Bảo hiểm tiền gửi trên thế giới và Việt Nam

Gần đây, những thông tin không mấy khả quan về tình hình hoạt động của các ngân hàng được công bố như: nợ xấu, thanh khoản sụt giảm, yếu kém trong quản lý…làm dấy lên những quan ngại về sự bất ổn trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Nguy cơ mất khả năng thanh toán của một số ngân hàng yếu là hoàn toàn có thể xảy ra và mối quan tâm đầu tiên của người dân là tiền gửi của họ tại các ngân hàng có được đảm bảo. Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được xem như một phương án dự phòng khi bất ổn xảy ra cho ngân hàng cũng như trấn an người dân để họ không rút toàn bộ tiền gửi do lo ngại ngân hàng mất khả năng thanh khoản.

Năm 2003, khi có tin đồn về việc tổng giám đốc ngân hàng ACB bỏ trốn, người dân đã đổ xô đi rút tiền. Chỉ tính riêng 2 ngày 14 và 15/10 tổng lượng tiền người dân rút khỏi ACB là hơn 1200 tỷ đồng, gần gấp 3 lần vốn điều lệ của ACB vào thời điểm 2003. Nếu không có sự giúp đỡ về thanh khoản của ngân hàng nhà nước (NHNN) thì ACB cũng như bất kì ngân hàng thương mại nào đều không thể đáp ứng được nhu cầu rút tiền tăng đột biến như vậy của người dân. Ngay sau đó, thống đốc NHNN đã phải đứng ra tuyên bố đảm bảo về tiền gửi của người dân, ai có nhu cầu rút tiền cũng đều được đáp ứng. Ví dụ trên là một minh chứng cho vai trò “Gìn giữ niềm tin“ của BHTG đối với khách hàng ngày càng trở nên quan trọng nhất là trong điều kiện thị trường tài chính có biến động. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ một số vấn đề về lịch sử hình thành, nguyên tắc hoạt động của BHTG trên thế giới và ở Việt Nam cũng như những bất cập cập BHTG tại Việt Nam hiện nay.
Bảo hiểm tiền gửi là cam kết công khai của tổ chức BHTG đối với các tổ chức tín dụng tham gia BHTG về việc tổ chức BHTG sẽ trả tiền cho người dân khi tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán.

Bảo hiểm tiền gửi trên thế giới
Tháng 1/1934, bảo hiểm tiền gửi được giới thiệu lần đầu tiên tại Mỹ sau 1 trong những cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất lịch sử khiến hơn 4000 ngân hàng cùng 1700 tổ chức tín dụng phá sản. Cho đến 2003 đã có 87 quốc gia trên thế giới sử dụng cơ quan BHTG độc lập để công khai bảo vệ người gửi tiền và 93 quốc gia có cơ quan BHTG nằm trong ngân hàng trung ương như Trung Quốc, Thái Lan, Lào…
Tổ chức BHTG thường hoạt động theo mô hình cơ quan của nhà nước độc lập với Chính phủ. Đa phần các tổ chức tín dụng và ngân hàng phải tham gia bắt buộc BHTG trong đó có Việt Nam. Một số quốc gia có thể có nhiều hơn một tổ chức BHTG ví dụ như Nhật Bản, Pháp, Đức và Nauy có 2 tổ chức BHTG, thông thường một phục vụ các ngân hàng thương mại và một cho các tổ chức tín dụng khác. Trên thế giới, tiền gửi ở nước ngoài của ngân hàng trong nước, tiền gửi nội địa của ngân hàng nước ngoài, tiền gửi liên ngân hàng và tiền gửi ngoại tệ thường không được bảo hiểm. Tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ, tổ chức BHTG ở Hungary chấp nhận tiền gửi bằng EUR và tiền tệ của các quốc gia OECD khác , trong khi đó tổ chức BHTG Mỹ và Canada chấp nhận tiền gửi liên ngân hàng.

