Lo ngại về sự lây lan “Hội chứng Hy Lạp” và khó khăn trong việc nâng quy mô EFSF

Ngày 27/10, Hội nghị thượng đỉnh EU đã thống nhất một loạt các giải pháp nhằm đối phó với tình trạng căng thẳng trên thị trường tài chính và phục hồi niềm tin của thị trường:

  • Thứ nhất, các nhà đầu tư tư nhân chấp nhận xóa 50% các khoản nợ cho Hy Lạp. Ngoài ra, EU cũng thống nhất chương trình hỗ trợ mới của EU-IMF tài trợ khoảng 100 tỷ EUR cho Hy Lạp sẽ được triển khai vào cuối 2011.
  • Thứ hai, Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) sẽ được nâng từ 440 tỷ EUR lên 1.000 tỷ EUR, tương đương tăng 4 lần so với khoản tiền còn lại là 290 tỷ EUR (do quỹ đã trích một phần cứu trợ Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha trước đó). Giới chức Châu Âu đưa ra 2 phương án cho việc nâng quỹ: Một là dựa vào đóng góp của các nước trong Eurozone. Hai là thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài. Đọc tiếp »

Quỹ Bình ổn Tài chính Khu vực Châu Âu (EFSF)

Tờ Guardian của Anh ngày 18/10 đưa tin 2 nền kinh tế lớn nhất Khu vực Đồng tiền chung Châu Âu là Đức và Pháp đã nhất trí tăng Quỹ Bình ổn Tài chính Khu vực Châu Âu (EFSF) lên gấp 5 lần khi tăng từ mức 440 tỷ EUR lên 2 nghìn tỷ EUR. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông tin không chính thức. Liệu quỹ này có được nâng lên mức này không vẫn còn là một câu hỏi lớn đối với cả thế giới. Tuy nhiên, thậm chí nếu tăng quy mô quỹ này lên mức 2 nghìn tỷ, thì theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế quỹ này cũng chỉ đáp ứng nhu cầu trong khoảng thời gian ngắn.

Đọc tiếp »

Cập nhật tình hình cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu

Dexia chính thức trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu

Đầu tháng 10/2011, ngân hàng Dexia – ngân hàng liên doanh của 3 nước Pháp, Bỉ và Luxembourg thuộc top 50 ngân hàng lớn nhất thế giới đã chính thức cần đến sự giúp đỡ để tránh rơi vào tình trạng phá sản. Dư luận báo chí các nước Châu Âu cho rằng sự sụp đổ của Dexia là mốc quan trọng đánh dấu ngành ngân hàng Châu Âu có nguy cơ bị sụp đổ giống như “Kịch bản Lehman Brothers” ở Mỹ năm 2008.

Đọc tiếp »

Xung quanh việc biểu tình Phố Wall

Tính đến ngày 4/10, những cuộc biểu tình phản đối tại nước Mỹ đã bước sang ngày thứ 18. Những người biểu tình trên khắp nước Mỹ lên án giới ngân hàng, thủ phạm của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009.

Đọc tiếp »

Toàn cảnh về khủng hoảng nợ công Hy Lạp

Nợ công Hy Lạp – vượt quá tầm kiểm soát

Sự yếu kém trong quản lý công khiến nợ công quá cao là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng nợ  Hy Lạp

Cho đến nay, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã kéo dài gần 3 năm,  các nỗ lực cứu trợ cũng như các chương trình thắt lưng buộc bụng của các Chính phủ vẫn không ngừng được  đưa ra nhưng tình hình thậm chí ngày càng xấu đi. Trong cuộc khủng hoảng này,  Hy Lạp là cái tên được người ta nhắc đến nhiều nhất.

Đọc tiếp »

[Thảo luận] – Đánh giá những tác động đối với Việt Nam nếu khủng hoảng lần thứ 2 xảy ra

Gần đây người ta nói nhiều đến nguy cơ xảy ra khủng hoảng kép. Có thể nhiều người  nói còn quá sớm để nói về một cuộc suy thoái mới, một cuộc khủng hoảng mới của nước Mỹ. Nhưng hãy thử bi quan một chút, thử “tưởng tượng” nếu khủng hoảng lần 2 tại Mỹ xẩy ra đồng thời với khủng hoảng nợ công tại Châu Âu, Việt Nam sẽ chịu những tác động gì? Dưới đây tôi liệt kê một vài ảnh hưởng của khủng hoảng nếu xẩy ra tới Việt Nam.

