Hình thức đầu tư mạo hiểm – Tiềm năng phát triển tại Việt Nam (Phần 1)

Bạn có ý tưởng kinh doanh rất hay và đang từng bước triển khai thực hiện ý tưởng đó. Nhưng bạn thực sự lúng túng trước một núi công việc của một công ty mới thành lập (start-up) như quản lý, tài chính, kế toán, marketing…? Kế hoạch kinh doanh của bạn tuyệt hay nhưng đi kèm với đó là vô cùng mạo hiểm, bạn không muốn trút hết hầu bao của mình và gia đình vào kế hoạch này? Công ty của bạn đang trên đà phát triển, số lượng hợp đồng, doanh số ngày càng tăng. Nhu cần mở rộng kinh doanh tỏ ra cấp thiết để sản phẩm dịch vụ của bạn có thể khẳng định được vị trí trên thị trường. Tuy nhiên để thuê thêm địa điểm, nhân lực, chi phí quảng cáo, marketing…rất lớn mà vốn của công ty không thể đáp ứng được. Mặt khác ngân hàng không thể cho công ty vay một số tiền lớn như vậy vì bạn không có đủ số tài sản thế chấp cần thiết. Làm sao để có được tiền đầu tư đây? Bạn muốn niêm yết Công ty mình trên thị trường chứng khoán (IPO), tuy nhiên điều kiện được niêm yết khó khăn ví dụ như để niêm yết ở sàn chứng khoán HCM (HoSe) thì số vốn tối thiểu là 20 tỷ; ở sàn NewYork là vài ba triệu đô. Vậy làm sao có thể mở rộng kinh doanh, tăng thêm vốn để ước mơ IPO trở thành hiện thực?

Trong vòng đời kinh doanh và đặc biệt là với các công ty mới thành lập (start-up company) thì những tình huống này xảy ra khá thường xuyên. Và khi nào bạn rơi vào các tình huống trên thì hãy nghĩ tới các công ty đầu tư mạo hiểm như là một lựa chọn để giải quyết!

Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu nền công nghiệp đầu tư mạo hiểm và xem tiềm năng phát triển ở những nước đang phát triển như Việt Nam như thế nào.

Đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) là gì?

Trước hết, đây là một trong các hình thức của đầu tư vốn tư nhân (Private Equity), là chiến thuật đầu tư vốn vào các công ty tư nhân có tiềm năng phát triển với mục tiêu làm tăng giá trị doanh nghiệp thông qua tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu hoạt động.

Các bước đầu tư vốn tư nhân bao gồm: xác định doanh nghiệp mục tiêu -> tăng trưởng giá trị doanh nghiệp mục tiêu (tư vấn chiến lược, tư vấn quản trị tài chính, quản trị doanh nghiệp) -> thoái vốn (niêm yết doanh nghiệp mục tiêu trên thị trường chứng khoán hay IPO; chuyển nhượng cho bên thứ ba; giải thể doanh nghiệp)

Tại Mỹ, hoạt động đầu tư mạo hiểm đang ngày một phát triển và hiện nay có gần 100.000 công ty chuyên về lĩnh vực này đang hoạt động. Còn theo Hiệp hội đầu tư mạo hiểm Anh, gần như tất cả trong số ba triệu người làm việc trong các công ty Anh nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Rất nhiều công ty có thể đã không tồn tại nếu thiếu sự trợ giúp quý giá của các nhà đầu tư mạo hiểm, cụ thể là bằng tiền mặt và tư vấn về quản lý cho các công ty.

Vậy các nhà đầu tư mạo hiểm đã làm những gì?