Về hạn mức tiền gửi được bảo hiểm, một số quốc gia thực hiện bảo hiểm 100% tiền gửi trong trường hợp đặc biệt như để đối phó với khủng hoảng trong ngành ngân hàng (Thái lan , Indonesia, Malaysia… ). Trong khi đa phần các tổ chức BHTG đặt ra mức chi trả tối đa thấp hơn 100% như Mỹ là $250.000, Đức là EUR 100.000 và HKD$500.000 là mức chi trả tối đa ở Hồng Kông.
Hiện nay có 2 hệ thống phí BHTG được áp dụng trên thế giới là phí đồng hạng và hệ thống phí dựa trên cơ sở rủi ro như ở Mỹ, Nhật …..

Tổ chức BHTG Việt Nam – DIV ( Deposit Insurance of Vietnam ) được thành lập tháng 7/2000 Với mục tiêu được đề ra là bảo vệ người gửi tiền và tham gia đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng. Nhưng trong tình hình hiện nay chúng ta có thể đánh giá cả 2 mục tiêu trên đều khó đạt được.

Thứ nhất, mức thu phí BHTG ở Việt Nam hiện nay được áp dụng đồng hạng 0,15% trên tổng số dư tiền là không hợp lý. Theo các quy định của pháp luật về BHTG thì mức phí bảo hiểm tiền gửi không phân biệt về quy mô, hình thức sở hữu cũng như mức độ rủi ro của tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm. Chính điều đó đã gây ra sự không công bằng trong hệ thống ngân hàng. Trái với xu hướng trên thế giới, phí bảo hiểm tiền gửi được áp dụng theo phân loại ngân hàng, ngân hàng nào hoạt động yếu kém, quy mô nhỏ và nguy cơ rủi ro lớn thì mức phí bảo hiểm sẽ cao hơn. Hiện tại, nguồn quỹ của DIV được ngân hàng nhà nước cấp là 1000 tỷ đồng, sau thời gian hoạt động số vốn này đã tăng lên 6000 tỷ đồng.

Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ dự trữ bảo hiểm tiền gửi (quỹ BHTG/Tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm) thường là 2,5% – 3%. Tỷ lệ này ở nước ta là khoảng 1%, khá thấp so với các nước khác như Mỹ 1.25%, Thụy Điển 2,5%, Đài Loan 5%, Croatia 5% và ở Kenya là 20%. Sau hơn 10 năm hoạt động, quỹ DIV mới chỉ phải chi trả tiền bảo hiểm trên 18 tỷ đồng trên 6000 tỷ đồng quỹ hiện có. Nhưng 6000 tỷ đồng chỉ bằng 2 lần vốn điều lệ tối thiểu của 1 ngân hàng thương mại cổ phần, trong khi DIV hiện đã cấp chứng nhận bảo hiểm tiền gửi cho 37 ngân hàng TMCP, 5 ngân hàng nhà nước và gần 1000 tổ chức tín dụng trên toàn Việt Nam. Do đó khi hệ thống ngân hàng bất ổn, số tiền 6000 tỷ đồng trong quỹ của DIV rất khó có thể đảm bảo khả năng chi trả dù chỉ là mức chi trả tối thiểu cho người gửi.

Thứ hai, mức chi trả tối đa của BHTG ở Việt Nam hiện tại là quá thấp không đảm bảo được niềm tin của người gửi khi có biến cố xảy ra. 50 triệu là mức chi trả tối đa cho 1 người với đối với 1 ngân hàng hay 1 tổ chức tín dụng. Điều đó có nghĩa là nếu bạn có 1 tỷ bạn phải gửi vào ít nhất 20 ngân hàng thì mới có thể được đảm bảo an toàn nếu tất cả các ngân hàng đồng loạt phá sản. Hiện tại 50 triệu tương đương 2.14 lần GDP đầu người Việt Nam năm 2010 thấp hơn nhiều so với các nước khác và trong khu vực (tỉ lệ này ở Mỹ là 5.40 lần và ở Philippin là 5,42 lần).