Ảnh hưởng đầu tiên và ngay tức khắc có thể nhìn thấy được là cầu từ Mỹ đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm mạnh. Mỹ vốn là đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam với mức đóng góp khoảng 17 – 20 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta (2006 – nay). Biểu đồ dưới đây cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm từ mức 62,9 tỷ USD xuống mức 56,6 tỷ USD, tương đương giảm 10% năm 2009 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ. Trong đó, giá trị hàng hóa xuất khẩu tới Mỹ trong cùng kỳ cũng giảm 1,6 tỷ USD.
Photobucket

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Có thể lấy 2 ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt nam là thủy sản và dệt may làm ví dụ. Hai ngành này hàng năm có đóng góp đáng kể cho GDP. Đối với 2 ngành này, Mỹ đều là đối xuất khẩu số 1 hoặc số 2 của Việt Nam. Nếu Mỹ rơi vào khủng hoảng lần 2, có thể khẳng định rằng kim ngạch xuất khẩu 2 mặt hàng này của Việt Nam sẽ giảm sút. Cụ thể, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năm 2009 giá trị do ngành thủy sản Việt Nam mang về cùng kỳ chỉ khoảng 4,25 tỷ USD, giảm 5,74% so với năm 2008 còn giá trị xuất khẩu của ngành dệt may năm 2009 cũng giảm tới 10% so với 2008. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể gặp không ít khó khăn nếu khủng hoảng xảy ra. Ngoài ra, xuất khẩu giảm sút cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường lao động khi doanh nghiệp xuất khẩu thu hẹp hoạt động, dẫn tới giảm một lượng lớn lao động.
Ngoài ra, khi khủng hoảng xẩy ra cung đối với các mặt hàng nhập khẩu sẽ tăng do các nhà sản xuất bị giảm thị trường ở Mỹ, Châu Âu và các nước phát triển sẽ tìm cách mở rộng các thị trường khác. Như vậy, khả năng xuất khẩu bị giảm mạnh là rất cao trong khi nhập khẩu nếu có giảm cũng sẽ giảm ít hơn so với xuất khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cán cân thương mại của Việt Nam.
Thứ hai, sụt giảm đầu tư do sự giảm sút của dòng vốn từ bên ngoài chảy vào. Nhìn vào số liệu qua khứ sẽ thấy dòng vốn từ bên ngoài gồm: vốn đầu tư trực tiếp, vốn đầu tư gián tiếp, vay nợ và kiều hối chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư của Việt Nam. Nếu khủng hoảng lần 2 tại Mỹ xảy ra, chi phí vốn trở nên đắt đỏ hơn và thị trường xuất khẩu có khả năng bị thu hẹp nên dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam có khả năng sẽ giảm sút. Ngoài ra, lượng kiều hối về Việt Nam có doanh số khoảng 8-10 tỷ USD/năm là một nguồn thu rất quan trọng của Việt Nam trong đó lượng kiều hối từ Mỹ chiếm giá trị lớn cho nên nếu khủng hoảng xẩy ra chắc chắn nguồn này cũng giảm sút nhất định.
Thứ ba, khi sản xuất bị thu hẹp, một số người có khả năng mất việc làm, hoặc thu nhập bị giảm sút cộng với dòng kiều hối chảy vào sụt giảm sẽ kéo theo sụt giảm trong tiêu dùng của các hộ gia đình.
Như vậy với khả năng giảm chi tiêu, đầu tư và xuất khẩu trong khi nhập khẩu tăng hoặc giảm chậm hơn sẽ tác động làm cho GDP sụt giảm.

Trung Quốc được lợi gì khi hỗ trợ Châu Âu trong khủng hoảng nợ công?

Hiện nay, Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng trầm trọng khi số lượng các quốc gia chính thức cần đến sự trợ giúp từ IMF và Liên minh Châu Âu (EU) ngày càng tăng. Trái phiếu của các chính phủ Hi Lạp, Bồ Đào Nha, Ý đưa ra những mức lãi suất cao nhưng vẫn rất khó tìm người mua. Thậm chí, tại Đức – nền kinh tế lớn nhất thuộc EU cũng có những luồng ý kiến trái ngược về việc Đức cứu trợ các quốc gia thuộc EU khác vượt qua khủng hoảng. Hi Lạp, Bồ Đào Nha, Ý .. đang rất hy vọng, chờ mong các nguồn cứu trợ để thúc đẩy kinh tế hồi phục và để tránh vỡ nợ. Vừa qua, thủ tướng Trung Quốc đã có bài phát biểu khẳng định Trung Quốc sẽ “góp một tay” giúp EU vượt qua cuộc khủng hoảng bằng cách tăng cường đầu tư vào khu vực này. Điều này khiến người ta đặt ra câu hỏi, Trung Quốc được lợi gì nếu hỗ trợ EU thoát khỏi khủng hoảng nợ công?

