[THẢO LUẬN] Tác Động của G12+1 tới Hệ Thống NHVN

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đưa ra hàng loạt các giải pháp hướng tới mục tiêu đưa hoạt động hệ thống Ngân hàng vào nề nếp nhằm nâng cao uy tín của toàn hệ thống. Một trong những biện pháp đó là thành lập nhóm G12+1 gồm 12 ngân hàng hàng đầu của Việt Nam (chiếm gần 80% thị phần hoạt động ngân hàng) và NHNN. Nhóm G12+1 ra đời với mục đích trao đổi hoạt động nghiệp vụ, đồng thời cập nhật và thảo luận kip thời những vấn đề thời sự trong toàn ngành. NHNN cho rằng việc cho phép các NHTM tham gia vào quá trình xây dựng chính sách sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của NHTM trong quá trình thực thi chính sách.

Theo tôi, việc thành lập G12+1 là một giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo các chính sách của NHNN đưa ra sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc do nhận được sự đồng thuận của nhóm các NHTM có thị phần lớn này. Đồng thời, việc thành lập G12+1 sẽ góp phần nâng cao tương tác giữa cơ quan quản lí và đối tượng được quản lí từ đó các chính sách được đưa ra sẽ bám sát hơn với thực tế. Ngoài ra, việc duy trì một cơ chế đối thoại thường xuyên giữa NHNN và nhóm các NHTM sẽ giúp NHNN kiểm soát kịp thời hoạt động của toàn ngành, đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, việc thành lập G12+1 có thể phát sinh một số vấn đề đáng quan ngại. G12+1 ra đời có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các NHTM trong và ngoài nhóm. Thực tế cho thấy, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh rất nhạy cảm với niềm tin (confidence-sensitive) vì vậy uy tín là một trong những tiêu chí quan trọng tạo lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này. Hiện tại, Việt Nam chưa có những chỉ tiêu công khai nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe của từng NHTM. Vì vậy, việc NHNN thành lập G12+1 với tiêu chí lựa chọn không được công bố chính thức sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh của những ngân hàng trong nhóm do người gửi tiền cũng như những nhà đầu tư  có sự phân biệt giữa các ngân hàng trong và ngoài nhóm. Chính điều này có thể phát sinh mâu thuẫn giữa các ngân hàng.

Đồng quan điểm với ông Cao Sỹ Kiêm-Nguyên Thống đốc NHNN, tôi cho rằng việc các NHTM ngoài nhóm không có cơ hội đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng chính sách của NHNN khiến quyền lợi của họ không được đảm bảo. Từ đó, các ngân hàng này có thể bị đẩy vào thế cô lập và gặp khó khăn trong hoạt động.

Ngoài ra, việc hình thành G12+1 có thể dẫn tới tình trạng các chính sách của NHNN sẽ chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm ngân hàng lớn thay vì hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn và lợi ích của hệ thống ngân hàng cũng như toàn nền kinh tế. Thực tế hiện nay các NHTM lớn đặc biệt là các NHTM Nhà Nước (NHTM NN) có hoạt động tương đối rủi ro với tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức cao và mức độ an toàn vốn thấp. Cụ thể, tính tới thời điểm 30/06/2011, tỷ lệ nợ xấu của Agribank, Vietcombank đều ở mức rất cao lần lượt là 6,67% và 3,47%, trong khi đó hệ số an toàn vốn tối thiểu của các NHTM NN năm 2010 chỉ xấp xỉ ở mức 9%. Vì vậy, tôi lo ngại việc đảm bảo lợi ích của những NHTM NN này có thể đẩy hoạt động của toàn hệ thống lên mức độ rủi ro cao hơn.