Các công ty đầu tư mạo hiểm thường được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, chỉ một số ít theo mô hình công ty cổ phần, do công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ linh hoạt hơn trong việc quyết định các khoản đầu tư, trong khi ở công ty cổ phần thì những quyết định kiểu này phải được Hội đồng quản trị hay Hội đồng cổ đông thông qua. Vốn của các công ty mạo hiểm có thể đến từ rất nhiều nguồn khác nhau: từ những nhà đầu tư cá nhân ưa thích hoạt động đầu tư mạo hiểm, ngân hàng, đến các những quỹ trợ cấp, quỹ hưu trí,…Các dạng đầu tư của các nhà đầu tư mạo hiểm có thể là một trong các hình thức sau:

  • Cung cấp vốn cho các doanh nghiệp ở giai đoạn đầu phát triển để cùng thực hiện chia sẻ lợi nhuận và rủi ro.
  • Đầu tư vào các doanh nghiệp có lịch sử phát triển lâu dài và ở giai đoạn trưởng thành của chu kỳ phát triển
  • Đầu tư vào doanh nghiệp tiềm năng để trở thành một doanh nghiệp đầu ngành
  • Hoặc cứu vớt doanh nghiệp khó khăn đang đứng bên bờ vực phá sản

Sau đó, với kinh nghiệm và các mối quan hệ của mình, họ có thể trợ giúp các công ty này trong hoạt động kinh doanh với hy vọng một ngày nào đó, các công ty này trở thành “những chú khủng long” thực sự. Lúc đó, khoản tiền đầu tư trước kia sẽ được thu về với số lượng lớn hơn gấp nhiều lần.

Đối với hoạt động đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư phải chấp nhận vòng quay vốn trung hạn hay dài hạn, thường là từ 5 đến 7 năm. Người ta có thể đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, tuy nhiên, vốn đầu tư mạo hiểm thường xuyên được tập trung vào các khu vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế, chẳng hạn như lĩnh vực công nghệ sinh học, internet hay lĩnh vực công nghệ cao.

Vai trò quản lý trong hoạt động đầu tư mạo hiểm

Vai trò quản lý ở đây rất quan trọng, bởi vì các nhà đầu tư không chỉ đơn thuần là người cung cấp vốn, mà vai trò của họ còn lớn hơn thế nữa khi họ là người đưa ra những lời khuyên hữu ích trong quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh. Hiệp hội đầu tư mạo hiểm Anh cho biết, khoảng 50% nguồn vốn đầu tư mạo hiểm là nhằm mục đích mở rộng thị trường, đặc biệt là giúp các hoạt động kinh doanh hiện tại tăng trưởng và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, đối với nhiều công ty, tất cả những gì họ cần từ nguồn vốn đầu tư mạo hiểm là những khoản tiền mặt kịp thời và lời khuyên dành cho cấp quản lý.

Một số tập đoàn nổi tiếng hiện nay tại Anh được xây dựng từ những nguồn vốn đầu tư mạo hiểm như Lastminute.com, National Express Group, Trafficmaster và Whittards of Chelsea. Còn tại Mỹ, những cái tên như Apple, Federal Express, Compaq, Sun Microsystems, Intel và Microsoft được biết đến như những công ty ngay từ đầu đã chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư mạo hiểm để phát triển.

Đầu tư mạo hiểm không phải không có mặt trái

Cùng với chiều hướng tăng dần của các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, những rắc rối cũng đã bắt đầu nảy sinh từ việc nhiều người cho rằng đầu tư mạo hiểm chỉ là thủ đoạn mua rẻ bán đắt, về bản chất là một sự đầu cơ trục lợi. Trong nhiều cuộc thảo luận đầu tư vào các công ty nhỏ, những nhà đầu tư mạo hiểm bị buộc tội lợi dụng giá rẻ để kiếm lời, chỉ quan tâm đến vòng quay đồng tiền mà không quan tâmđến tương lai của các nhân viên. Và một hoạt động đầu tư mạo hiểm nào thất bại thì lại là cái cớ cho những người phản đối phương thức đầu tư này lên tiếng chỉ trích. Các nhà đầu tư mạo hiểm đã ra sức bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng họ hành động không chỉ vì lợi nhuận. Theo họ, những người chỉ trích đã không hiểu hết những ích lợi mà hoạt động mạo hiểm đem lại cho nền kinh tế. Tình trạng thiếu hụt tài chính sẽ là trở ngại lớn trên con đường phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào, trong khi hệ thống ngân hàng không đủ khả năng hỗ trợ vốn đã khiến các công ty gặp rất nhiều khó khăn trong cố gắng đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng cao năng lực kinh doanh. Do vậy, các công ty chỉ còn giải pháp là tìm ra mọi nguồn vốn đầu tư có thể. Theo khảo sát của các nhà đầu tư mạo hiểm, đại đa số các công ty đã phát triển nhanh chóng sau khi chấp nhận các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, trong khi con số thất bại và gian lận là nhỏ hơn rất nhiều.