Với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Châu Âu chiếm 19% (năm 2009) và 22% (năm 2010) tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, Châu Âu hiện đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc trên thế giới. Rõ ràng, một khu vực Châu Âu thịnh vượng, phát triển bền vững có ảnh hưởng tích cực tới hoạt động thương mại của Trung Quốc hơn là một Châu Âu nghèo nàn, đổ vỡ. Có chuyên gia kinh tế đã nói việc Trung Quốc giúp đỡ Châu Âu trong cuộc khủng hoảng cũng giống như Trung Quốc đang giúp đỡ chính mình.

Trung Quốc chính thức gia nhập WTO năm 2001. WTO cho biết đến năm 2016 sẽ công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường hoàn toàn (full market economy). Đến nay, Liên minh Châu Âu (EU) vẫn chỉ coi Trung Quốc là một nền kinh tế phi thị trường (non – market economy) khiến Trung Quốc gặp không ít khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa sang khu vực này. Cùng với Việt Nam, Trung Quốc nằm trong top 2 đất nước thường xuyên “được” EU tiến hành hoạt động điều tra chống bán phá giá. Theo một cuộc nghiên cứu được tiến hành bởi Cơ quan Thương mại Quốc gia Thụy Điển tiến hành năm 2006, Trung Quốc là quốc gia mà EU tiến hành điều tra chống bán phá thường xuyên nhất. Cũng theo nghiên cứu này, các công ty từ các nền kinh tế phi thị trường trung bình phải nộp 28% thuế chống bán phá giá cao hơn so với các công ty của các nền kinh tế thị trường. Tại cuộc họp diễn ra trong khuôn khổ Diễn dàn Kinh tế thế giới từ ngày 14-16/9/2011, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã có bài phát biểu khẳng định Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư tại Châu Âu nhằm giúp khu vực này vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công. Đồng thời, ông này cũng không quên tận dụng cơ hội này thúc giục EU công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường trước 2016, điều này sẽ giúp hàng hóa Trung Quốc được “đối xử” tốt hơn nếu tranh chấp thương mại xảy ra. Chúng tôi cho rằng Trung Quốc thực sự khôn ngoan khi đưa ra thông điệp vào thời điểm này.

Trung Quốc vốn không được thế giới đánh giá cao trong việc duy trì chính sách đồng nhân dân tệ yếu nhằm kích thích xuất khẩu. Mỹ liên tục chỉ trích chính sách này của Trung Quốc và cho rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc hưởng lợi thế một cách bất bình đẳng. Và cũng chính đồng NDT yếu giúp Bắc Kinh tích lũy được một lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ. Vì vậy, với việc tuyến bố sẽ ra tay giúp đỡ Châu Âu trong cuộc khủng hoảng nợ công, dư luận quốc tế có thể thay đổi hình ảnh một Trung Quốc “ích kỷ” “chơi ăn gian” trên sân chơi toàn cầu bằng hình ảnh một đất nước có những đóng góp đáng kể trong công cuộc bình ổn tình hình kinh tế thế giới? Có thể có, có thể không. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ít nhất với những tuyên bố về vấn đề nợ công thời gian gần đây, có thể EU sẽ bớt gay gắt hơn trong việc phản đối chính sách duy trì đồng NDT yếu của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là quốc gia có dự trữ bằng USD lớn nhất. Theo một báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered vào cuối tháng 6/2011, Trung Quốc đang giảm lượng tài sản mua từ Mỹ. Nguyên nhân được đưa ra là đồng USD đang mất giá còn lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đang ở mức thấp kỷ lục, thêm nữa Trung Quốc cần đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối của mình sang các đồng tiền được sử dụng rộng rãi khác. Mặc dù Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công, nhưng đồng Euro của khu vực này vẫn được cho là đồng tiền có độ phổ biến rộng rãi chỉ sau đồng USD của Mỹ. Vì vậy, việc tăng cường đầu tư vào Châu Âu được coi là một cách giúp vừa giúp Trung Quốc đa dạng nguồn ngoại hối của mình vừa tận dụng được cơ hội đầu tư với lợi suất cao (nhưng cũng đi kèm rủi ro cao).