Việc NHNN thành lập G12+1 hướng tới mục tiêu trao đổi nghiệp vụ, nâng cao tính tương tác giữa NHNN và thị trường cho thấy sự mờ nhạt của Hiệp hội ngân hàng trong vai trò làm cầu nối giữa các NHTM với cơ quan nhà nước cũng như tham gia vào việc xây dựng và thúc đẩy quá trình thực thi các chính sách của NHNN.

Tôi cho rằng, để tránh những tác động tiêu cực tới toàn hệ thống cũng như góp phần xây dựng hệ thống lành mạnh và hiệu quả, hoạt động của G12+1 phải thực sự minh bạch và mang tính hiệu quả cao. NHNN nên đưa ra các tiêu chí lựa chọn ngân hàng vào nhóm thực sự rõ ràng và công khai để tránh gây ra những hiểu lần cho người dân và nhà đầu tư. Đồng thời, NHNN cần tạo điều kiện để các ngân hàng nhỏ với hoạt động hiệu quả và tình hình tài chính lành mạnh có cơ hội đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách. Điều này sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh và sự phát triển bền vững của toàn hệ thống. Tôi cũng muốn nhấn mạnh, trong bối cảnh NHNN cần tới sự đồng thuận cao, G12+1 là một công cụ điều hành cần thiết tuy nhiên việc duy trì và sử dụng công cụ này cần có sự linh hoạt nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo lợi ích chung của toàn ngành.

17 bình luận to “[THẢO LUẬN] Tác Động của G12+1 tới Hệ Thống NHVN”

  1. minhbagia Says:

    Cá nhân tôi cho rằng việc thành lập nhóm G12+1 này có nhiều mục đích quan trọng đấy 🙂 Chả biết nói thế nào vì khó nói quá. Mọi người giải đáp hộ tôi câu hỏi này để lý giải vấn đề khó nói nhé: “Tại sao phải thành lập nhóm G12 + 1 trong khi có cả 1 Hiệp hội Ngân hàng đã có từ bao lâu nay?” Thực tế vài năm trước đây, HHNH đã phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc kêu gọi sự đồng thuận về lãi suất (không cần mệnh lệnh hành chính của NHNN) hay làm đầu mối đưa ra những khuyến nghị hữu ích gửi NHNN giúp cho hoạt động của cả hệ thống tốt hơn. Tôi thích bài viết này nhưng tôi không đồng tình với quan điểm “Việc NHNN thành lập G12+1 hướng tới mục tiêu trao đổi nghiệp vụ, nâng cao tính tương tác giữa NHNN và thị trường cho thấy sự mờ nhạt của Hiệp hội ngân hàng trong vai trò làm cầu nối giữa các NHTM với cơ quan nhà nước cũng như tham gia vào việc xây dựng và thúc đẩy quá trình thực thi các chính sách của NHNN”. Tôi không nghĩ là HHNH mờ nhạt mà là người ta muốn dùng một hội khác.

    • Nguyen Manh Hai Says:

      Theo thiển ý của mình thì, trong các giải pháp tăng cường tính hiệu quả thực thi chính sách, việc tạo ra đồng thuận là tốt nhất nhưng quá khó khăn, chưa kể là “đồng thuận hình thức còn sau lưng thì mạnh ai nấy làm”! Chính vì thế, việc tạo ra các nhóm “ưu tú” (élite group) thường được sử dụng. Tuy có thể có các tác dụng phụ, nhưng vẫn có các giải pháp để xử lý đúng như các ý của tác giả đưa ra.

      HHNH vẫn giữ vai trò trung lập và khách quan nhất, còn G12+1 sẽ có những vai trò và thách thức riêng. Mình nghĩ là hai tổ chức này bổ sung, hỗ trợ cho nhau tốt hơn.

      Cảm ơn tác giả bài viết!

      • ngandtk Says:

        Em cảm ơn anh Mạnh Hải rất nhiều, em cũng có đồng quan điểm với anh về việc G12+1 và HHNN sẽ bổ sung và hỗ trợ cho nhau.

