Lãi suất có là lời giải cho bài toán lạm phát?

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, các chính sách ổn định vĩ mô thường chạy theo sau diễn biến của nền kinh tế như một quy luật ngược kiểu “thuyền lên, nước lên”, một khi lạm phát tăng (giảm), lãi suất cũng sẽ tăng (giảm) theo bởi: một là, thực chất, lãi suất cũng chỉ là một loại giá: giá vốn vay, trong điều kiện lạm phát, mọi giá đều tăng, cho nên giá vốn vay (hay lãi suất) có tăng cũng là điều hợp lẽ, và hai là, chủ động hơn, dùng hệ quả tăng (giảm) lãi suất để điều chỉnh lại con thuyền lạm phát đi đúng hướng.

Trên lý thuyết, để giảm lạm phát các nhà hoạch định chính sách tiền tệ phải nâng lãi suất để hút bớt tiền trong lưu thông, tăng tiết kiệm giảm chi tiêu qua đó giảm cầu hàng hóa, hạ nhiệt giá tiêu dùng. Điều này đã được ứng dụng thành công trong những năm 1988 về trước, chính sách lãi suất “lướt sóng” 13%/tháng đã giúp NHNN giải quyết thành công nạn lạm phát phi mã 774%.

Tuy nhiên hiện nay, NHNN lại đang làm điều ngược lại, hạ lãi suất để kiềm chế lạm phát. Vậy, NHNN đã dựa vào nguyên lý nào để giải phương trình hai vế này mà không phải hi sinh lợi ích nào? Và liệu giải pháp này có đi đúng hướng?

Thứ nhất, công thức cổ điển “lãi suất cao chống lạm phát cao” được hình thành từ thực nghiệm tại các nước phương Tây, nhưng mặt bằng lãi suất và lạm phát tại các quốc gia đó thường ở mức rất thấp và do vậy mặt bằng lãi suất tăng thêm một chút không dẫn tới việc các doanh nghiệp phải rời bỏ sản xuất. Nhưng tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất đã ở mức quá cao, nếu áp dụng công thức sách giáo khoa nêu trên thì nguy cơ lạm phát do cầu kéo trở thành lạm phát chi phí đẩy là hiện hữu. Hơn nữa, việc cho vay cá nhân thường chiếm tỷ trọng cao so với cho vay doanh nghiệp tại các quốc gia phương Tây trong khi tại Việt Nam thì ngược lại.

Thứ hai, NHNN một mặt giảm lãi suất, mặt khác chỉ đạo hướng dòng vốn giá rẻ vào lĩnh vực sản xuất để cứu vớt, thúc đẩy và cải thiện cái sự sản xuất èo uột của các doanh nghiệp vốn là nạn nhân do lãi suất cao trước đây từ đó tăng cung hàng hóa, cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, NHNN cũng đang cố gắng tạo niềm tin cho người dân về sự phát triển, ổn định sản xuất để đạt mục tiêu giảm lạm phát kì vọng và thay đổi tâm lý lãi suất thực dương. Thông thường, lãi suất tiết kiệm phải cao hơn lạm phát thì mới thu hút được người gửi tiền vào ngân hàng, tuy nhiên, lãi suất thực dương chỉ đứng về người gửi tiền mà trong nhiều trường hợp không tạo ra sự chia sẻ gánh nặng chi phí tài chính giữa người đi vay và người cho vay. Do đó, việc xem xét lại tiêu chí lãi suất thực dương sẽ tạo tiền đề cho sự giảm lãi suất xuống mặt bằng thấp hơn sau này.