20 câu nói của các nhà lãnh đạo Châu Âu thừa nhận hệ thống tài chính khu vực đứng trước nguy cơ sụp đổ

Cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu ngày càng trở nên nghiêm trọng khiến người ta nghi ngờ vào tương lai của đồng Euro cũng như tương lai của Liên minh Châu Âu. Châu Âu là nền kinh tế lớn, có dân số lớn hơn và nhiều công ty nằm trong top 500 lớn nhất hành tinh hơn cả Hoa Kỳ. Nếu hệ thống tài chính ở châu Âu sụp đổ, tình hình tài chính thế giới vì thế cũng sẽ rơi vào hỗn loạn. Nếu như không có gói cứu trợ khổng lồ, sẽ có ít nhất 5 hoặc 6 quốc gia Châu Âu vỡ nợ. Tuy nhiên, hiện nay đàm phán về các gói cứu trợ tiếp theo đang vấp phải sự phản đối tại Bắc Âu, vì thế cần phải có những giải pháp khác nhanh chóng ngăn ngừa thảm họa. Không may, ai từng sống ở Châu Âu đều biết, mọi chuyển động, phản ứng của khu vực này thường rất chậm chạp.

Hầu hết các ngân hàng lớn của Châu Âu đều liên quan đến các khoản nợ công, và sử dụng đòn bẩy rất cao. Nếu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ý vỡ nợ, các ngân hàng này tất yếu cũng sẽ vỡ nợ theo. Tất nhiên chính phủ các nước Châu Âu có thể sẽ can thiệp để cứu trợ cho các ngân hàng, điều giống như Mỹ đã làm trong năm 2008, tuy nhiên điều này cũng không thể đảm bảo rằng thế giới sẽ thoát khỏi một cuộc suy thoái lớn.

Hiện tại, liên minh tiền tệ Châu Âu hoạt động không hiệu quả. Trong khi các nước đang chìm sâu trong nợ nần không có sự linh hoạt trong việc đối phó với những khoản nợ, công dân của các nước giàu như Đức lại đang bất bình vì phải đổ tiền vào các lỗ hổng tài chính ở miền Nam Châu Âu.

Sau đây là 20 câu nói cho thấy các nhà lãnh đạo Châu Âu thừa nhận rằng hệ thống tài chính khu vực đứng trước nguy cơ sụp đổ

No 1: Bộ trưởng Tài chính Ba Lan, Jacek Rostowski: “Các quan chức cấp cao châu Âu, trong đó bao gồm cả Đức, phải quyết định xem có muốn đồng Euro tồn tại nữa hay không – ngay cả khi phải cứu đồng euro với một cái giá cao đi nữa. Nếu như không muốn đồng euro tồn tại nữa, chúng ta cần phải chuẩn bị sự rút lui có trật tự của một khu vực tiền tệ.

No 2: Stephane Deo, Paul Donovan, và Larry Hatheway – đại diện Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ): “Theo cấu trúc hiện nay và với các thành viên hiện tại, đồng Euro hoạt động không hiệu quả. Hoặc cấu trúc hiện tại phải thay đổi hoặc các thành viên hiện tại sẽ phải thay đổi”

No 3: Chủ tịch EU Herman Van Rompuy: “Đồng Euro đã không bao giờ có được cơ sở hạ tầng mà nó đòi hỏi.”

No 4: Tổng thống Đức, Christian Wulff: “Tôi cho rằng cần phải đặt câu hỏi về tính hợp pháp cũng như mục đích chính trị của việc Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) mua vào một lượng lớn trái phiếu của một số nước thành viên. Điều 123 của Hiệp ước về hoạt động của EU cấm ECB trực tiếp mua các công cụ nợ, để đảm bảo tính độc lập của ECB”

No 5: Giám đốc điều hành Deutsche Bank, Josef Ackerman: ” Có một bí mật mà ai cũng biết là nhiều ngân hàng Châu Âu sẽ không tồn tại được nếu phải định giá lại các khoản trái phiếu chính phủ đang nắm giữ trong danh mục với giá thị trường” ”

No 6: Jean-Claude Trichet, Chủ tịch ECB: “Chúng ta đang trải qua thời gian rất khó khăn”

No 7:  Giám đốc IMF Christine Lagarde: “Những vấn đề vừa qua cho thấy chúng ta đang ở một giai đoạn mới nguy hiểm”

No  8: Phó Chủ tịch của Bundestag, Prince Hermann Otto Solms-Hohensolms-Lich: “Chúng ta phải xem xét liệu việc cơ cấu lại nợ và xóa bỏ đồng tiền Euro liệu có tốt hơn cho cả khu vực đang sử dụng đồng tiền chung và cho Hy Lạp hay không?”

