(THẢO LUẬN) Tái cấu trúc nền kinh tế

Tái cấu trúc nền 1 kinh tế không phải là vấn đề đơn giản, đụng chạm tới nhiều lĩnh vực nên rất cần sự đóng góp kiến thức, quan điểm, góc nhìn đa chiều từ nhiều người. Theo đề nghị của bạn Võ Văn Minh, mình mở topic này để mọi người cùng tham gia thảo luận. Sau đây là 1 số ý kiến của bạn Minh, mọi người tham khảo nhé:

Đọc tiếp »

[Thảo luận] – Đánh giá những tác động đối với Việt Nam nếu khủng hoảng lần thứ 2 xảy ra

Gần đây người ta nói nhiều đến nguy cơ xảy ra khủng hoảng kép. Có thể nhiều người  nói còn quá sớm để nói về một cuộc suy thoái mới, một cuộc khủng hoảng mới của nước Mỹ. Nhưng hãy thử bi quan một chút, thử “tưởng tượng” nếu khủng hoảng lần 2 tại Mỹ xẩy ra đồng thời với khủng hoảng nợ công tại Châu Âu, Việt Nam sẽ chịu những tác động gì? Dưới đây tôi liệt kê một vài ảnh hưởng của khủng hoảng nếu xẩy ra tới Việt Nam.

Ảnh hưởng đầu tiên và ngay tức khắc có thể nhìn thấy được là cầu từ Mỹ đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm mạnh. Mỹ vốn là đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam với mức đóng góp khoảng 17 – 20 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta (2006 – nay). Biểu đồ dưới đây cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm từ mức 62,9 tỷ USD xuống mức 56,6 tỷ USD, tương đương giảm 10% năm 2009 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ. Trong đó, giá trị hàng hóa xuất khẩu tới Mỹ trong cùng kỳ cũng giảm 1,6 tỷ USD.
Photobucket

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Có thể lấy 2 ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt nam là thủy sản và dệt may làm ví dụ. Hai ngành này hàng năm có đóng góp đáng kể cho GDP. Đối với 2 ngành này, Mỹ đều là đối xuất khẩu số 1 hoặc số 2 của Việt Nam. Nếu Mỹ rơi vào khủng hoảng lần 2, có thể khẳng định rằng kim ngạch xuất khẩu 2 mặt hàng này của Việt Nam sẽ giảm sút. Cụ thể, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năm 2009 giá trị do ngành thủy sản Việt Nam mang về cùng kỳ chỉ khoảng 4,25 tỷ USD, giảm 5,74% so với năm 2008 còn giá trị xuất khẩu của ngành dệt may năm 2009 cũng giảm tới 10% so với 2008. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể gặp không ít khó khăn nếu khủng hoảng xảy ra. Ngoài ra, xuất khẩu giảm sút cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường lao động khi doanh nghiệp xuất khẩu thu hẹp hoạt động, dẫn tới giảm một lượng lớn lao động.
Ngoài ra, khi khủng hoảng xẩy ra cung đối với các mặt hàng nhập khẩu sẽ tăng do các nhà sản xuất bị giảm thị trường ở Mỹ, Châu Âu và các nước phát triển sẽ tìm cách mở rộng các thị trường khác. Như vậy, khả năng xuất khẩu bị giảm mạnh là rất cao trong khi nhập khẩu nếu có giảm cũng sẽ giảm ít hơn so với xuất khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cán cân thương mại của Việt Nam.
Thứ hai, sụt giảm đầu tư do sự giảm sút của dòng vốn từ bên ngoài chảy vào. Nhìn vào số liệu qua khứ sẽ thấy dòng vốn từ bên ngoài gồm: vốn đầu tư trực tiếp, vốn đầu tư gián tiếp, vay nợ và kiều hối chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư của Việt Nam. Nếu khủng hoảng lần 2 tại Mỹ xảy ra, chi phí vốn trở nên đắt đỏ hơn và thị trường xuất khẩu có khả năng bị thu hẹp nên dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam có khả năng sẽ giảm sút. Ngoài ra, lượng kiều hối về Việt Nam có doanh số khoảng 8-10 tỷ USD/năm là một nguồn thu rất quan trọng của Việt Nam trong đó lượng kiều hối từ Mỹ chiếm giá trị lớn cho nên nếu khủng hoảng xẩy ra chắc chắn nguồn này cũng giảm sút nhất định.
Thứ ba, khi sản xuất bị thu hẹp, một số người có khả năng mất việc làm, hoặc thu nhập bị giảm sút cộng với dòng kiều hối chảy vào sụt giảm sẽ kéo theo sụt giảm trong tiêu dùng của các hộ gia đình.
Như vậy với khả năng giảm chi tiêu, đầu tư và xuất khẩu trong khi nhập khẩu tăng hoặc giảm chậm hơn sẽ tác động làm cho GDP sụt giảm.