    • ngandtk Says:

      Em rất cảm ơn ý kiến phản hồi của chị Minh. Cá nhân em cho rằng trong những giai đoạn khác nhau cần có những giải pháp linh hoạt để có thể giải quyết được những khó khăn phát sinh. Thực tế chỉ ra rằng hiện nay NHNN đang rất cần sự đồng thuận từ phía toàn bộ hệ thống để các chính sách đưa ra được thực thi một cách nghiêm túc và hiệu quả. Không thể phủ nhận vai trò của HHNN, tuy nhiên trong thời điểm hiện tại em nhận thấy HHNN đã thất bại trong việc kêu gọi các thành viên để tạo được sự đồng thuận. Vì vậy thành lập G12+1 là một giải pháp cần thiết ở giai đoạn này.
      Trong quá trình tìm hiểu em cũng nhận thấy vai trò của G12 có nhiều điểm tương đồng với HHNN. Vì vậy việc thành lập và duy trì hoạt động định kì của G12+1 có thể là dấu hiệu cho thấy NHNN muốn sử dụng G12 để thay thế HHNN đang tồn tại trước đây. Tuy nhiên giả thuyết này cần có thời gian để kiểm chứng.
      P/S: Cá nhân em thấy anh Mạnh Hải có ý kiến rất hay về việc hai tổ chức này sẽ hỗ trợ và bổ sung cho nhau.

  2. Selfer Says:

    Chủ đề rất hay, thanks tác giả nhiều.
    Ngoài nhón 12+1 thì NHNN cũng list 5 NH có tình trạng mất cân đối nguồn để giám sát chặt chẽ.

    Như vậy có thể nói NHNN đang sử dụng chính sách “chia để trị”, “nắm kẻ có tóc”, điều đó phần nào gây ra hiện tượng phân biệt đối xử hay mất bình đặng giữa các NH.

    Tuy nhiên, Nói đi cũng phải nói lại, chính các NH nhỏ mất cân đối nguồn là tác nhân phá trần lãi suất các lần trước, làm giảm hiểu quả chính sách của NHNN đi rất nhiều.

    Ngoài ra, Nếu mục tiêu của bác Bình là M&A hệ thống NH, loại bỏ các NH nhỏ hoạt động yếu kém, củng cố sức mạnh cho các NH lớn trước khi khủng hoảng kép ập vào thì các bước đi hiện tại lại hoàn toàn phù hợp.

    • Võ Văn Minh Says:

      Mình cũng nghĩ về khả năng có thể xuất hiện M&A trong hệ thống ngân hàng hoặc hệ thống ngân hàng sẽ phải cấu trúc lại theo hướng các ngân hàng nhỏ sẽ chuyển sang hình thức các ngân hàng vùng – khu vực chứ không được tập trung cạnh tranh nhau trên khắp cả nước. Điều này có 2 mục tiêu: 1 là, những nhu cầu về dịch vụ ngân hàng sẽ ở khắp các địa phương, khắp các mảng. 2 là, sự tập trung ở hệ thống G12 sẽ tốt cho viêc NHNN ra chính sách và các chính sách tiền tệ ngày một hiệu quả hơn. Khi đó thì các chính sách tiền tệ mới thực sự là thị trường, theo nguyên lý cung cầu với sự cạnh tranh của 12 ngân hàng lớn có quy mô không chênh lệch nhau quá nhiều. Các ngân hàng khu vực và ngân hàng địa phương chỉ phải cạnh tranh với các ngân hàng đồng cấp mà thôi.

  3. Selfer Says:

    Mình hỏi khó tác giả một câu nhé:
    Theo bạn, G12 gồm những NH nào ?

    • ngandtk Says:

      Cảm ơn bạn Selfer rất nhiều, ý kiến về việc NHNN muốn loại bỏ các NH nhỏ với hoạt động yếu kém thông qua M&A hệ thống NH mình cũng đã từng nghĩ tới tuy nhiên chưa có đủ bẳng chứng để support cho ý này nên mình sẽ tìm hiểu và rất mong có cơ hội trao đổi kĩ hơn với bạn về vấn đề này.

