Những chuyển biến tích cực trên thị trường tiền tệ

Huy động vốn:

Chấp hành Chỉ thị 02 của NHNN, tính đến đầu tuần trước, 34/42 NHTM đã có văn bản chỉ đạo nội về việc thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động. Quyết tâm hạ lãi suất của NHNN cũng được thể hiện thông qua viêc xử lý nghiêm trường hợp của DongABank và Agribank. Theo đó, thị trường lãi suất tuần qua khá sôi động khi hàng loạt NH công bố đưa lãi suất về 14%, có NH đẩy lãi suất không kỳ hạn (1 ngày) lên tới 14%, ngoài ra, Techcombank, KienLongBank và SeABank có động thái tăng lãi suất nhưng chỉ tăng với 1 số kỳ hạn dưới 12 tháng và mức tăng cao nhất cũng chỉ lên đến trần 14%.

Theo đó, lãi suất huy động dường như đã về đúng mức mà NHNN mong muốn. Việc áp dụng lãi suất 14% đã khiến hàng loạt các NHTMCP nhỏ đã bị rút vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng do khách hàng tái cơ cấu tiền gửi, tập trung tiền vào những ngân hàng có uy tín lớn hơn. Như vậy, mặc dù đường cong lãi suất vẫn còn khá căng thẳng khi khách hàng gửi tiền dù là kỳ hạn 1 ngày hay 12 tháng đều được hưởng mức chung 14%/năm thì tín hiệu tích cực ở đây là khi lãi suất ở mọi ngân hàng đều bằng nhau, khách hàng đã bắt đầu quan tâm đến uy tín, rủi ro khi lựa chọn ngân hàng để gửi tiền.

Ngoài ra, trước đây khi lãi suất huy động được đẩy lên cao khiến phát sinh nhu cầu ủy thác đầu tư của NH, nhu cầu gửi tiền hưởng lãi suất thay vì tiêu dùng hoặc đầu tư khác của người dân, đồng thời, các DN có tiền mặt có thể lợi dụng cơ hội để gửi tiền hưởng lãi suất cao thay vì đầu tư sản xuất kinh doanh. Theo đó, khi lãi suất được đưa về mức thấp như hiện tại, việc rút tiền phục vụ các mục đích bị trì hoãn trước đây của người dân, DN, NH tất yếu xảy ra, con số huy động vốn sẽ trở nên thực chất hơn, đồng thời giúp giảm chi phí xã hội nói chung do cuộc đua lãi suất gây ra.

Cho vay:

Cùng với việc đồng loạt hạ lãi suất huy động, hàng loạt ngân hàng đã thông báo về việc cung những gói vốn lãi suất 17-19% phục vụ sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, 1 số trường hợp đặc biệt có thể hưởng lãi suất thấp hơn. Điển hình là VCB 3000 tỷ đồng, BIDV 10.000 tỷ đồng, SHB 3.800 tỷ đồng, Eximbank 4.000 tỷ đồng, Sacombank 2.000 tỷ đồng, NamABank 50 triệu USD và 500 – 1.000 tỷ đồng, ABBank 1.000 tỷ đồng,…

Như vậy, với khối lượng tín dụng giá rẻ cung ra thị trường lên tới khoảng 40 nghìn tỷ đồng này sẽ giúp dòng vốn tích cực đổ vào kênh sản xuất kinh doanh vốn liên tục khát vốn từ đầu năm tới nay. Đồng thời, cùng với việc lãi suất huy động đầu vào thấp đang trung hòa dần chi phí vốn bình quân của ngân hàng, lãi suất cho vay tiêu dùng cũng được kỳ vọng sẽ giảm trong thời gian tới. Tín hiệu tích cực cũng đến từ lĩnh vực bất động sản khi NHNN quyết định phân loại đối tượng để mở cửa cho vay với lĩnh vực này. Song song với NHNN, Bộ Xây dựng cũng họp bàn đưa ra 3 giải pháp để giúp phát triển thị trường bất động sản gồm tăng cường quản lý liên ngành, kiểm soát nguồn vốn và tăng tỷ lệ xây dựng nhà chung cư. Theo đó, mặc dù chưa có nhiều cơ sở để cho rằng thị trường này sẽ khôi phục trở lại song những điều chỉnh thích hợp từ cơ quan quản lý hiện nay đang đóng góp tích cực giúp chặn đà suy thoái của thị trường bất động sản.