Và thực tế, NHNH đã thực hiện được quyết tâm đưa lãi suất dần về mức 17%-19%, gây dựng niềm tin trên cả lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, kết quả song song là, thị trường chứng khoán từ đầu tháng 9 được tiếp sức mạnh mẽ về thanh khoản, thị trường bất động sản le lói hi vọng được khơi thông nguồn vốn, thị trường giá cả hàng hóa cũng hạ nhiệt đem lại hỉ hê cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, bản thân tôi cho rằng, mục tiêu hạ cơn sốt CPI này chỉ đạt hiệu quả trong ngắn hạn bởi không dễ gì tìm ra điểm cung cầu gặp nhau. Với Thông tư 22 và sự quyết liệt từ Chỉ thị 02 của NHNN, các NHTM đã dồi dào vốn cho vay hơn trước để cam kết thực hiện trần huy động 14% và đạt đồng thuận cao trên con đường giảm lãi suất. Chưa được kiểm chứng, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đã được ưu tiên mức vốn vay khá thấp này. Thế nhưng, NHNN lại không áp tỷ lệ hạn mức, lãi suất vay cho các lĩnh vực phi sản xuất mà để cho các ngân hàng và doanh nghiệp tự thỏa thuận. Liệu có không, sẽ có lượng lớn vốn lớn hơn chảy vào lĩnh vực phi sản xuất khi mà chỉ cần cho vay ở mức lãi suất 20% các NHTM đã có lãi? Liệu rằng nhiều NHTM sẽ chịu lỗ để cho vay với lãi suất 17% trong khi vẫn còn tồn đọng vốn huy động trên 18% từ cuộc đua lãi suất trước đây? Lẽ tự nhiên, về lâu dài, khi cung tiền tăng, dòng vốn sẽ được đưa vào lưu thông một cách không chọn lọc, sản xuất hàng hóa sẽ diễn ra ồ ạt trong khi sức cầu không thay đổi nhiều. Hơn nữa, lạm phát tại Việt Nam không chỉ có lạm phát do cầu kéo, chi phí đẩy mà còn là sự kết hợp của lạm phát do cơ cấu, lạm phát do nhập khẩu…. Chưa biết chừng với việc giảm lãi suất, nền kinh tế vốn nhiều bất ổn lại cõng thêm lạm phát tiền tệ.

Đáng quan tâm hơn, vào giai đoạn cuối năm, giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng khó tránh khỏi xu hướng nhích lên từng ngày. Thật khó khăn để với một chính sách tiền tệ chủ động mà công cụ chủ yếu là lãi suất có thể kéo được lạm phát đi xuống.

Vì vậy và có lẽ, lãi suất sẽ không là lời giải hoàn chỉnh cho bài toán giảm lạm phát kia.

Một bình luận to “Lãi suất có là lời giải cho bài toán lạm phát?”

  1. Bùi Quỳnh Vân Says:

    Đồng ý với Xuân, lạm phát không thể chỉ đơn giản giải quyết bằng chính sách tiền tệ. Nguyên nhân lạm phát ở VN 1 phần là do đầu tư công kém hiệu quả, việc nhập khẩu lạm phát thì nhóm doanh nghiệp nhà nước cũng đóng góp khá lớn. Chính sách tài khóa thì khá mập mờ, không kiên quyết trong việc cắt giảm đầu tư công mà trong đó có khá nhiều khoản đổ vào các doanh nghiệp nhà nước.

    Đổ lỗi cho các doanh nghiệp nhà nước cũng hơi nhẫn tâm vì khi thị trường khó khăn thì họ là người đứng ra hứng chịu thua lỗ nhiều nhất. Ví dụ như xăng dầu và điện là đầu mối quan trọng để Chính phủ thực hiện nhiệm vụ chính trị bình ổn thị trường. Vì vậy, mặc dù bị kêu ca suốt nhưng vai trò quan trọng của DNNN là không thể phủ nhận.

    Thế nên, vấn đề là cần thiết phải minh bạch hóa đấu tư công, có minh bạch thì mới có động lực mà nâng hiệu quả đầu tư, mới tránh lãng phí, và qua đó thì mới giảm được lạm phát.


Bình luận về bài viết này