Cải tổ

Hiện tượng vỡ nợ tín dụng trên thị trường chợ đen (không qua hệ thống ngân hàng) thời gian vừa qua đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Người ta lo ngại nhiều về việc liệu có sự lây lan sang hệ thống ngân hàng và dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính thanh khoản, và cộng hưởng với tâm lý người dân, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao sẽ phải đối mặt với những khó khăn hoặc khả năng bị thôn tính.

Với hàng loạt các động thái của NHNN vừa qua, đã có nhiều ý kiến cho rằng NHNN đang phát tín hiệu bật đèn xanh cho hoạt động sáp nhập các ngân hàng nhỏ thực hiện cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam trở nên chuyên nghiệp, vững vàng hơn. Đến lúc này, khi “cơn bão” tín dụng đen đang càn quét hệ thống tín dụng truyền thống, người ta bắt đầu nghĩ đến những ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống NHTM và nhu cầu phải cải tổ, điều đó là có cơ sở.

Đọc tiếp »

Thị trường vàng Việt Nam cần điều gì?

Theo đúng định nghĩa từ trước đến nay, vàng là một loại ngoại hối, NHNN Việt Nam đã thể hiện vai trò quản lý ngoại tệ ngày một kinh nghiệm, nhưng riêng với vàng đến nay vẫn chưa có một cơ quan nào đứng ra đảm nhiệm vai trò ổn định thị trường vàng, đưa giá vàng trong nước bám sát giá thế giới và huy động vàng tích lũy rất lớn trong dân đem vào đầu tư, sản xuất, phát triển kinh tế. Nếu đã xác định vàng là một loại ngoại hối tại sao chưa có biện pháp quản lý hợp lý để giá vàng hoạt động theo quy luật phù hợp hơn, hạn chế đầu cơ làm giá, trục lợi cho một nhóm nhỏ gây náo loạn thị trường, mất ổn định tâm lý, niềm tin và dẫn tới bất ổn cho toàn bộ nền kinh tế.

Đọc tiếp »

Tương lai nào cho đồng EURO

Sự tồn tại 11 năm của đồng tiền chung Châu Âu đang phải đương đầu với những thử thách tồi tệ nhất trong lịch sử tồn tại của khu vực này. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã phải can thiệp vào thị trường trái phiếu chính phủ, một việc làm chưa có tiền lệ tại khu vực đồng tiền chung. Nhiều người bắt đầu nghi ngờ về sự tồn tại của đồng tiền này nhưng 2 khả năng nghiêng hẳn về hai thái cực khác nhau là sự sụp đổ của đồng EUR và “giấc mơ” khủng hoảng nợ Châu Âu sẽ được giải quyết cải thiện năng lực cạnh tranh của các quốc gia thành viên đều khó có thể xẩy ra trong thời điểm này.

Đọc tiếp »

Thị trường Bất động sản Việt Nam và những vấn đề cơ bản

Thị trường bất động sản (BĐS) tại Việt Nam có quá nhiều bất cập và biểu hiện ra ngoài là sự thiếu ổn định lúc lạnh lúc nóng. Bên cạnh các yếu tố về chính sách như phương hướng phát triển thiếu tính dự báo, quy hoạch thiếu khoa học và tầm nhìn, chính sách phát triển thị trường bất động sản thiếu tính chế tài, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng nhiều bất cập, hiệu lực quản lý của Nhà nước với các dự án BĐS vẫn nhiều hạn chế….Thị trường BĐS hiện này đang có những vẫn đề rất cơ bản và cá nhân tôi cho rằng ảnh hưởng lớn đến sự vận hành của thị trường này và ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người dân và giới đầu tư.

 Nhắc đến BĐS, người dân nào cũng có thể nói rằng với đồng lương công nhân viên chức không bao giờ họ mua được một căn nhà tại Thủ đô và các thành phố lớn. Vậy mà giá nhà đất trong thời điểm thị trường sốt, nóng cứ tăng chóng mặt trong thời gian ngắn, ai cũng có thể trả lời được là do đầu cơ, người giầu mua rồi lại bán cho người giầu. Thế nên  khi nói thị trường đóng băng, khẳng định được luôn rằng không phải do nhu cầu ít đi, điều này ai cũng biết. Nhân đây tôi cũng xin kể một câu chuyện có chút liên quan. Trước đây có dịp được sang sinh sống tại một đất nước tại Châu Âu, tôi có quen người Việt Nam sinh sống lâu năm bên đó chuyên  mua nhà sửa sang và cho thuê, tôi hỏi họ sao không mua đi bán lại để ăn chênh lệch một khi đã đủ tiềm lực mua nhà, họ nói bên đó thuế đánh vào các giao dịch BĐS thứ cấp rất cao, nếu lần bán sau cao hơn lần mua trước của cùng một căn hộ, anh sẽ phải chịu thuế gần hết số lời đó. Thực sự là lợi nhuận không đáng bao nhiêu và các giao dịch đều qua ngân hàng nên ko có chuyện trốn thuế. Hệ thống định giá và môi giới nhà của họ rất chuẩn, cùng một căn nhà đó anh mua mà ko sửa sang lại cho đẹp đẽ, tiện dụng hơn thì khi bán lại vẫn chỉ giá đó, thế nên nếu sửa sang và bán lại, trừ đi số thuế thì có khi chẳng có lời. Ở Việt Nam thì đã thành luật bất thành văn, cứ kinh doanh BĐS là có lời, chỉ có điều có tiền mà mua hay không thôi.