No  9: Alastair Newton, một nhà chiến lược cho Nomura Securities ở London: “Chúng tôi tin rằng chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của một thời kỳ quan trọng của khu vực Đồng tiền chung, và chúng tôi cũng tin rằng nguy cơ của một số sụp đổ từ nay đến hết năm là lớn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng”

No 10: Gerhard Schroeder, Cựu Thủ tướng Đức: “Cuộc khủng hoảng hiện nay khiến chúng ta thấy rõ ràng rằng sẽ không thể có một khu vực đồng tiền chung nếu như không có chính sách tài khóa, kinh tế và xã hội chung”

No 11: Mervyn King, Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Anh: “Đối phó với một cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khó, nhưng ít nhất có thể chuyển các khó khăn vào khu vực công. Nhưng không có giải pháp nào tương tự khi đối phó với nợ quốc gia.

No 12: George Soros: “Chúng ta đang trên bờ vực của sự sụp đổ kinh tế, mà nơi bắt đầu là Hy Lạp. Hệ thống tài chính hiện tại rất dễ bị “tổn thương” ”

No 13: Thủ tướng Đức Angela Merkel: “Cuộc khủng hoảng đồng tiền chung là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Châu Âu gặp phải trong nhiều thập kỷ qua, thậm chí kể từ khi Hiệp ước Rome được ký kết vào năm 1957”

No 14: Stephane Deo, Paul Donovan, và Larry Hatheway – đại diện Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ): “Một số quốc gia thành viên sẽ có nhiều lợi ích kinh tế hơn nếu không gia nhập EU”

No 15: Giáo sư Giacomo Vaciago của Đại học Milan’s Catholic: “Rõ ràng rằng đồng euro đã gần như thất bại trong mười năm qua”

No 16: Chủ tịch EU Herman Van Rompuy: “Chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng sống còn. Chúng ta phải chung tay để cứu khu vực đồng tiền chung bởi đồng tiền chung không còn đồng nghĩa với không còn tồn tại Liên minh Châu Âu”

No 17: Thủ tướng Đức Angela Merkel: “Nếu đồng euro sụp đổ, cả châu Âu cũng sụp đổ”

No 18: Giám đốc điều hành Deutsche Bank Josef Ackerman: “Tất cả những điều này nhắc chúng ta nhớ tới mùa thu năm 2008”

No 19: Giám đốc IMF Christine Lagarde: “Có một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về lòng tin đã làm trầm trọng thêm tình hình. Cần có các biện pháp để phá vỡ vòng luẩn quẩn này”

No 20: Thủ tướng Đức Angela Merkel: “Đồng euro đang trong tình trạng nguy hiểm … Nếu chúng ta không khắc phục điều này, thì những hậu quả của nó với châu Âu là khôn lường”

Hầu hết các cá nhân được trích dẫn ở trên đây đều thể hiện mong muốn cứu đồng Euro một cách tuyệt vọng. Sự đồng thuận áp đảo trong các quan chức chính trị và tài chính cấp cao ở Châu Âu cho chúng ta câu trả lời về việc tăng cường hội nhập Châu Âu.

Ví dụ, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy rất thẳng thắn phát biểu: “Tôi tin rằng cuộc khủng hoảng này chắc chắn sẽ giúp tăng cường hội nhập Châu Âu”

Giới quan chức cấp cao Châu Âu hiện tại đang công khai nói về sự cần thiết của “Hợp chủng quốc Châu Âu” (United States of Europe). Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đã nói:
“Từ Ủy ban châu Âu, chúng ta nên thành lập nên một chính phủ được giám sát bởi Nghị viện Châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có Hợp chủng quốc Châu Âu.”

Hiện tại, người dân Châu Âu đang có rất nhiều trái ngược với việc hội nhập sâu sắc hơn về kinh tế và chính trị. Ví dụ, 76% người Đức nói rằng họ có ít hoặc không còn lòng tin vào đồng tiền chung nữa, một thăm dò gần đây cho thấy người Đức chống lại việc phát hành trái phiếu “Eurobond” với tỷ lệ 1 phiếu thuận/5 phiếu chống.