Liên ngân hàng:

Thông tin về việc thành lập nhóm G12+1 gồm 12 NHTM lớn nhất và NHNN nhằm nâng cao tính tương tác với thị trường, tăng cường tái cấp vốn cho Vietinbank và Agribank, đồng thời NHNN tuyên bố sẽ tái cấp vốn, hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn, mở rộng kênh OMO nếu cầu vốn làm lãi suất tăng được cho là sẽ có ảnh hưởng tích cực nhất định đến thị trường.

Biểu hiện đầu tiên thể hiện ở 2 phiên OMO cuối tuần khi khối lượng dự thầu thấp hơn khối lượng NHNN chào nguồn. Theo đó, có thể đánh giá tình hình thanh khoản của những NH nắm giữ nhiều giấy tờ có giá hiện đang ở mức khá tốt.

Thêm vào đó, mặc dù nhiều NH bị sụt giảm mạnh tiền gửi song lãi suất trên thị trường LNH thường xuyên giảm hoặc duy trì ổn định trong suốt tuần. Điều này có thể được giải thích do hiện tại toàn hệ thống đang dư thừa tiền gửi VND nên việc tiền gửi sụt giảm sẽ chưa ảnh hưởng đến lãi suất LNH ngay lập tức. Tuy nhiên, khi tình trạng này kéo dài, tất yếu sẽ xuất hiện những NH thiếu thanh khoản kéo theo nguy cơ tăng lãi suất LNH. Tuyên bố trên của NHNN được cho là sẽ giúp nhiều NH yên tâm phần nào về tình hình thanh khoản trong tương lai.

Tuy nhiên, đối với riêng thị trường LNH, những chuyển biến tích cực này có thể chỉ trong ngắn hạn. Việc các NH yên tâm về thanh khoản khi có NHNN đứng sau là có thật. Tuy nhiên, tái cấp vốn cho những NH nhỏ thường đi kèm điều kiện ràng buộc (kiểm soát hoạt động, bị sở hữu,…), theo đó, một mặt NHNN sẵn sàng tái cấp vốn, một mặt những NH nhỏ cũng sẽ cân nhắc có nhận nguồn tái cấp vốn đó của NHNN hay không. Theo đó, khi những NH nhỏ đối mặt với việc thiếu thanh khoản, nguy cơ lãi suất LNH tăng theo là khá cao.

Đánh giá tác động của việc tăng DTBB ngoại tệ thêm 1%

Quyết định số 1925/QĐ-NHNN

Ngày 26/08/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1925/QĐ-NHNN về việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng thêm 1%. Theo đó, DTBB đối với tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn dưới 12 tháng tăng từ 7% lên 8%, với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng từ 5% lên mức 6%. Quy định này có hiệu lực kể từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 9/2011. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm, NHNN nâng dự trữ bắt buộc ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng.

Tính từ đầu năm đến 20/07/2011, chênh lệch giữa huy động và tín dụng ngoại tệ ước khoảng 5 tỷ USD và vẫn có xu hướng tăng dần. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, mục đích chính của việc ban hành quy định tăng DTBB bằng ngoại tệ là nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong bối cảnh huy động sụt giảm đáng kể trước các chính sách chống đô la hóa của NHNN, qua đó giúp giảm áp lực tỷ giá vào cuối năm.

mat can doi tin dung huy dong

Ngoài ra, tăng dự trữ bắt buộc cũng giúp tăng lượng vốn phòng ngừa rủi ro thanh khoản USD cho các NHTM, đồng thời là bước chuẩn bị để NHNN sử dụng các biện pháp làm tăng cung VND nhằm mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất sắp tới.