[THẢO LUẬN] Tác Động của G12+1 tới Hệ Thống NHVN

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đưa ra hàng loạt các giải pháp hướng tới mục tiêu đưa hoạt động hệ thống Ngân hàng vào nề nếp nhằm nâng cao uy tín của toàn hệ thống. Một trong những biện pháp đó là thành lập nhóm G12+1 gồm 12 ngân hàng hàng đầu của Việt Nam (chiếm gần 80% thị phần hoạt động ngân hàng) và NHNN. Nhóm G12+1 ra đời với mục đích trao đổi hoạt động nghiệp vụ, đồng thời cập nhật và thảo luận kip thời những vấn đề thời sự trong toàn ngành. NHNN cho rằng việc cho phép các NHTM tham gia vào quá trình xây dựng chính sách sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của NHTM trong quá trình thực thi chính sách.

Theo tôi, việc thành lập G12+1 là một giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo các chính sách của NHNN đưa ra sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc do nhận được sự đồng thuận của nhóm các NHTM có thị phần lớn này. Đồng thời, việc thành lập G12+1 sẽ góp phần nâng cao tương tác giữa cơ quan quản lí và đối tượng được quản lí từ đó các chính sách được đưa ra sẽ bám sát hơn với thực tế. Ngoài ra, việc duy trì một cơ chế đối thoại thường xuyên giữa NHNN và nhóm các NHTM sẽ giúp NHNN kiểm soát kịp thời hoạt động của toàn ngành, đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, việc thành lập G12+1 có thể phát sinh một số vấn đề đáng quan ngại. G12+1 ra đời có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các NHTM trong và ngoài nhóm. Thực tế cho thấy, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh rất nhạy cảm với niềm tin (confidence-sensitive) vì vậy uy tín là một trong những tiêu chí quan trọng tạo lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này. Hiện tại, Việt Nam chưa có những chỉ tiêu công khai nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe của từng NHTM. Vì vậy, việc NHNN thành lập G12+1 với tiêu chí lựa chọn không được công bố chính thức sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh của những ngân hàng trong nhóm do người gửi tiền cũng như những nhà đầu tư  có sự phân biệt giữa các ngân hàng trong và ngoài nhóm. Chính điều này có thể phát sinh mâu thuẫn giữa các ngân hàng.

Đồng quan điểm với ông Cao Sỹ Kiêm-Nguyên Thống đốc NHNN, tôi cho rằng việc các NHTM ngoài nhóm không có cơ hội đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng chính sách của NHNN khiến quyền lợi của họ không được đảm bảo. Từ đó, các ngân hàng này có thể bị đẩy vào thế cô lập và gặp khó khăn trong hoạt động.

Ngoài ra, việc hình thành G12+1 có thể dẫn tới tình trạng các chính sách của NHNN sẽ chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm ngân hàng lớn thay vì hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn và lợi ích của hệ thống ngân hàng cũng như toàn nền kinh tế. Thực tế hiện nay các NHTM lớn đặc biệt là các NHTM Nhà Nước (NHTM NN) có hoạt động tương đối rủi ro với tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức cao và mức độ an toàn vốn thấp. Cụ thể, tính tới thời điểm 30/06/2011, tỷ lệ nợ xấu của Agribank, Vietcombank đều ở mức rất cao lần lượt là 6,67% và 3,47%, trong khi đó hệ số an toàn vốn tối thiểu của các NHTM NN năm 2010 chỉ xấp xỉ ở mức 9%. Vì vậy, tôi lo ngại việc đảm bảo lợi ích của những NHTM NN này có thể đẩy hoạt động của toàn hệ thống lên mức độ rủi ro cao hơn.

Việc NHNN thành lập G12+1 hướng tới mục tiêu trao đổi nghiệp vụ, nâng cao tính tương tác giữa NHNN và thị trường cho thấy sự mờ nhạt của Hiệp hội ngân hàng trong vai trò làm cầu nối giữa các NHTM với cơ quan nhà nước cũng như tham gia vào việc xây dựng và thúc đẩy quá trình thực thi các chính sách của NHNN.