Theo biểu đồ trên, tiền gửi ở mức dưới 50 triệu chỉ chiếm 19% tổng số tiền gửi bảo hiểm. Nếu các ngân hàng ngừng hoạt động, trên 81% tổng lượng tiền gửi sẽ không được chi trả đủ 100% số tiền gốc và lãi. Hiện nay, có rất nhiều người dân gửi hàng tỷ đồng nhàn rỗi vào ngân hàng nhưng khi có rủi ro xảy ra, họ chỉ nhận được 50 triệu đồng thì gần như bảo hiểm không có nhiều ý nghĩa.
Thêm vào đó, DIV không bảo hiểm cho các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc Vàng. Trong khi theo thống kê gần nhất của NHNN, hệ thống ngân hàng đang giữ hộ người dân khoảng 30 tỷ đô và 100 tấn vàng (5 tỷ Đô). Do không được bảo hiểm nên người dân có tâm lý muốn rút ngoại tệ và vàng ra khỏi ngân hàng khi có bất ổn trong nền kinh tế. Ngân hàng không thể ngay lập tức quy đổi những khoản đầu tư vào bất động sản, hàng hóa và tài sản sinh lợi khác thành vàng và đô la để trả cho người dân, thanh khoản cạn kiệt. có thể dẫn đến sụp đổ hàng loạt hệ thống ngân hàng.
Như vậy, những quy định về mức thu phí, loại tiền được bảo hiểm và mức chi trả tối đa của BHTG hiện nay đã không phát huy được những yếu tố hỗ trợ trong tình hình tài chính bất ổn. Theo ước tính hiện tại thì khoàng 60 ~ 65% lượng tiền gửi tại các thương mại là của người dân. Trong trường hợp xấu, khi người dân rút tiền hàng loạt, những ngân hàng nhỏ, yếu kém sẽ phải chịu những tác động đầu tiên và nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của ngân hàng nhà nước, nguy cơ đổ vỡ là không thể tránh khỏi.

Để ngăn chặn tình huống xấu nhất xảy ra tôi có đưa ra một số giải pháp cấp bách mà BHTG Việt Nam có thể áp dụng để khống chế khủng hoảng trước mắt và ổn định lâu dài trong tương lai.

Thứ nhất , NHNN cùng DIV phải đưa ra tuyên bố tăng mức chi trả tiền gửi lên 100% và chấp nhận bảo hiểm người gửi bằng cả vàng và ngoại tệ để giải quyết những vấn đề trước mắt. Trong dài hạn DIV có thể tăng mức chi trả tiền gửi tối đa lên 200 triệu (khoảng 8,35 GDP Việt Nam 2010) để đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng.

Thứ hai , DIV nên chuyển dịch từ mô hình hoạt động chi trả (pay box) sang mô hình giảm thiểu rủi ro. Mô hình chi trả là mô hình bị động mà chức năng chủ yếu là chi trả tiền gửi khi mà đổ vỡ đã xảy ra, do đó không ngăn chặn được dòng người rút tiền ồ ạt. Trong khi mô hình giảm thiểu rủi ro là mô hình chủ động mà tổ chức BHTG sẽ thực hiện nhiều chức năng như kiểm tra, giám sát và xử lý đổ vỡ chi trả tiền gửi. Những biến động nhỏ trong hệ thống ngân hàng sẽ được DIV giám sát và hỗ trợ khi cần thiết trực tiếp và kịp thời hơn.

Thứ ba , DIV nên được hoạt động độc lập với NHNN. Trước đây DIV trực thuộc NHNN nên rất hạn chế trong hoạt động, tất cả những ý kiến hay cảnh báo chỉ có thể được DIV chuyển cho đơn vị chủ quản là NHNN quyết định. Do đó các khuyến nghị trực tiếp của DIV không được các tổ chức tín dụng quan tâm nhiều.

Cuối cùng, DIV nên thay đổi mức thu phí theo mức độ rủi ro, giúp cho những ngân hàng yếu kém bắt buộc phải có những thay đổi để giảm mức độ rủi ro và tăng mức cạnh tranh của ngân hàng.