Đánh giá tác động:

Thu hẹp cung tín dụng ngoại tệ

Thông qua việc tăng DTBB thêm 1% với tiền gửi ngoại tệ, NHNN đã khiến lượng ngoại tệ các TCTD có thể cho vay giảm xuống. Theo tính toán của chúng tôi, tính đến thời điểm 20/07/2011, tổng huy động ngoại tệ trên toàn hệ thống ước khoảng 22,9 tỷ USD, do đó khi DTBB ngoại tệ tăng thêm 1%, lượng vốn ngoại tệ có thể cho vay sẽ giảm khoảng 229 triệu USD, cũng ứng với lượng vốn dự phòng cho rủi ro thanh khoản ngoại tệ tăng thêm 229 triệu USD.

Thu hẹp lãi suất cho vay giữa VND và ngoại tệ

Ngoài ra, việc DTBB ngoại tệ tăng thêm 1% lên các mức 8% và 6% sẽ làm tăng chi phí huy động vốn thực tế của ngân hàng thương mại thêm khoảng 0,04%, theo đó khiến lãi suất cho vay ngoại tệ tăng, cùng với chủ trương giảm lãi suất cho vay VND về mức 17-19%, sẽ thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay giữa VND và ngoại tệ. Mức chênh lệch trước đây khoảng 13% (cho vay USD khoảng 8%, cho vay VNĐ khoảng 21%) sẽ giảm xuống còn 8-10% (cho vay ngoại tệ có thể tăng lên 8,5 – 9%, cho vay VNĐ chủ trương giảm về 17-19%), qua đó các NHTM có thể dễ dàng hơn trong việc thuyết phục khách hàng chuyển từ vay USD sang vay VNĐ.

Tuy nhiên, tăng DTBB trong bối cảnh huy động ngoại tệ đang gặp nhiều khó khăn có thể gây sức ép đến thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có sự mất cân đối lớn giữa huy động và cho vay ngoại tệ trong thời gian qua. Theo đó, lãi suất huy động ngoại tệ trên cả thị trường 1 và thị trường 2 đều chịu sức ép tăng trong ngắn hạn.

NHNN đã can thiệp ổn định tỷ giá

Hôm qua, theo nguồn tin không chính thức, NHNN đã can thiệp, bán ra và giúp tỷ giá giảm khá mạnh, từ mức 20935-20955 hôm 9/8 xuống còn 20820-20830 hôm qua. Sáng nay giá vàng thế giới tăng mạnh, tạo đỉnh mới cao hơn đỉnh hôm 9/8 khoảng 30$, nhưng giá vàng trong nước vẫn thấp hơn đỉnh 46,2 (hiện tại bán ra tầm 45); Tỷ giá LNH có tăng theo tâm lý lên quanh 20880 – 20890, nhưng giao dịch trầm lắng, khả năng sẽ giảm do phát biểu sáng nay của thống đốc:

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Đến cuối năm tỷ giá biến động tối đa 1%

Như vậy NHNN sẽ làm mạnh vụ tỷ giá, qua đó tác động từ tỷ giá sang thị trường vàng, mục tiêu lạm phát, tâm lý người dân sẽ bị hạn chế theo mục tiêu ổn định. Khác năm ngoái, NHNN chỉ can thiệp được thị trường LNH và bất lực trước diễn biến thị trường chợ đen, năm nay khi chợ đen bị kiểm soát, việc NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát thị trường LNH. (chắc không NHTM nào dám vuốt mặt thống đốc mới!).

Ngoài ra, 2 hôm nay báo chí đăng khá nhiều bài lên án hiện tượng đầu cơ vàng : Vạch mặt ‘đại gia’ thao túng giá vàng, có thể đó là lý do khiến các tổ chức đầu cơ chột dạ, phải thận trọng hơn, giá vàng trong nước đã giảm so với đỉnh thứ 3 dù giá vàng thế giới đang tạo đỉnh mới. Giờ chỉ cần NHNN có thông báo điều tra hiện tượng thao túng giá vàng (thực ra cũng chỉ quanh mấy ông xuất khẩu vàng lớn đợt rồi) thì giá vàng trong nước sẽ ổn định ngay.