  4. anhdnt Says:

    Gửi bạn Selfer,
    Với câu hỏi của bạn, theo như mình tìm hiểu (thông tin không chính thức từ 4rum: http://ub.com.vn/threads/3129-Se-lap-nhom-ngan-hang-G12-1-?p=27660#post27660)

    Photobucket

    thì G12 gồm 4 NHQD (BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank), Techcombank, Maritime, MB (trụ sở chính ở Hà Nội), ACB, Sacombank, Eximbank (trụ sở chính ở TP.HCM), và (có thể) 02 là VIB và VP Bank. Tất nhiên, đây là thông tin mình tìm hiểu qua một số diễn đàn, vì vậy bạn tham khảo nhé. Nhân đây, mình hỏi bạn một câu nhé, nhóm G12+1 thì 1 ở đây là gỉ nhỉ? 🙂

  5. Selfer Says:

    Nhân tiện tác giả có thể chia sẻ cho mình tiêu chí lựa chọn ra 12 NH được ưu ái này là tiêu chí gì vậy? NHNN không công bố công khai 12 NH, cũng không công bố tiêu chí 1 cách minh bạch làm thiên hạ đồn đoán khâu lựa chọn có thể có gì không thể công khai được?

    • ngandtk Says:

      Theo thông cáo báo chí của NNHH ngày 26/08/2011, NHNN đã lựa chọn ra 12 NH với tuyên bố đây là 12 NH hàng đầu VN (chiếm gần 80% thị phần hoạt động NH): 4 NHTM NN (Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank) và 8 NHTM CP là ACB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, MB, VIB, MSB, VPBank. Tuy nhiên, danh sách chính thức G12 vẫn chưa được công bố.

  6. minhbagia Says:

    “…Có vẻ như câu chuyện “tố” nhau nói trên vẫn chưa dừng lại ở chốn thị phi, một số lãnh đạo ngân hàng còn mở rộng thêm: tại sao đã có Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bây giờ lại phải có thêm “G12 + 1”? Ai đảm bảo rằng, “G12 + 1” không được hưởng đặc quyền, đặc lợi và lũng đoạn chính sách? Nhóm “G12 + 1” có ỷ thế được Ngân hàng Nhà nước nuông chiều, để rồi hù dọa những đối thủ và/hoặc “hè” nhau có chung thỏa thuận phản cạnh tranh?

    .” Trích từ bài đăng trên vneconomy: http://vneconomy.vn/20110920051616195P0C6/dang-sau-nghi-an-donga-bank-bi-choi-xau.htm

    Ke ke, có vẻ có người có suy nghĩ giống mình 🙂

  7. Nguyen Manh Hai Says:

    Chủ đề này biết là đưa ra sẽ “hot” mà 🙂 Mình thì nhìn qua lăng kính của 2 thái cực này:

    1. NHNN, sau khi nghiên cứu, tham khảo ý kiến, sau đó đưa ra chính sách – gồm những biện pháp hành chính chặt chẽ, làm mạnh quá thì gây sốc, không đủ chặt thì thành ra nhờn, lách… Vẫn bị kêu!

    2. Thông qua HHNH kêu gọi sự đồng thuận – nhưng khổ nỗi đồng thuận thì vẫn là hình thức – vì làm gì có chế tài? Chả ai bắt được các NH lớn phải cứu các NH nhỏ cả, nên NH nào cũng vẫn đi cửa sau để tận dụng cơ hội… Vẫn chẳng giải quyết được gì cả! Cái này không phải do HHNH mờ nhạt, mà đơn giản vì Việt Nam nó thế!

