GDR – Kênh gọi vốn mới cho các doanh nghiệp Việt Nam (Phần 2)

2. Sự phát triển của công cụ GDR tại Việt Nam

a. Nhu cầu phát hành GDR của các doanh nghiệp Việt

Mặc dù mới được Chính phủ chấp nhận thực hiện thí điểm, tuy nhiên, hình thức huy động thông qua GDR đã được các doanh nghiệp Việt Nam để mắt tới từ lâu. Cụ thể, từ gần 1 năm trước, CTCK Bản Việt đã có công văn trình Bộ Tài chính xin hướng dẫn cho 2 doanh nghiệp khách hàng là Masan (Mã CK: MSN) và Ocean Bank (Mã CK: OGC) phát hành GDR. Ngoài ra, CTCP Kinh Đô (Mã CK: KDC) tại ĐHCĐ ngày 23/04/2011 cũng đã thông qua về việc phát hành GDR tương ứng với 20 triệu cổ phiếu cho đối tác nước ngoài.

b. Thương vụ phát hành GDR điển hình

Đáng chú ý nhất về hoạt động phát hành GDR phải kể đến trường hợp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG). HAG đã bán 16,2 triệu cổ phiếu cho ngân hàng lưu ký là Deutsche Bank Trust Company Americas (DBTCA) với sự tư vấn của CTCK Ngân hàng Sài gòn Thương Tín (SBS). Dựa trên số lượng cổ phiếu này, cùng với 8,1 triệu cổ phiếu thưởng được hưởng vào ngày 26/01/2011 (tỉ lệ 2:1), DBTCA đã phát hành 24,3 triệu GDR cho HAG. Khối lượng GDR này đã được bán cho các NĐT nước ngoài, và sau đó đã được niêm yết và giao dịch trên sàn Professional Securities Market (PSM) của Sở giao dịch chứng khoán London (LSE) ngày 23/03/2011. Thành công của thương vụ này đã giúp HAG huy động được 60 triệu USD, đồng thời thu hút được sự chú ý của NĐT quốc tế.

c. Những khó khăn các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong quá trình phát hành GDR

Tuy nhiên, không dễ để đạt được thành công như trường hợp của HAG. Bởi, huy động vốn thông qua phương tiện GDR, ngoài việc phải chứng tỏ tiềm lực tốt, minh bạch và hội nhập, DN còn phải thuyết phục được tổ chức trung gian hỗ trợ ở nước ngoài. Đó là một ngân hàng lưu ký hoạt động toàn cầu, có khả năng giúp xúc tiến quá trình huy động vốn cho DN. Đối với các DN tại thị trường mới nổi như Việt Nam, việc này không dễ dàng.

Trường hợp của HAG, Công ty này cũng phải mất tới hơn 2 năm để hoàn thành thương vụ này. Đặc biệt, đối tượng chủ động trong thương vụ này không phải là HAG mà chính là các nhà đầu tư nước  ngoài. Cuối năm 2007, một nhóm nhà đầu tư London (Anh) “bắn tin” cho SBS rằng họ quan tâm đến HAG và muốn đầu tư nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Trong 2 năm sau đó, quỹ đầu tư này đã sang Việt Nam, và đi đến từng dự án của HAG để xem xét. Cùng đi với họ có SBS và các chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Sau thời gian tìm hiểu, SBS và HAG phải liên tục cung cấp những thông tin họ cần. Nhờ những dự án đầy tính khả thi, như tiềm năng về trồng cao su, ưu thế về thủy điện và khai khoáng, cùng với những bản thuyết trình chiến lược cụ thể, HAG cuối cùng đã thuyết phục được các nhà đầu tư nước ngoài.

Trình bày như vậy để thấy, mặc dù GDR là kênh huy động vốn hấp dẫn, song, không phải là hình thức áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được. Theo lẽ thường, doanh nghiệp muốn gọi vốn lớn phải có quy mô vốn nhất định và có triển vọng kinh doanh tương xứng. Theo ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch SBS, nếu xét theo các tiêu chuẩn khắt khe của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay, số doanh nghiệp Việt Nam đạt yêu cầu chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Một vấn đề nữa cản trở sự phát triển của hoạt động này tại Việt Nam là, hiện tại, UBCK và Bộ Tài chính chưa hề đưa ra các quy chế hướng dẫn rõ ràng, chính thức về hoạt động niêm yết trên TTCK nước ngoài. Cũng chính vì điều này nên MSN và OGC, mặc dù cũng đã có ý định phát hành GDR cùng thời với HAG (từ năm 2007), nhưng vì chưa có các quy định pháp lý nên đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Trường hợp của HAG, Công ty này đã bị UBCK phạt 40 triệu đồng vì không công bố thông tin đầy đủ về việc phát hành cổ phần riêng lẻ cho Deutsche Bank Trust Company Americas để làm cơ sở chào bán GDR. Giới đầu tư nhận định vui rằng SBS và HAG đã quá giỏi trong việc hợp tác với nhau để giải bài toán GDR, “được phạt” 40 triệu đồng để huy động được trên 1.000 tỷ đồng vốn về cho DN.

Báo cáo “Depositary Receipts – Year in Review 2010” của JP Morgan cho rằng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất trong hoạt động huy động vốn, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu thị trường huy động vốn bằng ADR và GDR. Đồng thời, báo cáo cũng đề cập đến tên Việt Nam và Mông Cổ với nhận xét, trong vòng 12 – 24 tháng tới, đây là những thị trường sẽ nổi lên trong việc sử dụng công cụ này. Điều này đã cho thấy, các tổ chức cung cấp DR lớn trên thế giới đánh giá tiềm năng sử dụng GDR này của các doanh nghiệp Việt Nam là khá sáng sủa. Ngoài ra, với việc Chính phủ chấp thuận cho phép thực hiện thí điểm, UBCK và Bộ Tài chính sẽ sớm xây dựng và ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, những quy chế, hướng dẫn thực hiện, tạo tiền đề cơ bản cho sự phát triển của hình thức gọi vốn này tại Việt Nam trong thời gian tới.

Một bình luận to “GDR – Kênh gọi vốn mới cho các doanh nghiệp Việt Nam (Phần 2)”

  1. Nguyen Manh Hai Says:

    Phải công nhận là Việt Nam quá chậm chạp trong việc phát triển các sản phẩm tài chính hội nhập với thị trường quốc tế. ADR, GDR là những sản phẩm huy động vốn từ nước ngoài quá đơn giản, rất ít rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam mà còn chậm phát triển vậy thì đúng là những sản phẩm phức tạp hơn như sẽ còn khó lắm… 🙂

    Cảm ơn tác giả!


Bình luận về bài viết này