảm khoảng 1-1,5% vào tháng 9 (tức là từ mức cao 18% hiện tại xuống còn 16,5 -17%). Lãi suất huy động cuối năm khi kỳ vọng lạm phát giảm rõ rệt có thể giảm về quanh 15-16%, ứng với lãi suất cho vay khoảng 18-19%.

Bên cạnh đó, theo phát biểu của Thống đốc, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện đang ở mức khá thấp. Nguyên nhân là do thời gian qua, NHNN đã liên tục mua vào ngoại tệ, qua đó bơm VND cũng như thực hiện tái cấp vốn giúp tình hình thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện. Gần đây, khi tỷ giá có xu hướng tăng, việc mua vào ngoại tệ của NHNN có thể gặp nhiều khó khăn hơn (do tỷ giá mua vào của Sở giao dịch NHNN thấp hơn tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại) khiến lượng VND bơm ra giảm sút. Theo đó, trong thời gian tới nếu chỉ sửa đổi các quy định theo hướng cho phép liên thông vốn giữa 2 thị trường mà không có giải pháp tăng cung tiền khác, cầu vốn trên thị trường 2 tăng sẽ khiến lãi suất LNH tăng lên.

NHNN sửa TT13-19, lãi suất sẽ giảm?

Phát biểu mới đây của Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho thấy NHNN đã nhận thức rõ ràng những bất cập trong việc thiếu sự liên thông giữa thị trường 1 và thị trường 2:

 

“Có tổ chức tín dụng đang thừa vốn, nhưng đã sử dụng hết hạn mức. Có ngân hàng còn room cho vay, lại thiếu vốn. Có ngân hàng còn vốn, còn hạn mức nhưng không muốn cho vay thêm vì thấy rủi ro quá. Những ngân hàng còn hạn mức, thiếu vốn, muốn tăng trưởng tín dụng cũng không dễ vì huy động từ dân cư phải trả lãi suất cao để cạnh tranh, vay liên ngân hàng thì bị vướng các quy định của NHNN. Với những quy định hiện nay, vốn đang nơi thừa nơi thiếu và không điều hòa được. Tới đây nhiệm vụ của chúng tôi là đưa ra các biện pháp trung hòa lượng tiền này.” http://cafef.vn/2011081812050398CA34/thong-doc-nhnn-thong-tu-13-va-19-nhat-dinh-se-phai-sua-doi.chn

 

Nghịch lý hiện nay là thanh khoản trên thị trường LNH đối với VND đang rất dồi dào, lãi suất các kỳ hạn ở mức khá thấp (ON: 12,5%, 1w-1m: 13,7%-15%) trong khi lãi suất huy động từ dân cư và doanh nghiệp vẫn đang ở mức cao khoảng 17%-18%.

 

Nguyên nhân của việc thiếu sự liên thông vốn giữa 2 thị trường do quy định chỉ được phép sử dụng những khoản tiền có kỳ hạn còn lại từ 3 tháng trở lên trên thị trường 2 để cho vay thị trường 1. Trong khi khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng chỉ chủ yếu diễn ra đối với các kỳ hạn ngắn (ON, 1W), các kỳ hạn dài rất ít giao dịch. Theo đó, lượng vốn giá rẻ trên thị trường 2 chảy vào thị trường 1 không đủ để hạ nhiệt lãi suất.

 

Với việc khẳng định sẽ sửa đổi Thông tư 13, 19, nhiều khả năng quy định giới hạn về các khoản tiền trên thị trường 2 được phép cho vay trên thị trường 1 sẽ được nới lỏng (ie: giảm kỳ hạn từ 3 tháng xuống 1 tháng). Như vậy, với việc tăng cường dòng vốn giá rẻ từ thị trường 2 sang hỗ trợ thị trường 1, các ngân hàng thương mại sẽ có điều kiện giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh tín dụng VND. Thêm vào đó, khi mặt bằng lãi suất cho vay hạ do ngân hàng có được đầu vào lãi suất thấp, lãi suất huy động thị trường 1 sẽ giảm từ từ. Khi đó, theo như Thống đốc, với lãi suất huy động 14% thì lãi suất cho vay hợp lý phải ở mức 17-19%, thấp hơn nhiều mức 22-23% hiện nay.

 

Trong điều kiện lãi suất đã có cơ sở để giảm, NHNN có thể đẩy nhanh quá trình giảm mặt bằng lãi suất này thông qua 1 số quy định hành chính. Tuy nhiên, với quan điểm hạn chế sử dụng biện pháp mang tính hành chính được Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố ngay khi mới nhận chức, các biện pháp bắt buộc hạ mặt bằng lãi suất có thể chỉ mang tính thời điểm.