    Vì thế giải pháp ở giữa chính là lập nhóm ưu tú G12+1! Còn việc có lũng đoạn, đặc quyền phi cạnh tranh… nếu có thì tội vạ do NHNN chịu. Mình chả nghĩ NHNN lại để như vậy. Và suy cho cùng, thì nhóm lợi ích ở đâu chả có? Hợp thức hóa lại có khi hay! Minh bạch, công khai thế, nếu G12 làm gì không ổn, bị ném đá ngay! Tóm lại, mình cho rằng G12 rất là thú vị đấy!

  8. Selfer Says:

    Thanks bạn Ngân đã chia sẻ, ^ ^
    Đề tài này sở dĩ hay vì ngoài tính thời sự nó còn dám đề cập đến vấn đề tương đối nhậy cảm ^ ^.

    Điều đáng nói ở đây là EAB ngay từ đầu đã không được list vào nhóm ưu ái dù thị phần không hề kém VPB.
    Ngay sau đó là thông tin Axx “chơi xấu” EAB khiến NH này 1 năm không được mở rộng, trong bối cảnh các NH đều tiến lên thì EAB coi như đang thụt lùi.

    Đáng quan tâm là tình trạng thụt lùi sẽ không chỉ EAB phải chịu, mà sẽ là tình trạng chung của các NH nhỏ:

    Cùng với việc lập G12 khiến các NH nhỏ mất hẳn lợi thế cạnh tranh về huy động, các quy định về TCV cho NH nhỏ với thế chấp là vốn điều lệ hoặc coi như phần vốn góp của NHNN…sẽ khiến các NH nhỏ chịu sức ép thu hẹp trong thời gian tới. (Tất nhiên cùng lúc đó nhóm G12 sẽ “phình to” với tốc độ nhanh hơn ^ ^)

    Và đến 1 lúc nào đó, khi điều kiện chín mùi, hoạt động thôn tính giữa “cá lớn” và “cá bé” sẽ diễn ra ^ ^

    Có lẽ đó mới là vấn đề chính mà topic của bạn hướng đến? “Tác động đến hệ thống NHVN”, ở đây là thay đổi về chất lượng, và khốc liệt hơn là “số lượng”.

    Quá trình thay đổi về số lượng đó diễn ra như thế nào? căng thẳng hay không? điều gì sẽ xúc tiến quá trình đó nhanh hơn (chính sách của NHNN, chiêu thức cạnh tranh của “cá lớn”…) là những vấn đề mà ở vị thế NH nhỏ không thể không tính đến ^ ^
    (Gần đây, hoạt động thôn tính ngầm một số NH nhỏ đang diễn ra, không kể vụ STB nổi đình nổi đám nhé ^ ^ – chẳng biết đứng sau các vụ mua gom cổ phần các NH nhỏ đó là 1 đại gia nào đó hay lại là các gương mặt quen thuộc ^ ^)

  9. Nguyen Manh Hai Says:

    Một số bạn có những nhận định rất thú vị về nhóm G12+1 🙂 Cảm ơn các bạn đã chia sẻ! Cá nhân mình hoàn toàn đồng ý rằng việc nâng cao chất lượng ngành NH Việt Nam là điều ai cũng mong đợi, và rõ ràng là nhiệm kỳ NHNN lần này đã thể hiện quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu đó. Muốn thay đổi về chất, trước tiên cần có biến chuyển đủ về lượng, do đó, những NH yếu kém nhất trong hệ thống cần phải có sự thay đổi, dù là bằng tái cấu trúc hay M&A thì cũng chỉ là một số trong những giải pháp có thể thôi.