11 bình luận to “Bảo hiểm tiền gửi trên thế giới và Việt Nam”

  1. Nguyen Manh Hai Says:

    Cảm ơn tác giả! Chủ đề nóng hổi 🙂 Cho mình hỏi một số ý:

    Một là giải pháp trước mắt là NHNN và DIV tuyên bố tăng mức chi trả lên 100% tức là tăng thành 100 triệu hay là toàn bộ số tiền tiết kiệm? Việc tăng mức phí này chắc chắn không thể chỉ là “tuyên bố” mà không có các giải pháp cụ thể đi kèm chứ?

    Hai là sẽ thế nào nếu thu phí theo mức độ rủi ro khi mà các NH bị đánh giá là có mức độ rủi ro cao sẽ càng phải nộp phí bảo hiểm cao hơn trong khi gánh nặng về thanh khoản và lợi nhuận đang đè nặng lên họ rồi và lại đang có trần lãi suất huy động? Việc có đủ tiền để trả cho người dân khi có đổ vỡ thực sự hay việc đảm bảo sự tồn tại của các NHTM trước khi đổ vỡ là quan trọng và là trước tiên?

    Cuối cùng là làm thế nào để DIV vừa độc lập khỏi NHNN nhưng lại cần có đủ thẩm quyền để kiểm tra, giám sát và xử lý rủi ro của các NH đóng phí BHTG? Liệu ở Việt Nam thẩm quyền này có thể dễ dàng gói gọn trong khuôn khổ hợp đồng BHTG giữa DIV và các NH tham gia được không?

    • vuminhtra Says:

      Cám ơn anh đã góp ý, em xin trả lời như sau:

      Trước mắt NHNN và DIV tuyên bố tăng mức chi trả lên 100% tức là “Toàn bộ số tiền gửi” nhằm tạo tâm lý yên tâm cho người gửi tiền tránh được những hoảng loạn về mặt xã hội, hạn chế việc người dân rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng. Đây cũng là biện pháp mà một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng thành công như Úc , Thái Lan… Để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 Thủ tướng Úc đã ra tuyên bố để tổ chức BHTG bảo hiểm 100% số tiền gửi của người dân trong vòng 3 năm, sau khi nền kinh tế đi vào ổn định đã giảm mức bảo hiểm xuống 1 triệu AUD.

      Còn trong trường hợp xấu nhất sau khi “ Tuyên bố” người dân vẫn đến rút tiền, theo ý kiến của em nhà nước vẫn có thể thực hiện đúng “ Tuyên bố” của mình bới 3 lý do:

      -Thứ nhất, DIV và NHNN không phải trả ngay lập tức cho người dân. Theo những quy định hiện hành, chỉ những khoản tiền gửi tới hạn mới được rút (không cho rút trước ngày đáo hạn) cùng với chưa có quy định và luật cụ thể về thời hạn mà BHTG phải chi trả cho người dân. Trong đó trên thế giới khoảng thời gian này của từng quốc gia quy định khác nhau như Canada(1 tuần), Anh (5 tháng), Philippines (7 tháng), Ukraina(60 tháng) và Lebanon (120 tháng).

      -Thứ hai, hiện tại những ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam vẫn thuộc nhà nước hoặc cổ phần nhà nước chi phối, trong trường hợp đặc biệt nhà nước vẫn có thể sử dụng nguồn tiền của các ngân hàng này để ổn định tình hình.

      -Cuối cùng, vì chỉ phải chi trả bằng Đồng Việt Nam nên ngân hàng TW trong trường hợp cấp thiết có thể in tiền ra để trả cho người dân.

      Bài viết trên em đã không lưu ý rõ thu phí theo mức độ rủi ro là biện pháp dài hạn, không phải là biện pháp trước mắt nên có thế gây nhầm lẫn cho người đọc. Thu phí theo mức độ rủi ro trong điều kiện nền kinh tế hoạt động bình thường sẽ có những tác động tích cực đến chiến lược dài hạn của ngân hàng bắt buộc họ phải có những thay đổi để giảm mức độ rủi ro và tăng mức cạnh tranh.

