Tái cấu trúc ngân hàng

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung Ương Đảng khóa XI, tái cấu trúc nền kinh tế được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong 05 năm tới (2011-2015), tập trung vào 03 lĩnh vực quan trọng nhất: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), các tổ chức tài chính (TCTC) và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế và Tổng Công ty Nhà nước. Trong đó, chủ đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, các TCTC là chủ đề đang được thảo luận sôi nổi trong thời gian gần đây.

Đọc tiếp »

Tổng quan về Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của NHTM Việt Nam

Mô hình công ty quản lý nợ và khai thác thác tài sản (AMC) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập theo quyết định 150/2001/QĐ-TTg ngày 05/10/2001 với mục đích xử lý nợ tồn đọng của các NHTM. Vậy tại sao thành lập AMC lại giải quyết được nợ tồn đọng? thực trạng tình hình hoạt động của AMC tại Việt Nam hiện nay như thế nào? Bài viết này hi vọng sẽ giúp độc giả giải đáp được những thắc mắc này.

Sự cần thiết phải thành lập AMC

Công tác quản lý nợ và khai thác tài sản luôn được các NHTM dành sự quan tâm đặc biệt. Mỗi NHTM đều có chính sách, hệ thống và quy trình quản lý rủi ro. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng về quy mô cũng như dư nợ tín dụng của NHTM ngày càng tăng, việc xử lý nợ đòi hỏi phải có bộ máy chuyên nghiệp hơn, với tính chất hoạt động như một doanh nghiệp nhằm hỗ trợ ngân hàng cả về công tác quản lý nợ và khai thác tài sản. Do đó nhu cầu thành lập AMC để chuyên môn hoá việc quản lý nợ, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các khoản nợ của NH là một nhu cầu thực tế và thiết yếu.

Bên cạnh đó, việc gia tăng các khoản nợ xấu đang là vấn đề đáng quan ngại của các NH. Tỷ lệ nợ xấu của nhiều NH tuy chiếm tỷ lệ thấp, nhưng việc đi trước, đón đầu để tăng cường công tác kiểm soát và quản lý nợ một cách hiệu quả, an toàn luôn là mục tiêu của các NH.

Theo Luật tổ chức Tín dụng năm 2010, các NHTM không được trực tiếp kinh doanh bất động sản (BĐS) trong khi BĐS là tài sản bảo đảm phổ biến nhất. Do đó, NH gặp khó khăn trong việc khai thác lợi nhuận từ tài sản bảo đảm và không chủ động xử lý được tài sản bảo đảm.

Vì những lý do trên, việc thành lập AMC để tận thu nợ tồn đọng, hạn chế tối đa tổn thất tài sản, làm lành mạnh hoá tình hình tài chính là một nhiệm vụ cấp thiết của NHTM.

Mục đích: AMC được thành lập với các mục đích chính như sau:

–       Nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động quản lý, xử lý nợ quá hạn của toàn hệ thống;

–       Góp phần xử lý nợ xấu nhanh chóng và hiệu quả; Cơ cấu lại nợ tồn đọng, tiếp nhận quản lý các khoản nợ tồn động của NH bằng các biện pháp: giãn nợ, miễn giảm lãi suất, đầu tư thêm, chuyển đổi nợ thành vốn góp…

–       Góp phần cải tiến quản lý rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng toàn hàng;

–       Từng bước phát triển hoạt động mua bán nợ; quản lý, kinh doanh tài sản (cho thuê, mua bán, khai thác);

–       Lấy thu đủ bù chi; bảo toàn và phát triển vốn;

–       Quản lý an toàn tài sản NH giao; đóng góp một phần lợi nhuận cho NH.

Thống kê AMC trực thuộc NHTM Việt Nam

Theo thống kê của PG Bank, hiện nay có 27 AMC trực thuộc NHTM. Bên cạnh đó, có một số NHTM đã được NHNN chấp thuận thành lập AMC nhưng AMC chưa chính thức đi vào hoạt động (Habubank, VietABank, Vietbank, Seabank). Các AMC trực thuộc NHTM hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên.