 Trong Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 của Bộ Xây dựng soạn thảo gần đây đã nêu lên vấn đề thực hiện mua bán nhà đất đều phải thanh toán qua ngân hàng, đó chắc chắn là một ý kiến hay, vừa đảm bảo an toàn cho cả hai bên trong giao dịch vừa dễ kiểm soát và là cơ sở đặt ra các chế tài, chính sách phát triển thị trường hợp lý, kết hợp các sàn giao dịch và ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục xác nhận sở hữu, thanh toán. Từ đó có cơ sở thực hiện các luật thuế BĐS hạn chế đầu cơ. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn có thể mở rộng dịch vụ môi giới nhà (rất phổ biến ở nước ngoài) và cho vay mua nhà.

 Một bất cập khác đối với nguồn hàng của thị trường này hiện nay là nguồn vốn dài hạn cho BĐS chỉ dựa vào các NHTM, mà các định chế tài chính này chủ yếu huy động nguồn ngắn hạn từ trong dân, do vậy khi có biến động lãi suất lập tức đầu tư BĐS bị ảnh hưởng và tiềm ẩn nhiều rủi ro thanh khoản cho toàn hệ thống tài chính ngân hàng. Vấn đề được đặt ra từ lâu là phải thu hút được các quỹ và dân cư tham gia đầu tư vào thị trường này. Bộ Xây dựng cũng đưa ra ý kiến thành lập các quỹ tín thác bất động sản để mọi người dân đều tham gia được vào thị trường. Đây cũng là một ý hay nhưng theo tôi với tư duy “liều ăn nhiều” như người dân Việt Nam thì như thế vẫn là chưa đủ hấp dẫn. Nên chăng phát triển các sản phẩm tài chính có gốc BĐS tạo nguồn tài trợ cho thị trường (tuy nhiên cũng phải thận trọng kiểm soát thị trường này nếu nó quá nóng – ví dụ cụ thể là khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ thị trường này của Mỹ). Việc lo ngại là đúng nhưng không vì thế mà chúng ta gạt bỏ sản phẩm này, một công cụ rất hấp dẫn và hiệu quả. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, hiện nay tiền của, nguồn lực của toàn xã hội đổ vào BĐS nhưng khi nó đóng băng, không ai bẻ BĐS ra ăn được, tính thanh khoản của loại hàng hóa này rất thấp, nhưng nếu phát triển các sản phẩm tài chính có gốc BĐS thì ngay lập tức  BĐS biến ngược lại thành tiền :D.

 Trên đây là hai vấn đề tôi cho rằng rất cơ bản của thị trường BĐS Việt Nam: đầu cơ và thanh khoản. Nếu giải quyết được điều này cộng với các chính sách hợp lý có tầm nhìn của Nhà nước thì câu chuyện nóng – lạnh, đóng băng – bong bóng như hiện nay sẽ chỉ là chuyện của quá khứ 😀 (thậm xưng chút đỉnh :D)

Còn có con đường nào đẩy Mỹ đến suy thoái kép?

Hai tháng trở lại đây cụm từ suy thoái kép đã ngày càng trở nên quen thuộc và được nhắc đến nhiều, ai cũng lo ngại về một tương lai u ám của nền kinh tế và tài chính thế giới. Nhiều dấu hiệu được đưa ra chỉ rõ về một cuộc suy thoái kép từ Mỹ sẽ lan ra toàn cầu, cùng với những vẫn đề kinh tế, chính trị cấp thiết vẫn chưa được giải quyết triệt để tại Châu Âu, sự sụt giảm GDP của các nền kinh tế lớn khắp toàn cầu (kể cả Châu Á và Thái Bình Dương) khiến thế giới đang nín thở chờ đợi một điều ai cũng dự đoán: SUY THOÁI KÉP.

Bài viết này ko có ý định lật ngược lại hoàn toàn nhận định trên mà chỉ muốn chỉ ra một khía cạnh khác, một góc nhìn chủ quan khác, để góp một ý nhỏ vào cái nhìn tổng quát của các nhà đầu tư.