Chúng ta thử tưởng tượng sẽ là như thế nào nếu cách đây 26 năm, hai chàng sinh viên Bill Gates và Paul Allen phát minh ra phần mềm máy tính, nhưng họ lại không nhận được những khoản đầu tư mạo hiểm để tiếp tục nghiên cứu và phát triển. Nếu quả thật như vậy thì chắc hẳn ngày nay chúng ta không thể được hưởng thụ những thành quả mà các phần mềm của Microsoft mang lại cho toàn thế giới. Các công ty mới thành lập hiện có rất nhiều ý tưởng kinh doanh hay, đồng thời rất cần vốn để biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Nắm bắt được yếu tố này, những nhà đầu tư mạo hiểm đã không bỏ lỡ cơ hội, bởi họ nhìn thấy được, khi những ý tưởng kinh doanh này thành công thì lợi nhuận thu về sẽ gấp hàng trăm lần lượng số tiền bỏ ra ban đầu, mà lợi nhuận cuối cùng chính là phần thưởng cho những người có hiểu biết, có kinh nghiệm và dám mạo hiểm.

Ở Việt Nam, theo Dynasty Investment, Mekong Capital có 3 quỹ trị giá 181 triệu USD, VinaCapital dành 232 triệu USD vào đầu tư mạo hiểm, IDG Ventures hiện có 1 quỹ trị giá 100 triệu USD và đang thành lập thêm 2 quỹ mới trị giá 400 triệu USD, BankInvest có 1 quỹ tập trung vào thị trường mới nổi trị giá 100 triệu USD, Công ty quản lý quỹ Prudential đã đầu tư 130 triệu vào các công ty tư nhân, BVIM (liên doanh giữa Ngân hàng BIDV và Vietnam Partners LLC) cũng có 1 quỹ trị giá 95 triệu USD. Một số các công ty quản lý quỹ khác cũng dành một phần trong danh mục đầu tư của mình cho hình thức đầu tư này là VietFund Management, Vietcombank Fund Management, Deutsche Asset Management với lần lượt 22, 45 và 42 triệu USD. Tổng cộng các quỹ này đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD vào các công ty tư nhân, cùng với những khoản đầu tư chưa được tiết lộ khác thì thị trường này ở Việt Nam có tổng trị giá khoảng 1,5 đến 2 tỷ USD. Vậy các thương vụ đầu tư mạo hiểm của Việt Nam đã diễn ra như thế nào, lĩnh vực đầu tư nào được ưu tiên và tiềm năng phát triển của hình thức đầu tư vốn mạo hiểm ở Việt Nam ra sao, cơ hội cho các bên Buy-side, Sell-side và các tổ chức tư vấn là như thế nào, xin mới các bạn tiếp tục đón đọc trong phần 2 của bài viết này.

14 bình luận to “Hình thức đầu tư mạo hiểm – Tiềm năng phát triển tại Việt Nam (Phần 1)”

  1. $Hằng$ Says:

    uây, thế hình thức này có gì đặc biệt hơn private equity hở đồng chí, mao hiểm hơn à? :D. Vì mềnh thấy đây là một hình thức của private equity nhưng chưa thấy nhấn mạnh vào điểm đặc biệt nào tạo nên cái tên riêng của nó 😀 nên thắc mắc hem bít nó được phân ra một nhánh như vậy là vì cớ làm seo.

  2. Tran Hai Yen Says:

    Private Equity có hai chiến lược đầu tư thông dụng:
    – Đầu tư vốn mạo hiểm – Venture Capital
    – Mua doanh nghiệp thông qua đòn bẩy tài chính – Leverage Buyout

    Venture capital thì như em đã giới thiệu ở trên. Đó là cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh xuất sắc để họ khởi nghiệp hoặc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp ở giai đoạn đầu phát triển để cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro.