Mọi chuyển động ở Châu Âu đều có xu hướng chậm chạp trong khi khủng hoảng nợ lại đến nhanh chóng. Và chúng ta nghi ngờ rằng liệu rằng Châu Âu có nhanh chóng “ra tay” kịp thời trước khi quá muộn?

Nguồn: http://theeconomiccollapseblog.com/archives/20-quotes-from-european-leaders-that-prove-that-they-know-that-the-financial-system-in-europe-is-doomed

 

Những dấu hiệu cho thấy tình hình thị trường tài chính thế giới đang ngày càng xấu đi

No 1: Theo một nghiên cứu mới nhất của Merrill Lynch, nguy cơ nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái mới là 80%.

No 2: Bank of America (BoA) sẽ là một Lehman Brothers khác? Cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm hơn 40% trong vòng vài tháng qua. Mặc dù tỷ phý Warren Buffet vừa rồi đã đầu tư 5 tỷ USD vào ngân hàng này nhưng những khó khăn của ngân hàng này vẫn chưa đi qua. Các chuyên gia kinh tế ước tính BoA cần khoảng 40 – 50 tỷ USD.

No 3: Cổ phiếu của các ngân hàng Châu Âu tuột dốc trong những tuần qua khiến Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ đã cấm bán khống cổ phiếu của các ngân hàng.

No 4: Vừa qua, một số ngân hàng lớn trên thế giới như UBS, BoA, Barclays, Credit Suisse, Goldman Sachs, HSBC, Lloyds,… tuyên bố sa thải 60 nghìn nhân viên. Việc cắt giảm nhân lực trong các ngân hàng sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

No 5: Thị trường tín dụng đang rất ảm đạm. Điều này gợi nhớ chúng ta tới năm 2008 khi điều tương tự đã xảy ra. Liệu lịch sử có lặp lại?

No 6: Conference Board cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 8 đã bất ngờ giảm từ mức 59,2 điểm của tháng 7 xuống còn 44,5 điểm, ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

No 7: Trong 3 tháng qua, chỉ số phản ánh niềm tin người tiêu dùng do Đại học Michigan khảo sát đã giảm 20 điểm. Hiện tại chỉ số này đang ở mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua.

No 8: Báo cáo của Fed tại bang Philadelphia cho biết chỉ số sản xuất của bang này giảm từ mức 3,2 điểm của tháng 7 xuống mức -30,7 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

No 9: Theo thống kê từ năm 1947, cứ khi nào tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ (so với cùng kỳ năm trước) mà giảm xuống mức 2% thì thường sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái. Hiện tại, GDP quý 2/2011 của Mỹ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái mà trong bối cảnh chưa có yếu tố thuận lợi nào hỗ trợ, GDP của Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà sụt giảm.

No 10: Niềm tin của châu Âu cũng sụt giảm. Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Châu Âu, chỉ số niềm tin của người dân tại 17 nước sử dụng đồng tiền chung giảm từ mức 103 điểm của tháng 7 xuống còn 98,3 điểm trong tháng 8, trong đó tất cả các chỉ số phụ đều giảm sút.

No 11: Lợi suất của trái phiếu chính phủ Hy Lạp hiện ở mức 42,47%.

No 12: Ngân hàng Trung Ương Châu Âu vừa mua vào một số lượng trái phiếu lớn của các quốc gia như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý. Các quốc gia này đều đang nằm trong danh sách các quốc gia đang tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ.

No 13: Tương tự các quốc gia trên, nhiều ngân hàng lớn của Châu Âu cũng đang tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ.

No 14: Những bất đồng chính trị tại Châu Âu đang đe dọa việc đưa ra gói cứu trợ cho Hy Lạp. Mấu chốt của vấn đề là tài sản thế chấp cho gói cứu trợ thứ 2. Phần Lan yêu cầu Châu Âu 500 triệu EUR bảo lãnh khi nước này mua 1,4 tỷ cổ phiếu trong gói cứu trợ thứ 2. Phần Lan, Áo, Hà Lan đều yêu cầu tài sản đảm bảo khi họ tham gia cứu trợ Hy Lạp với lý do ngân hàng của các nước này không có nhiều mối liên hệ với Hy Lạp như các ngân hàng Đức và Pháp.