      Trả lời cho câu hỏi cuối cùng, hiện tại DIV hoạt động theo nghị định 89/1999 của Chính phủ về BHTG nên đúng là chưa có những quy định pháp lý cần thiết để các tổ chức tín dụng bắt buộc phải hợp tác trong kiểm tra, giám sát và xử lý rủi ro. Do đó, DIV hoạt động hiệu quả và độc lập khỏi NHNN chỉ khi luật BHTG phải được thông qua với những quy định rõ ràng và chặt chẽ. Cơ quan quản lý BHTG phải là Chính phủ và NHNN hay Bộ Tài chính sẽ chỉ quản lý chuyên môn liên quan mà cơ quan đó phụ trách. Cũng như việc BHTG là bắt buộc ở Việt Nam, khi luật BHTG ra đời thì việc Kiểm tra, giám sát và xử lý rủi ro sẽ không chỉ gói gọn trong hơp đồng giữa DIV và các tổ chức tín dụng. Trong đó, DIV được coi là cơ quan hành pháp và chủ thể là các ngân hàng.

  2. qknguyen Says:

    Tôi thấy bạn nói đoạn “Trước mắt NHNN và DIV tuyên bố tăng mức chi trả lên 100% tức là “Toàn bộ số tiền gửi” nhằm tạo tâm lý yên tâm cho người gửi tiền tránh được những hoảng loạn về mặt xã hội, hạn chế việc người dân rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng.” có mâu thuẫn với nội dung của bài viết phía trên. Nếu bây giờ NHNN và DIV tuyên bố tăng mức chi trả lên 100% thì sau này liệu có thể ấn định định mức chi trả là 200 triệu/ 1 khách hàng /1 NH được không? Hay lúc đó sẽ tạo ra tâm lý lo lắng cho người dân khi họ đang được bảo hiểm 100% tổng tiền gửi.
    Hiện nay chưa có hiện tượng rút tiền ồ ạt hay nguy cơ một cuộc khủng hoảng hiện hữu đối với VN, nên theo tôi nghĩ ban đầu tăng mức chi trả lên 100 triệu/khách hàng cũng đã là một biện pháp làm an lòng người dân rồi. Theo dữ liệu bạn viết, tổng số tiền gửi dưới 100 triệu hiện chiếm 33% tổng số và số tiền gửi từ dân cư chiếm từ 60-65% tổng tiền. Cá nhân tôi cho rằng 33% tổng tiền gửi này sẽ nằm chủ yếu từ tầng lớp dân cư và nó sẽ chiếm một trọng số lớn trong tổng tiền gửi dân cư (60-65%). Do đó việc tăng mức chi trả lên 100 triệu cũng đã là một mức có thể tạm an lòng người dân gửi tiền.
    Đôi lời chia sẻ.

    • vuminhtra Says:

      Cám ơn bạn đã quan tâm đến vấn đề này ^^ .Tuy nhiên theo ý kiến chủ quan của mình đã đề cập ở bài viết trên, NHNN và DIV sẽ đứng ra tăng mức chi trả lên 100% trong ngắn hạn có thể là 2 hoặc 3 năm, sau đó sé ấn định mức chi trả cố định là 200 Tr hoặc cao hơn . Minh thấy nó hợp lý hơn là mức chi trả 100 triệu bởi vì 2 lý do