    Còn LBO là chiền thuật mua doanh nghiệp thông qua sử dụng vốn vay bên ngoài. Quỹ PE đứng ra cung cấp phần vốn chủ sở hữu đồng thời thuyết phục các đối tác tài trợ vốn khác cung cấp vốn vay. Mức vốn vay bên ngoài thường chiếm 70% số vốn cần huy động. Sau khi mua, doanh nghiệp mục tiêu được chuyển từ công ty đại chúng sang công ty tư nhận để phục hồi phát triển, Việc thoái vốn thường được thực hiện sau 3-7 năm. Sự tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp mục tiêu xuất phát từ sự cải thiện hoạt động (50%), sử dụng vốn vay (20%), mở rộng quy mô hoạt động (30%).

    Các bài tiếp theo em sẽ giới thiệu rõ hơn cơ chế hoạt động, lợi ích cũng như rủi ro của hình thức này ạ :).

    • Ho Hong Hanh Says:

      Uhm, theo mình được hiểu thì đầu tư mạo hiểm là một phần của đầu tư P/E nhưng đặc điểm của VC là công ty đó trẻ và có tiềm năng phát triển rất nhanh nhưng độ rủi ro lại rất cao. Hiện nay thì thấy đầu tư được gọi là VC chủ yếu là nằm ở ngành IT, biotech, dược phẩm là những ngành rủi ro cao (20-90%), thành công rất ít mà số vốn cần thì rất cao.

      Một đặc điểm khác của VC là đầu tư dài hạn hơn, tính thanh khoản kém, và độ rủi ro cao hơn đầu tư P/E. Cơ cấu tài chính của VC hầu như cũng chủ yếu là equity, tỷ lệ nợ chiếm rất ít.

  3. Nguyen Thu Ha Says:

    Cảm ơn tác giả vì bài viết rất chi tiết (mặc dù hơi dài, đọc xong đầu óc quay quay :P).

    Mình có 1 thắc mắc là trong phần giới thiệu về các quỹ đầu tư tại Việt Nam, không thấy tác giả nêu tên Dragon Capital nhỉ. Theo mình biết, thì hiện tại Dragon Capital đang quản lý 5 quỹ là VEIL, VGF, VDeF, VPF và VRI. Theo thông tin trên gafin.vn, trong tháng 8, tổng NAV của 4 quỹ VEIL, VGF và VDeF, VPE khoảng 659,75 triệu USD. Như vậy, có thể thấy Dragon Capital cũng to đấy chứ nhỉ, sao hem thấy tác giả đề cập đến?

    Tác giả tham khảo thông tin về Dragon Capital theo đường link dưới nhé 🙂

    http://gafin.vn/20110916035256786p0c31/dragon-capital-veil-va-vgf-con-hon-27-trieu-usd-tien-mat.htm

    • Tran Hai Yen Says:

      Ui đúng là thiếu sót. Hiện ở Việt Nam có 4 quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất là Mekong Capital, IDG Venture VietNam, Dragon Capital, VinaCapital. Yến sẽ lưu ý đến DC trong phần 2 của bài viết hehe.

  4. Long DT Says:

    Trong phần sau Yến có thể đề cập thêm về việc rút vốn khỏi doanh nghiệp của các quỹ đầu tư mạo hiểm được không. Như mình biết thì IPO là hình thức phổ biến nhất. Nhưng hình thức này lại phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm thoái vốn. Công ty cơ bản tốt nhưng phải lúc thị trường chứng khoán không thuận lợi thì giá bán vẫn rất rẻ. Trong trường hợp như vậy thì phương án nào sẽ được các quỹ áp dụng. Tại Việt Nam hiện nay thì Yến có biết là phương pháp nào các quỹ venture hay áp dụng nhất để thoái vốn trong một doanh nghiệp không.