Ngoài ra, có 1 AMC trực thuộc Bộ Tài chính là DATC và có khá nhiều công ty tư nhân/cổ phần được thành lập nhằm thực hiện một số chức năng của AMC như: tư vấn thủ tục thu hồi nợ, xử lý nợ, đòi nợ…

Thống kê AMC được thành lập theo thời gian và quy mô vốn điều lệ: AMC đầu tiên được thành lập vào năm 1995 (Vietcombank AMC). Năm 2009 – 2010 là thời điểm có nhiều AMC được thành lập nhất. Phần lớn các AMC có vốn điều lệ vào khoảng 50-100 tỷ đồng. Cụ thể:

AMC

Nguồn: FI – PG Bank

Phân tích SWOT

Điểm mạnh

–       AMC là công ty trực thuộc NHTM, trong đó NHTM góp vốn 100%, do đó, AMC nhận được sự hỗ trợ rất lớn của công ty mẹ về tài chính, nhân sự và thương hiệu.

–       Hoạt động quản lý nợ, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các khoản nợ được chuyên môn hoá và chuyên nghiệp hoá.

Điểm yếu

–       Mô hình AMC còn khá mới mẻ và chưa thực sự phát triển ở Việt Nam, do dó, nguồn nhân lực còn thiếu và chưa có nhiều kinh nghiệm.

–       Hoạt động của AMC mới chỉ ở mức nội bộ.

Cơ hội

–       Quy mô và dư nợ tín dụng của NHTM ngày càng tăng, kéo theo nhiều cơ hội phát triển hoạt động cho AMC.

–       Hiện nay hoạt động của AMC vẫn chỉ gói gọn trong việc quản lý nợ và khai thác tài sản của công ty mẹ, do đó, AMC có thêm rất nhiều cơ hội để mở rộng phạm vi hoạt động sang các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính khác.

Thách thức

–       Chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về cơ chế hoạt động cho AMC, AMC vẫn chỉ chịu điều chỉnh theo Luật doanh nghiệp.

–       Chưa có một hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán nợ, hoạt động của các công ty quản lý nợ còn đơn giản và nội bộ.

Thực trạng hoạt động AMC

Với mục đích và hướng phát triển cụ thể như thế, nhưng trên thực tế, hoạt động của AMC vẫn chưa thực sự hiệu quả.

AMC được thành lập để xử lý nợ, giải quyết nợ xấu cho ngân hàng, nhưng thực tế các phòng Quản lý nợ, Xử lý nợ thuộc NHTM hoàn toàn có thể làm tốt việc này. Một AMC với cơ cấu hoành tráng, nhưng thực chất cũng chỉ có 10-15 người, kể cả ban giám đốc. Số lượng này cũng vừa bằng, thậm chí là ít hơn số lượng nhân sự của phòng xử lý nợ (!).

Vậy thực chất AMC để làm gì? Theo một cán bộ thuộc AMC của một ngân hàng lớn, AMC quả đúng là “hữu danh vô thực”. AMC được lập ra mà công việc chủ yếu không phải quản lý nợ, xử lý nợ hay quản lý tài sản mà để hợp thức hoá việc cho vay với lãi suất vượt trần của NHTM. Khách hàng vay vốn từ NHTM thường phải có tài sản đảm bảo. NHTM sẽ thu thêm phí như phí thẩm định tài sản, phí quản lý tài sản đảm bảo,… thông qua AMC, tính phí bằng tỷ lệ phần trăm trên tổng số vốn vay và thu một lần.
Hợp đồng này ký với Giám đốc AMC, tách ra hẳn với hợp đồng tín dụng vay vốn của ngân hàng, nhưng thực tế hai hợp đồng đó là một, đó chỉ là chiêu lách luật của các ngân hàng. Do đó, lãi suất cho vay mà khách hàng phải chịu thường cao hơn từ 3-5% lãi suất cho vay quy định.

Theo ý kiến chủ quan của mình, tôi nhận thấy việc thành lập AMC có thể làm giảm sức cạnh tranh của NHTM (do lãi suất cho vay thực tế cao hơn nhiều so với mức lãi suất của những NHTM không có AMC). Trong thời điểm hiện nay khi NHNN đang quyết tâm hạ lãi suất, rất có thể những NHTM chưa có AMC sẽ xúc tiến thành lập AMC với mục đích hợp thức hoá mức lãi suất cho vay cao.