      – Thứ nhất : nếu duy trì mức bảo hiểm 100% trong thời gian dài sẽ xảy ra những vấn đề về “rủi ro đạo đức” . Các ngân hàng dễ hoạt động bất cẩn, huy động vốn với lãi suất cao, hoạt động đầu tư với độ rủi ro lớn và luôn an tâm là các khoản tiền gửi của khách hàng vẫn được bảo hiểm 100%. Do đó hệ thống ngân hàng dễ bị lâm vào tình trạng khủng hoảng do các ngân hàng ngày càng bị yếu đi. Cùng với đó tổ chức chi trả bảo hiểm cũng phải chịu hậu quả nặng nề liên quan đến các khoản chi phí bảo hiểm cho người gửi tiền nếu đổ vỡ ngân hàng xảy ra.
      – Thứ hai : Hiện tại mục tiêu quan trọng là “gìn giữ niềm tin”, đơn giản hơn là ngăn chặn người dân rút tiền hàng loạt. NHNN tăng mức bảo hiểm lên 100 % vẫn chưa chắc đã giảm hết nguy cơ rút tiền. Nếu chỉ tăng mức bảo hiểm lên 100 triệu đồng /1 người /1 ngân hàng thì khi xảy ra biến cố những người gửi tiền trên 100tr chắc chắn sẽ cố gắn rút tiền. Theo đó, tâm lý của người dân sẽ bị dao động và việc ồ ạt đi rút tiền là điều khó tránh khỏi, ví dụ về những đợt mua bán vàng và gạo là những minh chứng cho xu hướng đám đông của người dân.

      1 vấn đề mà bạn đưa ra rất đáng quan tâm là khi nhà nước đã đảm bảo 100% bảo hiểm tiền gửi sau đó ấn định ở 200 tr có làm người dân đổ xô đi rút tiền hay không? Câu trả lời là có thể có, nhưng vấn đề này thuộc về dài hạn và chính phủ và DIV có thể giải quyết vấn đề cốt lõi “ gìn giữ niềm tin” bằng những biện pháp dài hạn mình đã nêu ở trên

  3. wMinh Says:

    Mình không đồng tình lắm với việc tăng tỉ lệ bảo hiểm tiền gửi lên 100% chỉ đơn giản là nó sẽ đánh đồng các ngân hàng với nhau. Lớn cũng như bé, rồi thì người dân và ngân hàng lại lao vào cuộc đua lãi suất không có điểm dừng. Người dân có thể rút tiền ở một số ngân hàng nhưng họ sẽ vẫn chọn cách gửi tiền ở các ngân hàng khác tốt và uy tín hơn. Do vậy, sẽ dần sàng lọc ngân hàng và phù hợp với mục tiêu tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng mà chính phủ và NHNN đang theo đuổi. Việc tăng tỉ lệ bảo hiểm tiền gửi nó cũng ảnh hưởng giống như tỉ lệ dự trữ bắt buộc. Chi phí vốn của các NHTM lại sẽ tăng lên và tỉ lệ lợi nhuận của ngành cũng sẽ giảm xuống. Nếu bạn làm bank, rõ ràng bạn không thích tí nào chuyện tăng tỉ lệ bảo hiểm tiền gửi.

  4. Thùy Linh Says:

    Bạn nghĩ sao khi DIV khăng khăng đòi trực thuộc chính phủ, trong khi chính phủ thấy rằng việc này là không cần thiết qua sự chỉ đạo bằng văn bản số 1027/VPCP-KTTH ngày 22/02/2011 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến Thủ tướng Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của BHTGVN: Thống đốc NHNN thực hiện công tác cán bộ với BHTGVN, quy định NHNN quyết định về cơ cấu, tổ chức của tổ chức BHTG là phù hợp với chức năng quản lý của NHNN. Mặt khác, qua 10 năm hoạt động, chính việc mập mờ khi không giao cho một bộ nào cụ thể đã dẫn tới sai phạm về tổ chức, nhân sự của lãnh đạo DIV đã được Thanh tra Chính phủ phanh phui.
    Mặt khác, sẽ có sự chồng chéo khi cùng 1 nội dung giám sát mà các tổ chức tín dụng vừa phải gửi cho DIV và NHNN, trong khi chắc chắn DIV sẽ không có quyền yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG lập báo cáo về an toàn hoạt động khác với NHNN. Ngoài sự chồng chéo, điều này còn làm cho các tổ chức tín dụng mất thời gian, tiền bạc và nhân sự khi cung cấp những thông tin trùng lắp cho DIV.