No 15: Thủ tướng Angela Merkel của Đức đang cố gắng để thông qua thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp, nhưng người Đức không ủng hộ ý định này của bà.

No 16: Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Jacek Rostowski cảnh báo rằng tình trạng hiện tại sẽ dẫn Châu Âu đến “sụp đổ”. Theo Rostowski, nếu EU không chọn con đường hội nhập kinh tế sâu hơn, khu vực này sẽ không thể tồn tại được.

No 17: Người Đức chống lại việc phát hành trái phiếu chung của khu vực Châu Âu với tỷ lệ 5 phiếu chống/1 phiếu thuận, vì thế con đường hội nhập kinh tế sâu hơn của khu vực Châu Âu là không khả thi vào thời điểm này.

No 18: Nợ công của Hy Lạp hiện nay chiếm gần 160% GDP của nước này và lợi suất trung bình của các món nợ này là khoảng 15%. Như vậy, nếu các khoản nợ của Hy Lạp được quay vòng mà không được tái cơ cấu, chỉ riêng lãi suất các khoản nợ đã chiếm tới 24% của GDP. Nói cách khác, nếu Hy Lạp không được xóa nợ, thì ¼ sản lượng kinh tế của nước này hàng năm sẽ được dùng chỉ để trả lãi cho các khoản vay trước đó.

No 19: Hệ thống ngân hàng toàn cầu có tổng cộng 2 nghìn tỷ USD liên quan đến các khoản nợ của các nước Hy Lạp, Ai Len, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý. Nói cách khác, nếu các quốc gia trên vỡ nợ đồng nghĩa với việc phá sản của nhiều tổ chức tài chính lớn.

No 20: Tân Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Largarde vừa cảnh báo các ngân hàng Châu Âu cần thay đổi cấu trúc tài chính khẩn cấp.

No 21: Thị trường nhà đất Mỹ đang thực sự gặp khó khăn. Theo báo cáo mới nhất, giá nhà tại Mỹ quý 2/2011 đã giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. Tuy giá nhà giảm nhưng doanh số bán nhà không tăng mà thậm chí còn giảm. Theo Hiệp hội các nhà kinh doanh bất động sản quốc gia, doanh số bán hàng đã qua qua sử dụng tháng 7 giảm 3,5%, ghi nhận tháng sụt giảm thứ 3 trong vòng 4 tháng qua. Doanh số này thậm chí cũng giảm so với doanh số của năm ngoái – vốn dĩ đã rất thảm hại.

No 22: Theo John Lohman – một chuyên gia kinh tế lâu năm, sụt giảm các chỉ số kinh tế của Mỹ trong vòng 3 tháng qua là điều chưa từng xẩy ra.

No 23: Morgan Stanley nhận định rằng Mỹ và Châu Âu đang tiến dần đến một cuộc suy thoái. Họ cũng khuyên các nhà đầu tư nên quay lại thị trường vào 6 – 12 tháng tới.

Những điều người ta chứng kiến trong cuộc khủng hoảng 2008 – 2009 thật đáng sợ và không ai muốn lịch sử đó lặp lại. Tuy nhiên, tất cả những những nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng đó đến nay vẫn chưa được giải quyết và thị trường tài chính thế giới hiện nay vẫn đang ôm những khoản nợ, đòn bẩy và rủi ro khổng lồ.

Thêm những dấu hiệu cảnh báo cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ lần thứ 2

CDS tăng gần lên mức đỉnh cao 2008

CDS – là một công cụ tài chính dựa trên nguyên tắc của swap, tuy nhiên có nguyên tắc giống như một hợp đồng bảo hiểm. Phí CDS phản ánh rủi ro của tài sản mà nó bảo hiểm.

 

Tại thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, AIG là công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới và là nhà bảo lãnh CDS lớn nhất vào thời điểm ấy. Với mức xếp hạng AAA, AIG không phải trả các khoản đặt cọc cho các CDS của mình bán ra. Tuy nhiên, ngày 15/09/2008, ngay khi Lehman Brothers phá sản, AIG bị cả Standard & Poor’s và Fitch’s hạ mức xếp hạng. Ngay lập tức, AIG mất lợi thế của mình trên thị trường CDS và phải chuẩn bị một lượng tiền rất lớn để nộp đặt cọc. Vì vậy, Chính phủ Mỹ đã phải can thiệp và bơm một lượng tiền lớn vào giải cứu AIG.