Hãy bắt đầu bằng một sự kiện gần đây nhất, mở đầu tuần này giới đầu tư trông ngóng, hy vọng về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu khi lãnh đạo 2 nước Pháp – Đức tìm kiếm một lối thoát chung cho khu vực, đồng thời, cùng mang lại tia sáng nào đó cho kinh tế toàn cầu trong cuộc họp tại Paris đã ko thành công khi cả hai chỉ đưa ra một tuyên bố chung mà ko thống nhất một gói kích cầu nào. Tuy nhiên sự thất bại này không hẳn là điều giới đầu tư thực sự quan tâm, điều thắc mắc hơn là tại sao IMF – một tổ chức đáng lẽ phải đóng vai trò quan trọng trong việc tìm giải pháp cho vấn đề này lại chưa có động thái gì, hoàn toàn im hơi lặng tiếng.

Quay ngược thời gian, vụ bê bối tình dục đẩy Giám đốc Quỹ này (IMF) đến việc phải từ chức, một Giám đốc mới lên thay (ngày 05/07) ngay lập tức (ngày 12/07) đã bổ nhiệm Zhu Min – một cố vấn người Trung Quốc mới làm việc cho IMF được 1 năm lên làm Phó giám đốc.

Cũng gần như ngay sau đó, S&P cảnh báo Mỹ có nguy cơ bị hạ bậc tín nhiệm nếu nước này không nâng trần nợ và cắt giảm nợ công bớt 4 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm. Một tháng sau, ngày 05/08, S&P đã hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+. Tiếp theo đó, sau bài phát biểu của ông Ben Bernanke (Fed) thông báo khả năng tăng cung vốn cho kinh tế Mỹ và cam kết giữ lãi suất thấp trong vài năm, Moody’s cũng đưa ra cảnh báo xem xét giảm bậc tín nhiệm đối với trái phiếu CP Mỹ. Ảnh hưởng tâm lý sau đó của giới đầu tư đã khiến vàng đạt ngưỡng 1.600USD/ounce. Và cũng gần như cùng lúc đó, Dagong Global – một tổ chức xếp hạng tín dụng Trung Quốc đã tuyên bố sẽ hạ bậc tín nhiệm của Mỹ do lo ngại nguy cơ suy thoái kéo dài của nền kinh tế này. Theo Dagong, Mỹ sẽ phải cắt giảm thâm hụt ít nhất 4 nghìn tỷ USD trong vòng 5 năm tới để có thể duy trì khả năng thanh toán. Ngoài ra, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ chậm lại 2,5% trong năm 2011 và 2012 do các chính sách thắt chặt tiền tệ.

Quy trở lại với động thái được cho là đầu tiên khiến tình hình kinh tế Mỹ có vẻ xấu xí đi ngay lập tức và dẫn đến hiệu ứng lo ngại kéo dài gần đây: việc S&P hạ bậc tín bậc tín nhiệm của Mỹ. Thực tế S&P đã mất uy tín từ lâu và cũng chính S&P khơi mào và cùng các cơ quan xếp hạng tín dụng khác đóng vai trò to lớn trong việc tạo ra cuộc khủng hoảng thứ nhất khi xếp hạng AAA cho những tổ chức hỗ trợ tài sản thế chấp, gián tiếp gây ra cuộc khủng hoảng tín dụng nhà ở mở đầu cho khủng hoảng tài chính ở Mỹ và sau đó là toàn thế giới. S&P cũng xếp hạng A cho Lehman Brother và khi tập đoàn này phá sản, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính thì cơ quan này chỉ đưa ra một bản báo cáo phủ nhận hoàn toàn nhận định trước đó của mình. Và ngày nay, sau những sai lầm đáng hổ thẹn của mình, S&P lại tiếp tục hạ bậc tín nhiệm của Mỹ – mẫu quốc của mình. Theo báo chí, trước khi hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ, cơ quan này đã báo cáo sơ bộ cho Bộ tài chính Mỹ và bị phát hiện ra lỗi sai sót khi báo cáo tính nhầm hơn 2000 tỷ USD. Quan trọng là S&P đã thừa nhận sai lầm của mình nhưng vẫn không thay đổi quyết định hạ mức xếp hậng tín dụng đối với mẫu quốc.

Với hàng loạt những điều hiện ra trước mắt toàn thế giới, chắc hẳn ai đó cũng đã thắc mắc liệu Trung Quốc có đứng đằng sau toàn bộ chuyện này. Với cá nhân tôi, những vấn đề của Mỹ và Châu Âu là hoàn toàn xuất phát từ bên trong nền kinh tế vốn đã có sẵn nhiều “vấn đề”, nhưng nó có thực sự u ám và đáng lo ngại như bây giờ không thì lại là một câu hỏi khác. Với những gì chúng ta nhìn thấy cũng đã gợi lên những thắc mắc, vậy thì thực sự đằng sau đó chắc còn có những câu chuyện có thể đã rất khác.