    • Tran Hai Yen Says:

      Cảm ơn bạn về câu hỏi rất hay. Trường hợp triển vọng doanh nghiệp và thị trường không tốt như kỳ vọng ban đầu, hay doanh nghiệp không niêm yết kịp theo kế hoạch thì quỹ có thể quyết định về việc thoái vốn qua các hình thức khác như bán lại cho lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn khác, các tổ chức liên quan trong ngành có nhu cầu M&A hoặc các tổ chức muốn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân khác. Thời gian vừa qua tại Việt Nam, các quỹ thường thoái vốn bằng hình thức bán lại cổ phần cho các công ty có nhu cầu M&A ví dụ như trường hợp của Vietnam Opportunity Fund (VOF) – một quỹ thành viên của Vina Cap đã đạt được thỏa thuận bán 65% cổ phần tại Y khoa Hoàn Mỹ cho Fortis Health của Ấn Độ, hay bán 24.9% cổ phần tại Halico cho Streetcar Investment Holding – một công ty con tại Singapore của Tập đoàn đồ uống Anh quốc Diageo sau 5 năm đầu tư.

  5. Nguyen Manh Hai Says:

    Chủ đề và các giải thích đều rất hay! Mình giới thiệu một cách phân loại cụ thể là:

    – Đầu tư mạo hiểm (Venture Capial) thì chỉ đầu tư vốn vào ý tưởng kinh doanh hoặc doanh nghiệp mới rất có tiềm năng mà thôi.

    – Đầu tư vốn giá rẻ (Distressed Financing) là để cứu công ty sắp phá sản.

    – Đầu tư Mezzanine là đầu tư vốn cổ phần ưu đãi (preferred equities) hoặc nợ thứ cấp (nếu là debt)

    – Đầu tư vốn sử dụng đòn bảy (LBO): cũng là đầu tư vốn nhưng nguồn vốn để đầu tư là vay từ các định chế khác.

    – Đầu tư tăng trưởng (Growth Capital) là đầu tư vốn vào giai đoạn mở rộng của một doanh nghiệp đang hoạt động cần phát triển thêm.

    – Đầu tư vốn thứ cấp, riêng lẻ (Secondaries, private placement)

    6 loại trên tạo thành nhóm tài sản Vốn cổ phần tư nhân (Private Equity Asset Class) trọn vẹn!

    Mình cũng sắp xếp theo thứ tự rủi ro cao nhất đến thấp nhất theo chủ quan của mình. Và như vậy, chỉ riêng Venture Capital mới được gọi là Đầu tư mạo hiểm mà thôi. Và vì thế nó có tên rất riêng do mục đích, hình thức rất riêng 🙂 Thuật ngữ này có từ trước, chứ mình mà dịch từ đầu thì sẽ gọi cái tên là Đầu tư phiêu lưu vì đã đầu tư vốn cổ phần tức là mạo hiểm hơn các hình thức khác rồi!

  6. investovn Says:

    chia xẻ thêm với HYến, thực ra việc exit VC ở Viêt nam hiện nay 80% là bế tắc, chỉ có 1 số case như Khải Hoàn, Halico thì không thực sự là VC. Nếu chúng ta nhin thấy các VC project của Mekong Capital và IDG thì thấy rất rõ, theo như mình biết chỉ có đấu tư vào mà chưa thoái được khoản nào….
    Còn về lý thuyết việc thoái vốn sẽ áp dụng theo 2 hình thức chính bán ra công chúng bằng listed doanh nghiệp VC và bán cho nhà đầu tư khác hoặc cổ đông khác…
    investovn@gmail.com

    • Nguyen Manh Hai Says:

      Mình cũng đồng ý với bạn investovn là Bệnh viện Hoàn Mỹ hay Halico không được coi là VC một cách thuần túy.

      Và các giải pháp thoái vốn của VC ở Việt Nam bằng IPO hoặc bán lại cổ phần là rất khó. Có lẽ khung thời gian đầu tư VC ở Việt Nam phải khoảng 10 năm mới mong có thể thoái vốn được, thay vì 3-5 năm như ở các nước khác.

      • Tran Hai Yen Says:

        Cảm ơn bạn investovn và anh Hải rất nhiều. Mình cũng đồng tình thời gian thoái vốn của VC project tại Việt Nam là khá dài. Và mình sẽ chọn các deal VC cụ thể hơn trong phần 2 bài viết. .

  7. Hình thức đầu tư mạo hiểm – Tiềm năng phát triển tại Việt Nam (Phần 2) « Research Group Says:

    […] Phần 1 tôi đã giới thiệu với các bạn về tổng quan hình thức đầu tư mạo hiểm và các hình thức của dạng đầu tư này. […]


Bình luận về bài viết này