    Ngoài ra, có một điểm mình nghĩ là nên phân biệt rõ ràng “NH nhỏ” với “NH yếu kém” 🙂 có rất nhiều NH nhỏ nhưng có chiến lược rõ ràng, lợi thế cạnh tranh tốt, và hoạt động hiệu quả, rủi ro trong tầm kiểm soát. Thực tế cho thấy, có những NH có quy mô rất lớn nhưng không có tính bền vững! Thời gian qua, rất nhiều người chỉ so sánh NH “to” với “nhỏ”, thay vì phân tích thực chất từng ngân hàng. Theo thông tin của riêng mình, NHNN đang cân nhắc không quy định cứng phải tăng vốn pháp định lên 5.000 hay 10.000 nữa 🙂 Theo mình đây là một định hướng phù hợp hơn.

  10. Mất tiền mất bạc Says:

    1) Agribank
    2) BIDV
    3) Vietinbank
    4) Vietcombank
    5) ACB
    6) Techcombank
    7) Sacombank
    8) MB
    9) Eximbank
    10) Maritime Bank
    11) VIB
    12) SCB
    +1: VPBank or SBV

  11. Selfer Says:

    Đồng ý với a Hải là không thể đánh đống nhỏ với yếu kém bởi ở VN rất to mà yếu kém (quản lý kém, nợ xấu lớn) cũng không hiếm ^ ^.
    Vấn đề ở đây là thiên hạ bàn tán có sự phân biệt đối xử giữa G12 và nhóm còn lại. Tại sao cũng bị một lỗi ” trích tiền cá nhân trả lãi vượt 14%” nhưng 1 bên bị phạt nặng, 1 bên chỉ bị phạt nhẹ hơn nhiều? Sự phân biệt này sẽ đẩy một nhóm đi lên, 1 nhóm bị o ép nhiều hơn.

    Thử đánh giá chiến lược cạnh tranh của các NH gồm những gì sẽ thấy yếu thế của nhóm còn lại:
    – Một số NH cho rằng mình có lợi thế về nguồn do có DN lớn đứng sau: thực tế rất nhiều NH có lợi thế này, hẳn nhiên nhóm G12 thì không những có DN lớn mà cả nhóm lợi ích lớn đứng sau nữa. Phàm cái gì ai cũng có thì chưa hẳn đã là lợi thế ^ ^.
    – Về huy động: các NH có thể cạnh tranh nhau bằng gì:
    + Product – Sản phẩm: nhóm sản phẩm huy động thì bắt chước rất dễ, 1 NH có 14%/ngày thì ngay lập tức NH khác cũng có
    Về nhóm sản phẩm dịch vụ hướng tới ngân hàng bán lẻ thì ACB và Tech đã đi rất sớm, lại thêm các NH nước ngoài vốn rất nhiều các gói sản phẩm dịch vụ trọn gói, tiện lợi hơn, liệu các NH “nhỏ” có theo kịp không chứ chưa nói đến cạnh tranh.
    + Price: Đồng huy động 14% thì ai chả như nhau.
    + Promotion: Về phần quảng cáo khuyến mại thì cơ bản NH lớn, ngân sách cho quảng cáo nhiều sẽ có lợi thế hơn. Thương hiệu cũng nổi tiếng hơn.
    + Distribution: ở đây hiểu là số lượng chi nhánh, phòng giao dịch: Cái này thì rõ ràng NH lớn có lợi thế.
    + People: khó nói nhân sự ở đâu tốt hơn, nhưng rõ ràng NH lớn với chế độ đãi ngộ tốt dễ thu hút nhân tài và thậm chí “câu nhân sự” của NH nhỏ hơn.

    Như vậy, các lợi thế cạnh tranh của NH nhỏ về cơ bản thua kém NH lớn, xưa nay cạnh tranh huy động giữa các NH chủ yếu bằng giá (lãi suất), họ huy động kém hơn nên chấp nhận trả lãi suất cao hơn, giờ đánh đồng lãi suất 14% thì lợi thế đó mất hẳn. Huy động thu hẹp, tín dụng ắt cũng thu hẹp theo, thị phần qua đó sẽ giảm.
    Ngược với quá trình đó, NH lớn sẽ ngày càng mở rộng.


Bình luận về bài viết này