Tôi cho rằng, để tránh những tác động tiêu cực tới toàn hệ thống cũng như góp phần xây dựng hệ thống lành mạnh và hiệu quả, hoạt động của G12+1 phải thực sự minh bạch và mang tính hiệu quả cao. NHNN nên đưa ra các tiêu chí lựa chọn ngân hàng vào nhóm thực sự rõ ràng và công khai để tránh gây ra những hiểu lần cho người dân và nhà đầu tư. Đồng thời, NHNN cần tạo điều kiện để các ngân hàng nhỏ với hoạt động hiệu quả và tình hình tài chính lành mạnh có cơ hội đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách. Điều này sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh và sự phát triển bền vững của toàn hệ thống. Tôi cũng muốn nhấn mạnh, trong bối cảnh NHNN cần tới sự đồng thuận cao, G12+1 là một công cụ điều hành cần thiết tuy nhiên việc duy trì và sử dụng công cụ này cần có sự linh hoạt nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo lợi ích chung của toàn ngành.

(THẢO LUẬN) Diễn biến thị trường tiền tệ sau khi áp dụng Chỉ thị 02

Ngày 07/09, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về việc yêu cầu các TCTD chấp hành đúng quy định về trần lãi suất đối với VND (14%) và USD (2%), tự phát hiện, phát hiện các đơn vị vi phạm báo cáo về NHNN, đồng thời đưa ra 3 biện pháp xử lý khá mạnh tay với TCTD vi phạm.

Ngày 08/09, NHNN cho biết đã có 34/42 NHTM ban hành văn bản chỉ đạo nội bộ về việc chấp hành Chỉ thị trên của NHNN, tuy nhiên cơ quan này không nêu tên 8 ngân hàng còn lại mà theo chúng tôi, những ngân hàng này có thể gặp khó khăn về cạnh tranh huy động vốn và thanh khoản.

Theo nguồn tin của chúng tôi, thông qua đường dây nóng, NHNN đã phát hiện một số ngân hàng vẫn tiếp tục huy động với lãi suất ở mức 17,5-19% và sẽ sớm có biện pháp xử lý đối với những ngân hàng này.

Như vậy, việc NHNN đưa ra văn bản nên rõ các hình thức xử lý đối với việc vi phạm trần lãi suất huy động đã giúp loại bỏ mạnh mẽ những hoạt động thỏa thuận ngầm lãi suất với khách hàng vốn diễn ra khá phổ biến trên thị trường huy động dân cư và doanh nghiệp thời gian qua. Đồng thời, việc này cũng giúp lộ rõ những TCTD yếu kém về thanh khoản vốn là nguyên nhân đẩy lãi suất huy động lên cao.

Mọi người cho ý kiến thảo luận về diễn biến thị trường tiền tệ (lãi suất huy động, lãi suất cho vay, tín dụng, huy động) trong thời gian tới nhé!

(THẢO LUẬN): Nhóm giải pháp giảm lãi suất cho vay về 17-19% của NHNN

Nhân comment của bạn Khách về khả năng giảm lãi suất cho vay về 17-19% ngay trong tháng 9, tôi mở topic này để mọi người cùng thảo luận về các nhóm giải pháp của NHNN và tác động đến thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, lạm phát… trong thời gian tới ^ ^

Về nhóm giải pháp thì thông tin không chính thức cho biết NHNN sẽ tạm thời không áp dụng tỷ lệ 80% cho vay/huy động của TT13-19 để giải phóng lượng vốn tương đương khoảng 372 000 tỷ VND! (gần bằng vốn hỗ trợ lãi suất 2009 ).

Ngoài ra, một nguồn tin khác cũng cho biết NHNN sẽ tạm thời bỏ tỷ lệ trích lập dự phòng chung 0,75% trên dư nợ tín dụng (giải phóng khoảng 14000 tỷ).

Dự kiến, ngày 7/9 12 NHTM lớn trong cuộc họp ngày 26/8 sẽ đồng thuận giảm lãi suất huy động về 14%, cho vay về 17-19% qua đó tạo áp lực khiến các NHTM khác cũng phải giảm theo. Như vậy, có thể đoán chính sách cuả NHNN sẽ được công bố chính thức trong dịp nghỉ lễ, hiệu lực ngay sau đợt nghỉ 2/9 !

Mọi người đánh giá thế nào về các giải pháp trên, tính khả thi, tác động lên lãi suất, cung tín dụng, hệ lụy, rủi ro lên lạm phát, tỷ giá, tình trạng đảo nợ và căng thẳng thanh khoản theo chu kỳ cuối năm? Hoan nghênh cả nhà cho ý kiến nhé thảo luận nhé ^ ^