Tại thời điểm hiện tại, nhiều người đang lo ngại liệu rằng lịch sự một cuộc khủng hoảng sẽ lập lại khi CDS kỳ hạn 5 năm của Bank of America (BoA) ngày 23/8/2011 đạt mức 388 điểm, tiến sát tới mức đỉnh 390 điểm lập ngày 30/3/2009 trong cuộc khủng hoảng 2 năm trước. BoA là ngân hàng lớn nhất tại Mỹ, nếu tính về tổng tài sản, và xếp thứ 2 nếu tính về vốn hóa thị trường. Nếu như BoA sụp đổ và cần đến sự trợ giúp, liệu rằng FED sẽ một lần nữa ra tay cứu giúp?

Photobucket

Bên cạnh đó, biểu đồ dưới đây cho thấy, rủi ro vỡ nợ hệ thống đang hiện hữu khi CDS không chỉ của BoA mà  các ngân hàng lớn khác trên thế giới như Citigroup (Mỹ), BNP Paribas, Societe Generale (Pháp), UBS, Credit Sussie (Thụy Sĩ) cũng đều đang tăng cao. Một khi các ngân hàng đồng loạt cần đến sự giúp đỡ của Chính phủ các nước trong bối cảnh nợ công của Mỹ và Châu Âu đều tăng cao và các gói hỗ trợ dự phòng đã dần cạn kiện, khả năng vỡ nợ hệ thống là điều khó tránh khỏi.
Photobucket
Lợi suất TPCP Mỹ sụt giảm

Từ đầu năm đến nay, giá TPCP Mỹ ở các kỳ hạn 2 năm, 5 năm, 10 năm tăng cao, đồng nghĩa với việc lợi suất TPCP Mỹ ở các kỳ hạn tương ứng sụt giảm mạnh. Điều này thường xẩy ra khi thị trường chứng khoán hay hàng hóa tiềm ẩn quá nhiều bất ổn, rủi ro, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các sản phẩm đầu tư an toàn như TPCP Mỹ.

Điều tương tự đã xảy ra trước cuộc khủng hoảng 2008 – 2009. Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2008 đến 12/2008, lợi suất TPCP Mỹ cũng liên tục sụt giảm. Tuy nhiên, lợi suất thấp nhất của TPCP kỳ hạn 2 năm ở thời điểm đó ghi nhận mức 0,66%, vẫn cao hơn mức lợi suất 0,22% ngày 23/8 vừa qua. Tương tự, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 5 năm thấp nhất trong giai đoạn 2008 – 2009 ở mức 1,26% (18/12/2008) vẫn cao hơn mức 0,88% ngày 18/8/2011.

Photobucket

 

QE2 không hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, QE3 cũng vậy!

Hiện tại, cả thế giới đang chờ ngóng liệu rằng gói QE3 có được chính phủ Mỹ đưa ra sau khi gói cứu trợ QE2 không giúp nước Mỹ thoát khỏi bờ vực của sự suy thoái.  Trong khoảng thời gian sử dụng QE2 Chính phủ Mỹ đồng thời vẫn duy trì mức lãi suất cận kề 0 nhưng mục tiêu kích thích chi tiêu vẫn không đạt được. Biểu đồ dưới cho thấy trong khoảng thời gian QE2 có hiệu lực (11/2010 – 6/2011), khoảng cách tín dụng và tiết kiệm vẫn càng ngày càng nới rộng bởi tiết kiệm ngày càng tăng còn tín dụng vẫn giảm sút. Trong khi chính phủ Mỹ trông chờ tín dụng tăng trưởng để kích thích tiêu dùng cũng như đẩy mạnh sản xuất.

Photobucket

Bởi vậy, giới phân tích cho rằng nếu gói QE3 được đưa ra cùng với mức lãi suất tiếp tục được giữ ở mức thấp như hiện nay chỉ đủ để thị trường chứng khoán phục hồi trong thời gian ngắn chứ không giải quyết được những vấn đề dài hạn của Mỹ. Thậm chí một số nhà kinh tế còn cho rằng, gói cứu trợ sẽ khiến suy thoái đến nhanh hơn do hủy hoại giá trị đồng đô la và hạ mức tín nhiệm của Mỹ.

Kết luận

Những phân tích trên một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại rằng nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung có thể đang bước vào một cuộc suy thoái toàn cầu sau cuộc suy thoái nghiêm trọng cách đây chưa đầy hai năm (2008 – 2009).