  5. Thùy Linh Says:

    Mà mục tiêu thành lập DIV được bạn chủ trích dẫn là: Tổ chức BHTG Việt Nam – DIV ( Deposit Insurance of Vietnam ) được thành lập tháng 7/2000 Với mục tiêu được đề ra là bảo vệ người gửi tiền và tham gia đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng. Nhưng trong tình hình hiện nay chúng ta có thể đánh giá cả 2 mục tiêu trên đều khó đạt được.
    Trong khi Quyết định của chính phủ là: . Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng.
    Chắc bạn hiểu góp phần duy trì khác với tham gia chứ???

    • Nguyen Manh Hai Says:

      Bạn Thùy Linh có những phân tích rất hay cho chủ đề này! Mình cũng nghĩ DIV hiện tại dường như còn hình thức nhiều, mà chưa có sự bài bản, nhất quán với các tổ chức cũng như quy định khác trong hệ thống quản lý tài chính chung. Tuy nhiên xét cho cùng, đến thời điểm này DIV chưa phải trả tiền bảo hiểm cho một ai cả, và cũng chưa có NH nào bị phá sản, đổ vỡ 🙂

      Một ý khác, tuy không liên quan trực tiếp nhưng có thể nhắc đến là khivàng SJC chính thức trở thành vàng của NHNN thì rõ ràng chính phủ đang tiến tới mô hình quản lý tập trung và quy về một đầu mối một số yếu tố trọng yếu của thể chế tài chính. Và đây cũng là cơ sở để hy vọng sẽ sớm có những sự thay đổi của DIV nói riêng và của công tác quản lý rủi ro tiền gửi nói chung, theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn 🙂

  6. Thùy Linh Says:

    Về khách quan, trong hơn 10 năm tồn tại của mình, cơ chế chính sách, địa vị pháp lý, quy định của nhà nước đã làm giảm khả năng cũng như năng lực của DIV. Tuy nhiên điều mình muốn nói ở đây là về chủ quan, mà cụ thể là nhân sự lãnh đạo:
    Bạn Trà nghĩ sao một tổ chức mà Tổng Giám đốc và chủ tịch HĐQT bị thủ tướng kỷ luật do những việc làm sai trái của mình trong điều hành??? Một tổ chức có thể hoạt động tốt được không khi hiện tại 2/3 Phó TGĐ (anh Lưu và anh Minh) hầu như không được giao nhiệm vụ. Anh Sơn TGĐ thì hết hạn thủ tướng bổ nhiệm từ rất lâu. Cứ thử tính 1 cơ quan có 1 TGĐ (hết hạn bổ nhiệm), 1 CTHĐQT (kỷ luật, đến tuổi hưu), 3 PTGĐ (2/3 ko được giao việc), thì tổ chức đó có hoàn thành được nhiệm vụ hay không? Hãy khoan đổ cho Chính phủ, NHNN không tin tưởng mình mà cần xem lại nội tại.
    Mặt nữa, trong khi cả nước đang kêu tiết kiệm, lương bình quân của EVN 7tr3 1 tháng đang bị lên án thì lương bình quân của DIV là bao nhiêu??? Có xứng với những gì các bạn cống hiến ko???
    Thống đốc có phát biểu tại Quốc hội 1 câu tôi rất tâm đắc, đại ý: 1 dự luật, 1 cơ chế chính sách ban hành phải phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam. Còn tôi nghĩ thêm ngoài kinh tế, còn phải căn cứ vào thực trạng (kinh tế, chính trị, xã hội và cả nhân sự)

  7. Nhung Nguyễn Says:

    Tại sao biểu đồ của bạn không có trích nguồn vậy? Số liệu này có đáng tin cậy không?

  8. kunkun_3012 Says:

    mình cũng muốn hỏi về nguồn số liệu và năm số liệu mà bạn cập nhật


Bình luận về bài viết này